Bưởi Phục hồi vườn Bưởi da xanh sau thu hoạch

Phục hồi vườn Bưởi da xanh sau thu hoạch

Tác giả Nguyễn Thị Nguyệ, ngày đăng 24/04/2017

Phục hồi vườn Bưởi da xanh sau thu hoạch

Trong dịp Tết Nguyên Đán 2017 vừa qua, nông dân trồng bưởi da xanh rất phấn khởi vì đa số các vườn bưởi Da xanh đã đạt được một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, trải qua một vụ mang trĩu quả, nếu không có biện pháp chăm sóc đúng mức để cây hồi phục sức khoẻ sẽ đưa đến tình trạng cây bị suy kiệt, không đủ sức cho trái vụ sau...

Vì thế, nông dân cần quan tâm bồi dưỡng để vườn bưởi phục hồi tốt sau thu họach. Sau đây là một số biện pháp nông dân cần chú ý để phục hồi vườn bưởi:

* Tỉa cành:

Công việc tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch, trước khi cây ra đọt mới để chuẩn bị cho mùa trái mới. Khi tỉa cành, cần loại bỏ những cành sau đây: Cành đã mang trái (thường rất ngắn khoảng 10-15cm); cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng cho trái; cành đan chéo nhau; loại bỏ các cành già cỗi để trẻ hoá, góp phần cây được sung mãn và dễ cho trái hơn; cây bưởi thường xuất hiện những chồi tủa ( 5-6 chồi ra cùng một điểm) thì nên lãi bỏ bớt chỉ chừa lại khoảng 2 chồi.

Chú ý: Cần phải khử trùng dụng cụ cắt tỉa bằng nước Javel hoặc cồn 900 khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh qua cây khác.

* Bón phân:

Đây là biện pháp rất quan trọng giúp cây hồi phục sức khoẻ, nhất là sau một vụ sai trái, cây thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Ngoài ra, đất trồng qua nhiều năm không được cung cấp phân hữu cơ, dẫn đến hiện tượng đất thiếu một số nguyên tố vi lượng mà nếu không bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến năng suất giảm rõ rệt.

Lượng phân bón tuỳ theo tuổi cây và đặc biệt là phải tuỳ theo năng suất cây đã mang vụ trước. Lượng phân bón sau được bón cho 1 cây/năm:

- Nếu thu hoạch 20 kg/cây thì bón trở lại cho mỗi cây là: 15 kg phân chuồng + 0,6 kg Urea + 1,0 kg super lân + 0,4 kg KCl.

- Nếu thu hoạch 40 kg/cây thì bón trở lại cho mỗi cây là: 20 kg phân chuồng + 1 kg Urea + 1,5 kg super lân + 0,6kg KCl.

- Nếu thu hoạch 60 kg/cây thì bón trở lại cho mỗi cây là: 30 kg phân chuồng + 1,3 kg Urea + 1,8 kg super lân + 0,7 kg KCl

Kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật có ích trong đất. Nên cung cấp thêm vôi chung quanh gốc, quét vôi vào gốc cây khoảng trên 50cm vào cuối mùa nắng. Có thể phun phân bón lá có chứa  Canxi, Silic  giúp tăng đề kháng (Silic giúp cây trồng tăng khả năng chịu hạn) .

* Tưới nước:

Cung cấp nước đầy đủ cho cây, tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn cho cây. Tủ gốc, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô, …. Nơi có điều kiện tiến hành đắp bờ ngăn mặn, tích nước ngọt trong mương vườn để tưới cho cây. Nên giữ mực nước trong mương ổn định từ 60-80 cm từ mặt líp trong suốt năm.

* Quản lý sâu bệnh:

Trong mùa nắng, chú ý rệp sáp là nhóm dịch hại thường phát triển mạnh. Có nhiều loài Rệp Sáp hiện diện trên bưởi, có thể chia Rệp Sáp ra làm 2 nhóm: nhóm  Rệp Sáp dính  và  nhóm Rệp Sáp bông với loài phổ biến như  Pseudococcus, Planococcus và  Icerya purchasi.. Các loài Rệp Sáp đều có chu kỳ sinh truởng ngắn, khả năng sinh sản cao, có loài đẻ trứng, có loài đẻ con, nếu điều kiện môi trường thích hợp sẽ có khả năng bộc phát nhanh. Tùy theo lòai mà có kích thước, hình dạng và màu sắc khác nhau. Nhóm rệp sáp dính thường cố định. Trên cành và thân bưởi xuất hiện nhiều chấm trắng như hạt phấn bám chặt, không thấy di chuyển đó là sự xuất hiện của rệp sáp dính. Nhóm rệp sáp phấn vẫn có thể di chuyển. Tất cả các loại rệp này đều có đặc điểm chung là tiết ra một lớp sáp che chở cho cơ thể.

Rệp sống và hút nhựa trên thân, cành, chồi non, lá và trái làm lá héo vàng, chồi và trái chậm phát triển. Cả trưởng thành và rệp non đều gây hại. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, cành bị khô và chết, trái cũng có thể bị biến màu, phát triển kém và bị rụng. Bên cạnh đó mật ngọt do rầy tiết ra sẽ giúp nấm bồ hóng phát triển, làm vỏ trái bị đen, ảnh hưởng đến vẻ đẹp bên ngoài của trái.  Trong mùa khô rệp còn di chuyển xuống gốc tấn công rễ. Chúng thường tập trung ở phần tiếp giáp giữ gốc cây và mặt đất, sau chúng di chuyển sang các rễ bên, tập trung nhiều ở phần rễ non để chích hút dịch cây, cây trồng chỉ biểu hiện triệu chứng gây hại khi mật số rệp cao.

* Biện pháp quản lý:

- Vệ sinh cho vườn cây thông thoáng, ngắt bỏ các lá, cành có nhiều rệp;

- Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến hôi. Nếu trên thân cây có nhiều kiến hôi thì mỗi lần xịt thuốc trừ rệp thì nên xịt cả thân cành để trừ kiến hôi;

- Phun nước với áp lực mạnh  rửa trôi rệp sáp;

- Nuôi kiến vàng cũng hạn chế được rệp;

- Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là giai đoạn cây có đọt non, lá non, bông, trái. Nếu rệp xuất hiện trên thân cành và quả  với mật số cao, sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Việc phòng trừ nhóm rệp sáp là biện pháp rất khó khăn, có thể sử dụng dầu khoáng hoặc một số loại thuốc có tính lưu dẫn (nội hấp), thấm sâu (thuốc có hoạt chất: Imidacloprid, Chlopyrifos, …), hoặc sử dụng thuốc Movento; chú ý tuân thủ nồng độ sử dụng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc.

Để cây cây bưởi Da xanh phát triển tốt và có đủ sức khoẻ tiếp tục cho trái vụ sau, nhà vườn nên chăm sóc đúng kỹ thuật, cung cấp dinh dưỡng cân đối hợp lý,  đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp gây bất lợi cho cây./.


Ong ký sinh kiểm soát sâu đục trái bưởi – biện pháp sinh học đầy triển vọng Ong ký sinh kiểm soát sâu đục trái… Chăm sóc, phục hồi cây có múi sau hạn - mặn Chăm sóc, phục hồi cây có múi sau…