Tin nông nghiệp Đồng Tháp: Hiệu quả áp dụng mô hình giảm giá thành sản xuất lúa

Đồng Tháp: Hiệu quả áp dụng mô hình giảm giá thành sản xuất lúa

Tác giả Trần Trọng Trung, ngày đăng 18/03/2017

Đồng Tháp: Hiệu quả áp dụng mô hình giảm giá thành sản xuất lúa

Vụ đông xuân 2016 - 2017, ông Nguyễn Văn Tương ở ấp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã dành 5.000m2 đất ruộng thực hiện mô hình giảm giá thành sản xuất lúa theo hướng dẫn của giáo sư Võ Tòng Xuân và dành 5000m2 đất ruộng còn lại để canh tác lúa theo phương pháp truyền thống (ruộng đối chứng). Ruộng áp dụng mô hình và ruộng đối chứng đều sử dụng cùng một loại giống lúa VD 20 cấp xác nhận và đều gieo sạ bằng tay.

Trong ảnh: kiểm tra ruộng

Ông Nguyễn Văn Tương cho biết: “Ruộng thực hiện mô hình tôi sạ 60 kg lúa giống. Trước khi sạ tôi áp dụng kỹ thuật bón vùi 10 kg phân DAP và 5kg kali trước lần làm đất cuối cùng, sau đó trục và sạ. Đồng thời, quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM. Còn ruộng đối chứng, tôi sạ 90 kg lúa giống và canh tác theo tập quán truyền thống…”

Trong quá trình chăm sóc, đối với ruộng mô hình, ông Tương chia làm 3 đợt bón phân. Một tuần sau sạ, ông Tương bón phân đợt 1. Lúa được 20 ngày, ông bón phân đợt 2 gồm: 15 kg Ure kèm Fuji Ruto Azotobacter sp, Pseudomonas sp. Lúa được 44 ngày, ông Tương tiếp tục bón phân đợt 3 gồm: 35 kg Ure và 40 kg kali… Khi lúa được 58 ngày, ông Tương còn bón thêm 10 kg phân Ure. Đặc biệt, lúa trước 40 ngày sau sạ, ông Tương không phun thuốc trừ sâu, nhằm bảo vệ các loài thiên địch có lợi và thường xuyên làm đất, làm cỏ và bắt ốc bươu vàng bằng tay, chủ động giữ nước trên ruộng, không để ruộng bị khô. Từ khi lúa trổ lẹt xẹt và lúa trổ đều… nếu phát hiện lúa bị chuột cắn phá, ông Tương sử dụng bẫy rào cản hệ thống quản lý cộng đồng (community trap barrier system). Khi thăm đồng phát hiện bệnh bạc lá chớm xuất hiện vào giai đoạn lúa làm đòng đến trổ hay bệnh đạo ôn cổ bông, bọ xít dài… thì ông Tương chỉ phun sương thuốc đặc trị một lần nhằm hạn chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt lúa…

Ông Nguyễn Văn Tương chia sẻ: “Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình sạ thưa và bón phân cân đối… giúp lúa phát triển chiều cao mạnh từ giai đoạn mạ đến cuối giai đoạn đẻ nhánh. Sau đó, lúa chuyển qua sinh trưởng sinh sản, tập trung dinh dưỡng cho giai đoạn làm đòng nên chiều cao giai đoạn này tăng chậm. Từ giai đoạn làm đòng đến giai đoạn trước trổ, cây lúa tiếp tục phát triển mạnh chiều cao cho đến giai đoạn trổ chín. Tuy nhiên, số chồi, bông và hột lúa ở ruộng mô hình thấp hơn ruộng đối chứng. Tuy nhiên, do ruộng đối chứng sạ dày nên làm tăng số chồi vô hiệu và đến giai đoạn lúa trổ chín các chồi này không cho bông hoặc bông bị chết. Từ đó cho thấy, lượng phân bón mà các chồi này đã hấp thụ cũng sẽ mất đi và gây tốn kém chi phí. Ngoài ra, các chồi vô hiệu này làm bên dưới tán lúa ít thông thoáng, tạo nơi cư trú của sâu rầy và ẩm độ cao tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Vì vậy, việc sạ thưa đã làm giảm được lượng giống, phân bón, công chăm sóc và tiết kiệm được chi phí đầu tư…”

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tam Nông nên giá thành sản xuất của ruộng mô hình là 1.830 đồng/kg lúa, thấp hơn ruộng đối chứng 124 đồng/kg lúa. Do hai mảnh ruộng áp dụng quy trình canh tác giống nhau, chỉ khác nhau lượng giống gieo sạ nên chi phí chênh lệch không nhiều. Nhưng, nếu so với giá thành sản xuất trung bình của vụ đông xuân 2015 - 2016 là 3.167 đồng/kg lúa thì chi phí ở vụ Đông Xuân 2016 – 2017 của ruộng mô hình thấp hơn 1.000 đồng/kg lúa. Từ đó cho thấy, nếu áp dụng các kỹ thuật bón vùi phân và quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM thì giá thành sản xuất lúa giảm được 32%; trong khi đó năng suất lúa vẫn đảm bảo đạt từ 6,3 - 6,5 tấn/ha.

Vụ đông xuân 2016 - 2017, ông Nguyễn Văn Tương thu hoạch 5.000m2 đất ruộng áp dụng mô hình giảm giá thành đạt năng suất bình quân 6.313kg lúa/ha, bán giá 6.800 đồng/kg, thu được 42.928.400 đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, công chăm sóc, ông Tương còn lãi 29.248.400 đồng. Giá thành đầu tư sản xuất chỉ có 2.167 đồng/kg lúa.

Còn 5.000m2 ruộng đối chứng, ông Tương đầu tư sản xuất tới 2.291 đồng/kg lúa. Sau thu hoạch đạt năng suất 6.325 kg lúa/ha, bán giá 6.800 đồng/kg, thu được 43.010.000đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, công chăm sóc, ông Tương còn lãi chỉ có 28.520.000đồng.

Kiểm tra ruộng

Ông Nguyễn Văn Tương bày tỏ: “Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình này không chỉ giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng để bảo tồn thiên địch, giảm số lần phun thuốc trừ bọ trĩ, sâu cuốn lá giai đoạn đầu của cây lúa, bảo vệ sức khỏe… mà còn tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành sản xuất và tăng cao lợi nhuận. Đặc biệt là nâng cao chất lượng nông sản, hột lúa không có dư lượng thuốc trừ sâu, đảm bảo an toàn vệ sinh thưc phẩm…”

Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tam Nông khuyến cáo: Để sản xuất lúa đem lại hiệu quả cao cần phải áp dụng tổng hợp các giải pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống lúa, lịch thời vụ, mật độ sạ thưa (120kg lúa/ha), bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng, quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM… Trong đó, sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng là hướng đi thích hợp cần được nhân rộng…

Đài TT Tam Nông, Đồng Tháp


Đắk Nông: Nuôi dê bách thảo cho thu nhập ổn định Đắk Nông: Nuôi dê bách thảo cho thu… Lâm Đồng: Người tâm huyết với cây dâu tây công nghệ cao Lâm Đồng: Người tâm huyết với cây dâu…