Chăm sóc, phục hồi cây có múi sau hạn - mặn
Trong những năm gần đây, diện tích trồng cây có múi, đặc biệt là bưởi Da Xanh tại Bến Tre phát triển khá nhanh, kể cả trên những vùng có ảnh hưởng mặn hàng năm ở mức độ nhẹ.
Trong ảnh: Chăm sóc cây bưởi Da Xanh sau thời kỳ hạn – mặn
Trong mùa khô năm 2015-2016, sản xuất nông nghiệp bị tổn thất nặng nề do thiên tai hạn - mặn; các loại cây có múi cũng bị ảnh hưởng lớn về mặt sinh trưởng, phát triển; làm giảm năng suất lẫn chất lượng do nắng hạn gay gắt, mặn kéo dài, liên tục với độ mặn khá cao (xấp xỉ hoặc trên 4‰) phổ biến tại các vùng trồng cây có múi.
Điều cần đặc biệt lưu ý, sau giai đoạn dài bị ảnh hưởng của hạn mặn, vào thời điểm bắt đầu chuyển sang mùa mưa, các biểu hiện tiêu cực về tình trạng sức khoẻ cây trồng rất phổ biến và nguy hiểm. Cây dễ bị suy yếu hoặc chết, các loại sâu, bệnh xuất hiện nhiều, cùng với tình trạng rối loạn dinh dưỡng đồng thời xuất hiện hoặc đan xen nhau khiến cho việc chăm sóc cây trở nên khó khăn, phức tạp, tốn kém. Chính vì vậy, việc nắm bắt bản chất sinh lý, khả năng thích ứng của các loại cây có múi và tác động gây hại của hạn- mặn đối với loại cây trồng này để tìm ra các giải pháp chăm sóc cây một cách hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết hiện nay.
Về mặt lý thuyết, các loại cây có múi có thể chịu độ mặn đến 4‰. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào từng giống, ví dụ khả năng chịu mặn của bưởi Da Xanh tốt hơn bưởi Năm Roi, cam Mật tốt hơn quýt Đường… Ngoài ra, mức độ đề kháng mặn của cây còn lệ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng, phát triển; thời gian nhiễm mặn, tính chất đất trồng, chế độ bón phân, tưới nước trước và trong giai đoạn hạn mặn…
Cây có múi nói chung, bưởi nói riêng có nhu cầu nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23-290C. Nhiệt độ từ 25-300C tốt nhất cho sinh trưởng của các đợt tược và quá trình thụ phấn. Nhìn chung, nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sống của cây cũng như năng suất, chất lượng quả, thời gian phát sinh tược khác nhau ở mỗi vùng sinh thái.
Cây có múi ưa ánh sáng tán xạ có cường độ 10.000-15.000 lux, tương ứng với ánh sáng lúc 8-9 giờ và 16-17 giờ trong những ngày quang mây. Vì vậy việc thiếu bóng che giai đoạn cây còn nhỏ hoặc mới trồng ít nhiều sẽ tác động không tốt đến sinh lý, đặc biệt trong điều kiện bị ảnh hưởng của hạn mặn.
Ẩm độ không khí cũng ảnh hưởng tới thụ phấn, ẩm độ thích hợp cho thụ phấn từ 80 - 85%. Ngoài ra, ẩm độ không khí có liên quan tới số ngày mưa, đặc biệt là mưa phùn làm hạn chế sự hoạt động của côn trùng cũng như sự tung phấn của hoa. Cây ưa ẩm, ít chịu hạn, cần nhiều nước nhất là thời kỳ cây con và thời kỳ trái phát triển. Tuy cây có múi ưa ẩm nhưng không chịu được úng, do đó nếu ngập nước đất bị thiếu ôxy rễ sẽ hoạt động kém, ngập lâu sẽ bị thối chết làm rụng lá và trái non.
Cây có múi thích hợp độ ẩm không khí khoảng 75% và độ ẩm đất 60%, độ ẩm này giúp cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, phẩm chất quả tốt, mẫu mã quả đẹp. Ẩm độ không khí quá cao và kèm theo nắng nóng thường gây hiện tượng rám nắng và nứt trái. Cây có múi cần nhiều nước ở thời kỳ tạo tược, ra hoa và phát triển trái.
Như vậy, ngoài kỹ thuật canh tác, các yếu tố thời tiết, chất lượng nguồn nước cũng liên quan rất lớn đến việc sản xuất cây bưởi Da Xanh nói riêng và cây có múi nói chung. Cụ thể một số tác động tiêu cực của hạn-mặn đối với cây có múi như sau:
- Nước nhiễm mặn:
Độ mặn cũng làm cháy lá, bộ rễ bị tổn thương, ngừng hoạt động hoặc chết, Na+ cao trong dung dịch đất sẽ làm cho rễ cây không hút được nước, dẫn tới không hút được các chất dinh dưỡng thiết yếu. Do đó, khi bị ngộ độc mặn cây sẽ thiếu nước lẫn dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm và kali. Vì vậy, cây sẽ bị suy kiệt, giảm năng suất, ngừng sinh trưởng, phát triển và có thể chết.
- Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao khiến cây cây có nhu cầu sử dụng nước nhiều, trong điều kiện nước có nhiễm mặn làm gia tăng nguy cơ hút chất mặn vào cây. Khô hạn làm hệ vi sinh vật có ích ở vùng rễ kém phát triển, nên hiệu quả trao đổi, hấp thu dinh dưỡng kém. Sự suy thoái vùng rễ kéo dài ảnh hưởng trực tiếp sự phục hồi cây sau này, dẫn đến các trường hợp cây ra tược non sau đó bị héo, rụng bông, trái non, cây còi cọc.
- Đất trồng bị hạn - mặn trong thời gian dài cũng đưa đến các tác động tiêu cực, nhiều trường hợp đất khô nứt nẻ làm gia tăng mức độ oxit hoá dẫn đến gia tăng hoạt tính độc chất phèn tiềm tàng trong đất, khi có một vài trận mưa đầu mùa gây nên hiện tượng "xì phèn" gây độc cho cây trồng. Nhiễm mặn trong điều kiện khô hạn kéo dài cũng làm tăng nguy cơ chất mặn thấm sâu vào đất, ngoài nguy cơ gây độc rễ cây, còn làm giảm khả năng trao đổi chất dẫn đến cây hấp thụ dinh dưỡng kém.
- Sau giai đoạn hạn - mặn sâu bệnh cũng nguy cơ gia tăng, các bệnh lý do nấm Phytophthora gây ra như thối gốc, chảy nhựa, chết ngọn, thối trái…rất dễ xảy ra, ngoài ra một số côn trùng như nhện, rệp sáp, sâu đục trái …cũng dễ bùng phát do có điều kiện thuận lợi phát sinh, phát triển.
Như vậy, ngay sau thời điểm bị ảnh hưởng hạn - mặn, khi bắt đầu có mưa đầu mùa, cũng chính là thời điểm cây có múi phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tổn hại.
Vì vậy, sự chăm sóc trong giai đoạn này cần chú ý các công việc sau:
+ Nhanh chóng khai thông kênh mương, tháo rữa phèn mặn tích tụ trong đất. Xới nhẹ mô đất trồng, nếu có điều kiện xới cả mặt líp đất trồng nhằm vừa tạo sự thông thoáng cho rễ, vừa góp phần thúc đẩy nhanh việc rữa phèn mặn đầu vụ. Nếu mưa đầu ít, nên dùng nước ngọt tưới phun rửa phèn, mặn cho vườn với tia nước nhỏ để làm tăng độ thấm sâu của nước vào đất, cần tưới liên tục khoảng 5-7 ngày, với lượng nước đủ lớn để rửa được phèn, mặn ra khỏi đất.
Bón vôi ở thời điểm đã rửa vườn 3-4 ngày, lượng vôi khoảng 300-500kg/ha.
Sau khi đã rửa phèn, mặn kết hợp bón vôi xong, thì tiến hành bón phân DAP với lượng từ 50-100 gr/cây (đối với cây 1-2 năm tuổi), lượng 150-200 gr/cây đối với vườn cây đã trên 3 năm tuổi, kết hợp với các loại phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Đây là lượng phân bón nhẹ đầu tiên giúp cây nhanh chóng phục hồi, đặc biệt là phục hồi hoạt động của hệ thống rễ sau thời gian dài bị ảnh hưởng hạn mặn. Khi lá cơi tược đầu tiên đã trưởng thành, có thể áp dụng chế độ bón phân thông thường.
Cần chú ý việc chỉnh sửa, nâng cấp mô trồng kết hợp với việc bón phân đầu vụ, Việc tạo mô trồng tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt có ý nghĩa đặt biệt quan trọng đối với việc trồng bưởi nói riêng và cây có múi nói chung.
Chú ý các dịch hại phát triển khi cây bị yếu sức tấn công lên tược non, bông trái non như sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, rầy mềm, bọ trĩ, sâu ăn lá, dòi đục ngọn thì sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Emamectin, Imidalopid, Acetamiprid ở giai đoạn cây vừa nhú tược dài 0,2-1cm. Cần treo mồi cho kiến vàng trên ngọn các cây cao vào ngày hôm trước để dẫn dụ kiến tập trung trên cao, khi phun thuốc sẽ ít ảnh hưởng đến đàn kiến trong vườn.
Kiểm tra bệnh xì mủ thối thân cành, nếu phát hiện cây mới bị bệnh với vết bệnh còn nhỏ, ít thì dùng dao bén có mũi nhọn cạo sạch vết bệnh rồi dùng một trong các thuốc trừ bệnh như:Aliette, Mataxyl, Ridomil… đậm đặc quét lên các vết bệnh vừa xử lý 2 lần cách nhau 5-7 ngày; nếu cây bị bệnh nặng với nhiều vết bệnh, kết hợp với triệu chứng vàng lá thối rễ thì ngoài việc xử lý như trên, cần phải pha thuốc để phun toàn bộ tán cây và tưới gốc theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
Đối với sâu đục trái bưởi nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp mới đạt hiệu quả cao. Bên cạnh việc bao trái, các biện pháp an toàn hơn cho môi trường sản xuất như sử dụng nấm trắng Beauveria bassiana, ong ký sinh Trichogramma, dầu khoáng…cần được khuyến khích sử dụng, nhằm hạn chế sử dụng thuốc hóa học khi chưa thật sự cần thiết./.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ