Canh Tác Cam Sành Cho Trái Nghịch Vụ
Toàn huyện Tam Bình hiện có trên 3.000 ha cam sành với trên 2.000 ha cam đang cho trái. Vụ cam chính vụ thu hoạch vào khoảng tháng 9 – 10 âm lịch hàng năm. Nếu trồng đạt năng suất cao mỗi công (1.000 m2) cho thu nhập hàng chục triệu đồng nhưng giá bán thấp (từ 5.000 – 11.000đ/kg).
Nhiều nhà vườn có kinh nghiệm trồng cam đã xử lý cây cam sành cho ra trái nghịch vào khoảng tháng 4 – 6 ÂL bán được giá cao gấp đôi so mùa thuận. Ông Lưu Hoàng Minh (Hai Minh) ở ấp Tường Lễ, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã ứng dụng thành công quy trình canh tác cây cam sành cho trái nghịch vụ đạt năng suất và chất lượng.
Đầu năm 2005, ông Hai Minh cải tạo 4.000 m2 cam sành già cỗi, trồng mới theo quy cách mặt liếp rộng 4 m, trồng 2 hàng cây cam sành, khoảng cách mỗi cây 2,5 m. Mỗi mô đất trồng cam đắp cao 80 cm, chân mô 60 cm, mặt mô 40 cm và rải vôi bột trước khi trồng 30 ngày để tiêu diệt mầm bệnh, hạ phèn trong đất. Chọn giống cây sạch bệnh, đào hố trong mô đất cho 5 – 7 kg phân chuồng ủ oai mục vào rồi xuống giống. Mỗi tháng tưới 5g phân NPK cho 1 cây cam.
Mỗi năm bón phân chuồng hoai mục 2 lần bằng cách xẻ rãnh xung quanh mô theo tán lá cây cam rồi lấp đất lại vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Mỗi lần cây cam ra đọt non sử dụng nước rửa chén Sunlight pha 200cc vào bình 16 lít nước phun xịt trừ rầy rệp mềm, rệp sáp, sâu vẽ bùa… rất có hiệu quả lại rẻ tiền, không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại đến các loài thiên địch có ích khác. Nhờ thực hiện đúng quy trình canh tác nên ông Hai Minh đã tiết kiệm được chi phí trồng cam sành.
Quy trình xử lý cây cam sành cho trái nghịch mùa ông Hai Minh thực hiện như sau:
- Từ tháng 4 ÂL, hái bỏ bớt trái cam ra mùa thuận, chừa lại một ít trái để cây không bị phản ứng sinh lý khi cho trái mùa nghịch.
- Tỉa cành, cắt những cành sâu bệnh, cành không phát triển đem đi tiêu huỷ. Đây là thời điểm mưa đầu mùa nên bón từ 30 – 50 kg vôi bột/1.000 m2 và bón 40 kg phân NPK (16 – 16 – 8), 15 kg phân urê/1.000 m2 để phục hồi cây và để cho cây ra chồi non đồng loạt. Khi cây bắt đầu ra chồi non thường hay xuất hiện sâu bệnh nên sử dụng thuốc Actara ngừa rầy chổng cánh, phun thuốc Coppyzine, Kasumin, cóc – 85 ngừa bệnh ghẻ lá. Muốn cho cây ra hoa đồng loạt chú ý sử dụng lượng phân, thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".
- Đến tháng 6 – 7 ÂL, có nắng hạn nên xiết nước cạn khi có mưa lại. Nếu nắng hạn kéo dài, lá không còn xanh mượt nên đưa nước vào và bón phân supper lân từ 50 – 100kg/1.000 m2 để tạo mầm hoa. Sau khi bón phân từ 15 ngày trở đi, thường xuyên theo dõi khi thấy chồi già có hiện tượng ướm chồi non ra hoa là đạt yêu cầu. Nếu chồi non nhiều nên dùng thuốc MKB phun xịt ức chế chồi non lại. Muốn cây cam sành cho trái đạt năng suất cao không nên bón bất cứ loại phân nào nữa kể từ khi cây phục hồi đến lúc ra hoa.
- Khi cây cam sành ra chồi non, ra hoa tiến hành bón 20 kg phân urê, 20 kg phân NPK/1.000 m2. Nên dùng thuốc Blom 10 – 60 – 10 với liều lượng từ 20 – 25g vào bình 8 lít nước để phun xịt xử lý cây cam sành ra hoa. Sau 5 – 6 ngày phun xịt, chồi non đã nhú đều tiến hành phun ngừa ghẻ lá, ghẻ trái. Sử dụng thuốc Kumulux cộng với dầu khoáng ngừa sâu bệnh và tiếp tục theo dõi từ 7 – 10 ngày sau thấy chồi non nhú ra đồng loạt thì ngưng phun thuốc. Nếu chồi non ra ít, không đạt số lượng hoa theo mong muốn thì phun thuốc lại lần 2 nhưng phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng".
- Khi trái cam bằng hạt đậu xanh, phun thuốc phòng ngừa bệnh da lu, da cám, ghẻ trái và sử dụng thuốc Vibamel, Conid Supracide, dầu khoáng phòng trị nhện đỏ.
Sau 20 – 30 ngày đậu trái nên phun thuốc lại lần 3 phòng trị bệnh da lu, da cám, ghẻ lở trái cam gây ảnh hưởng đến năng suất, mẫu mã. Để kéo dài tuổi thọ của cây, khi trái cam to bằng đầu ngón tay nên tỉa bỏ bớt trái vừa nuôi cây, nuôi trái và tránh gãy cành… Đến khi trái cam được 120 ngày tuổi nên tỉa bớt trái lần 2, chọn những trái phát triển đồng đều để lại. Khi trái cam từ 6 – 7 tháng tuổi, tiến hành tỉa trái lần 3 nhằm loại bỏ những trái sần sùi, ghẻ lở, mẫu mã không đẹp…
Xử lý cam sành ra trái nghịch cho năng suất từ 1,5 – 2 tấn trái/1.000 m2, giá bán khá cao từ 18.000đ– 22.000đ/kg, thu khoảng 25 triệu đồng.
Ông Hai Minh cho biết: Các nhà vườn cầcn lên liếp đúng quy trình kỹ thuật trước khi xuống giống. Chọn cây giống khoẻ, sạch bệnh, sử dụng nhiều phân hữu cơ, bảo tồn các loài thiên địch có ích cho cây cam (nên thả nuôi kiến vàng trong vườn cam). Thực hiện tỉa cành, tạo tán đúng quy cách, chọn trái phù hợp với độ tuổi của cây, thu hoạch trái đúng thời vụ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ