Trồng ngô Chăm sóc cây ngô giai đoạn sắp thu hoạch

Chăm sóc cây ngô giai đoạn sắp thu hoạch

Tác giả Hoài Phương, ngày đăng 23/04/2018

Chăm sóc cây ngô giai đoạn sắp thu hoạch

Không nên cắt bỏ phần thân phía trên khi ngô chưa chín già

Nông dân Quỳnh Lưu kiểm tra ngô Bai ô xít - Ảnh: Trần Tố

Đối với cây ngô, quá trình chín trải qua 3 giai đoạn: chín sữa, chín sáp, chín hoàn toàn. Giai đoạn chín sữa, lượng chất khô tích lũy chiếm khoảng 30 - 35% khối lượng hạt. Giai đoạn chín sáp, lượng chất khô tích lũy chiếm khoảng 60 - 65% khối lượng hạt. Giai đoạn chín hoàn toàn, lượng chất khô tích lũy giảm dần và lá chuyển sang vàng từ dưới lên. Như vậy, thời kỳ chín của hạt thì lá ngô có vai trò rất quan trọng trong quang hợp tạo chất khô để nuôi hạt, nhất là các lá ngọn

Một số nơi bà con tận dụng thu hoạch những lá già, lá khô nhằm mục đích tạo độ thông thoáng, hạn chế sâu bệnh đồng thời tận dụng làm thức ăn cho trâu bò rất tốt. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều bà con đã lạm dụng cắt bỏ cả những lá ngô còn xanh để chăn nuôi trâu bò hoặc làm thức ăn nuôi cá; một số nơi còn cắt phần thân phía trên bắp khi cây ngô còn xanh trong khi hạt đang ở thời kỳ chín sáp với mục đích là để ngô chín nhanh hơn. Thực ra làm như vậy sẽ giảm năng suất và chất lượng hạt rất lớn, hạt ngô nhăn nheo, màu sắc xấu và chất lượng kém. 

Biện pháp chăm sóc tốt nhất để ngô cho năng suất cao, chất lượng tốt, đồng thời vừa có thể tận dụng lá để làm thức ăn cho trâu bò thì bà con nên thu từng lá bắt đầu ngả vàng từ dưới lên, ít nhất cũng phải đảm bảo được từ 6 đến 8 lá trên cùng cho tới khi thu hoạch bắp. Đối với những ruộng ngô gieo muộn, nếu để chín hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến thời vụ của cây trồng sau. Trong khi ngô chín nếu cần giải phóng đất thì nên chặt cả thân lẫn bắp đem về để ít ngày giúp cho hạt chắc thêm rồi hãy tách bắp ra. Với những vùng đất bãi, nếu cây trồng sau là đậu, đỗ, vừng... thì nên gieo gối vụ, khi đó căn cứ vào mức độ phát triển của cây trồng gối mà tỉa lá ngô hợp lý nhằm đảm bảo có đủ ánh sáng cho cả hai loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Sản xuất ngô rau bao tử cần có biện pháp khử cờ đúng lúc 

Trong thời gian trổ cờ, nếu cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường và điều kiện thời tiết thuận lợi (nhiệt độ vừa phải, không hanh khô, không mưa dầm, gió nhẹ) thì bà con có thể cắt bỏ 2/3 số cờ (cứ 3 cây cắt bỏ 2 cây) khi cờ chưa tung phấn và không được cắt bớt lá có thể làm tăng năng suất thêm từ 5-8% vì dinh dưỡng không phải nuôi cờ và hạn chế được rệp cờ gây hại. Nếu cắt cờ muộn, sau khi ngô đã tung phấn thì không còn ý nghĩa. 

Với cây ngô bao tử (ngô rau) cần được khử cờ ngay khi cờ chưa tung phấn có thể làm tăng số lượng bắp non trên 1 thân cây ngô (thường là có thể thu được 2 bắp non thay vì 1 bắp), đồng thời chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn so với không khử cờ. Nguyên nhân là do cây không phải nuôi cờ và bắp non sẽ to và mịn hơn do không được thụ phấn, thụ tinh.

Bón phân thúc và tỉa bỏ chồi đúng lúc

Khi cây ngô được khoảng 50 ngày tuổi, thân có chiều cao đã ổn định, bắt đầu phát hoa tạo bắp, đây là giai đoạn chăm bón lần cuối để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây tăng năng suất và chất lượng tốt. Hãy bón thúc cho ngô bằng phân vi sinh với lượng 5- 6kg/sào. Tùy mức độ sinh trưởng của cây có thể dùng thêm phân bón qua lá để tăng thêm dinh dưỡng cho ruộng ngô. 

Để đảm bảo cho năng suất và chất lượng cao nhất, trước khi bắp trổ cờ phun râu, phải tiến hành tỉa chồi triệt để 100%. Trên mỗi cây chỉ để lại một bắp đầu tiên to nhất, từ các bắp ra kế tiếp thứ hai, ba... nên tỉa bỏ đi và cứ cách 3- 4 ngày tỉa bỏ một lần để cây tập trung dinh dưỡng nuôi bắp chính. Nên bẻ bắp khi mới phun râu dài 2- 3cm, dùng tay bẻ hoặc dao để cắt chồi nhẹ nhàng, vừa không ảnh hưởng cây mà lại có thể tận dụng bắp non làm ngô rau bao tử để tận dụng ăn tươi hoặc bán để tăng thu nhập.


Chăm sóc cây trồng vụ đông Chăm sóc cây trồng vụ đông Hướng dẫn gieo trồng giống ngô Nếp lai F1 HN88 Hướng dẫn gieo trồng giống ngô Nếp lai…