Bệnh Đốm Lá, Chảy Nhựa Thân
TRIỆU CHỨNG BỆNH
Đây là bệnh khá quan trọng và thường gây ra hiện tượng ”chạy dây” nhất là trên dưa hấu. Nông dân thường gọi là bệnh ”bã trầu”. Bệnh thường xuất hiện trên dưa hấu, dưa gang và dưa leo.
- Trên dưa hấu:
Trên lá: đốm bệnh không đều đặn và lan rộng dần, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc lớn hơn, lúc đầu là đốm úng nước, sau đó sẽ khô lại và có màu nâu nhạt. Bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào, theo những mảng hình vòng cung, trong đó có các vòng đồng tâm nâu sậm, sau đó, đốm có màu nâu đen với các vòng đen đồng tâm, lá bị cháy. Tâm vết bệnh có nhiều bào nang có miệng, còn được gọi là quả thể (thể sinh sản hữu tính của nấm gây bệnh là perithecia) tạo thành các đốm đen bằng đầu kim.
Trên thân: nhất là trên nhánh thân có hình bầu dục, màu xám trắng, kích thước khoảng 1 - 2 cm, đốm hơi lõm, làm khuyết một bên thân hay nhánh. Trên vùng bệnh, nhựa màu nâu đỏ ứa ra thành giọt, sau cùng đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại. Nơi vùng bệnh, vỏ thân có thể bị nứt nẻ, trên đó cũng có mang nhiều quả thể nấm màu đen và nhỏ. Bệnh làm héo dây hay héo nhánh.
Trên trái: lúc đầu có những đốm nhũn nước, sau đó, đốm bệnh khô, có màu nâu và bị nứt nẽ.
- Trên dưa leo:
Trên lá: có những vết bệnh to, màu trắng xám, có dạng tròn hoặc dạng góc cạnh không đều. Vết bệnh có viền màu nâu nhạt, xuất hiện nhiều ở bìa lá.
Trên thân: có nhiều vết màu trắng xám xuất hiện ở các đốt thân dưa và sau đó, phần trên của đốt bị chết khô.
Bệnh lây lan nhanh, nếu không trị bệnh kịp thời, cả ruộng có thể bị cháy.
TÁC NHÂN GÂY BỆNH
Bệnh do nấm Mycosphaerella melonis (Passerini) Chui và Walker (M. citrullina (C. O. Smith) Grossenbacher).
Mầm bệnh có thể lây lan ở hai dạng sinh sản: vô tính và hữu tính.
Ở giai đoạn sinh sản vô tính, có các túi đài (pycnidia) màu đen, hình cầu với đường kính thay đổi khoảng 60 - 330 micron, chúng được thành lập ngay trên bề mặt mô ký chủ.
Túi đài chứa các đính bào tử (conidia), mỗi đính bà tử có 1 - 2 tế bào dạng hình thoi, kích thước 4 - 14 x 1,5 - 7 micron.
Ở giai đoạn sinh sản hữu tính, có các bao nang có miệng, màu đen và dạng hình cầu, đường kính 90 - 230 micron. Bên trong bao nang có chứa nhiều nang (asci).
Nang có hình trụ, không có màu, mọc thành chùm, kích thước 55 - 88 x 6 - 12 micron. Bên trong nang là nang bào tử (ascospores), nang bào tử có hình cái thoi, không màu và gồm hai tế bào, kích thước nang bào tử 8 - 15,5 x 4,5 - 9 micron.
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ
- Tiêu hủy các cây bệnh và sau mỗi mùa vụ nên hủy bỏ các dư thừa thực vật.
- Khử khô hạt giống.
- Phun TOPAN nồng độ 0,05 - 0,1% hay phết thuốc vào ngay vết bệnh. Có thể dùng Copper B phun cả cây hoặc phết thuốc lên vết nứt trên thân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ