Mô hình kinh tế Cần Triển Khai Có Hiệu Quả Việc Ứng Dụng Tiến Bộ KHCN Trong Sản Xuất Nông Nghiệp

Cần Triển Khai Có Hiệu Quả Việc Ứng Dụng Tiến Bộ KHCN Trong Sản Xuất Nông Nghiệp

Ngày đăng 02/01/2015

Cần Triển Khai Có Hiệu Quả Việc Ứng Dụng Tiến Bộ KHCN Trong Sản Xuất Nông Nghiệp

Những năm qua, ngành khoa học và công nghệ Bình Thuận đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) có hiệu quả và chuyển giao thành công, như “Nghiên cứu biện pháp quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm quả xuất khẩu tại Bình Thuận”; đề tài sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Ometar giúp bà con nông dân ở Đức Linh, Tánh Linh có thể tự sản xuất chế phẩm và tiêu diệt rầy nâu hại lúa đảm bảo an toàn sinh thái đồng ruộng; đề tài sản xuất rau trên đất cát tại huyện đảo Phú Quý giúp người dân và chiến sĩ trên đảo có thể tự sản xuất rau, không phụ thuộc vào nguồn cung cấp trong đất liền; các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đề tài nghiên cứu và sản xuất được giống mè đen siêu nguyên chủng có năng suất và chất lượng tốt.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy công tác ứng dụng KHCN vào sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ các hộ nông dân ứng dụng KHCN còn ít. Vì vậy, chất lượng, sản phẩm, giá trị tạo ra từ KHCN vẫn chưa cao, sức cạnh tranh của nông sản Bình Thuận còn yếu.
Theo thống kê hàng năm, từ kinh phí sự nghiệp KHCN, kinh phí dành cho các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm của tỉnh tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đào tạo, tập huấn cho người dân rất đáng kể. Song có một  hạn chế lâu nay vẫn chưa khắc phục được, đó là sau khi tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHCN cho người dân thì các kỹ thuật này rất dễ bị “lãng quên”. Nguyên nhân là do không có nguồn kinh phí duy trì áp dụng, thêm vào đó là người dân chưa thể làm quen ngay với quy  trình công nghệ mới, sợ rủi ro... nên tỷ lệ thành công thường không như mục tiêu ban đầu.
Việc nghiên cứu một mô hình trồng cây, hoặc con nuôi thành công đem lại năng suất, hiệu quả, chất lượng cao hơn đã khó; nhưng việc áp dụng các nghiên cứu đó vào thực tế sản xuất còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Bởi lẽ không dễ gì làm thay đổi được tư duy, nhận thức về cách canh tác lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân từ bao đời nay.
Do đó, nếu như chúng ta không có một cách làm đột phá bằng việc đào tạo, nâng cao nhận thúc cho người dân; và phải chứng minh tính ưu việt của các mô hình; các công nghệ tiên tiến trong canh tác nông nghiệp; đồng thời, phải luôn song hành cùng người dân để áp dụng cho tới lúc mô hình thành công. Khó khăn nữa là do thiếu những khu thực nghiệm của các tổ chức khoa học công nghệ, những doanh nghiệp KHCN về nông nghiệp mà chủ yếu đưa các ứng dụng khoa học xuống với các cánh đồng của người nông dân.
Do vậy, việc tiếp tục hoàn chỉnh mô hình, từ đó rút ra được mô hình tối ưu là vô cùng khó khăn. Ví dụ cây thanh long là sản phẩm lợi thế, nên trong những năm qua, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về cây thanh long: từ phân lập, chọn giống;  quy trình canh tác, chăm sóc, phân bón, chống dịch bệnh; đến bảo quản sau thu hoạch, quy trình quản lý, xây dựng thương hiệu,  đăng ký ra nước ngoài...
Nhưng để xâu chuỗi hết những đề tài này lại, tạo thành mô hình chuẩn thì không có điều kiện thực hiện. Hoặc như chúng ta có mô hình tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước cho cây thanh long đối với các vùng có khí hậu khô hạn. Nhưng chất đất nào thì phương pháp tưới nào là tối ưu? Hay để vừa tưới vừa kết hợp bón phân hiệu quả đến từng gốc thanh long? Hay phương pháp chong đèn kích thích ra hoa trái vụ, thì sử dụng bóng đèn compact, sợi nung, hay đèn cao áp là phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng để đạt năng suất tối ưu...
Tất cả những nội dung ứng dụng này chỉ có thể thực hiện một cách đồng bộ và mang lại hiệu quả tốt khi thực hiện trên khu vực ứng dụng KHCN của một đơn vị có tiềm lực và kinh tế, có nguồn nhân lực khoa học và sau khi có mô hình tốt, sẽ có điều kiện duy trì và nhân rộng, trở thành điểm để lan tỏa ra người dân nhiều hơn.
Kế tiếp là không thể không kể đến trình độ nhận thức của người nông dân về KHCN vẫn còn nhiều hạn chế, việc áp dụng KHCN vẫn là một vấn đề mới, tâm lý còn sợ rủi ro nên ngại áp dụng. Vì vậy rất cần những khu ứng dụng công nghệ sinh học nuôi trồng các loại cây, con có lợi thế tại địa phương để làm nơi tham quan, hội thảo, học hỏi và chuyển giao các ứng dụng vào sản xuất cho người dân.
Xuất phát từ thực tế đó, hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập 2 khu ứng dụng nông nghiệp công  nghệ cao là Khu tôm giống Chí Công và Khu thanh long Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên, để thực sự làm tốt công tác ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất thì việc đầu tư như vậy vẫn còn quá ít. Hơn nữa, các khu công nghệ cao đó chỉ mới tập trung cho cây thanh long và tôm giống; trong khi đó, với điều kiện Bình Thuận, thì rất nhiều loại cây trồng và con nuôi khác có lợi thế cũng cần được quan tâm.


Tạo Thuận Lợi Để Ngư Dân Vay Vốn Theo Nghị Định 67 Tạo Thuận Lợi Để Ngư Dân Vay Vốn… Quảng Nam Hỗ Trợ Kinh Phí Gia Cầm Bị Tiêu Hủy Quảng Nam Hỗ Trợ Kinh Phí Gia Cầm…