Cự Khối (TP Hà Nội) phát triển thương hiệu ổi găng
Với đặc tính dễ trồng, sức sống khỏe, cây ổi găng nhanh chóng “bén duyên” và trở thành thứ quả đặc sản, làm đổi thay diện mạo vùng đất bãi này.
Giá trị kinh tế cao
Ông Lê Văn An - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cự Khối chia sẻ, trước đây, người dân Cự Khối chủ yếu trồng rau, ngô, đậu… vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng đáng là bao. Từ ngày đưa cây ổi găng về trồng cho hiệu quả cao, người dân đã nhân rộng ra toàn phường. Hiện nay, diện tích trồng ổi toàn phường là 143ha, sản lượng mỗi năm ước đạt 4.000 - 5.000 tấn quả, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Do nhận thấy giá trị kinh tế từ cây ổi mang lại, anh Đào Việt Cường, Tổ dân phố số 7 đã mạnh dạn thuê thêm đất mở rộng diện tích canh tác. Với hơn 1,5ha trồng ổi, doanh thu của gia đình anh đạt trên 250 triệu đồng/năm. “So với trồng các loại cây hoa màu khác, hiệu quả kinh tế từ trồng ổi mang lại cao hơn gấp 3 - 4 lần, hơn nữa công việc cũng bớt nhọc nhằn hơn” - anh Cường chia sẻ. Cũng là một hộ tiên phong trong trồng ổi, anh Ngô Quang Chiến, Tổ dân phố 3 đang cùng vợ thu hoạch ổi trong vườn, cho biết: “Tầm này đang là chính vụ, nên mấy ngày nay, sáng nào vợ chồng tôi cũng tranh thủ hái khoảng 1 tạ quả, giá bán tại vườn hiện nay cũng được 7.000 đồng/kg”.
Để tránh tình trạng được mùa rớt giá, với kinh nghiệm từ các vụ trước, người trồng ổi ở Cự Khối đã điều chỉnh cho cây ổi ra hoa, kết trái theo ý muốn, bằng cách bấm ngọn, lộc và hoa để cây dưỡng sức, không ra quả chính vụ. Làm như vậy, sản lượng ổi sẽ không chín tập trung một lúc, giá bán cao, dễ tiêu thụ. Với đặc điểm quả to vừa, khi chín vỏ có màu trắng, ăn giòn và ngọt, hạt mềm, vỏ ổi không bị chát… ổi găng Cự Khối đã có thị trường tiêu thụ khá tốt. Vào chính vụ, giá ổi bán buôn tại vườn dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, còn thời điểm trái vụ, giá bán lên tới 15.000 - 20.000 đồng/kg. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của ổi găng Cự Khối là các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định…
Bài toán khó về đầu ra
Phó Chủ tịch UBND phường Cự Khối Ngô Văn Nam cho biết, từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây ổi găng vào trồng ở đồng đất Cự Khối, diện mạo nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Đời sống ổn định, người dân yên tâm canh tác giữ đất, giữ ruộng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển cả về diện tích cũng như năng suất đang đặt ra bài toán khó về đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Cự Khối có 10 DN đứng ra thu mua ổi cho người dân nhưng mới chỉ giải quyết được 35% tổng sản lượng ổi của toàn phường.
Năm 2011, hệ thống siêu thị Hapro ký kết đưa ổi Cự Khối vào tiêu thụ tại siêu thị, nhưng sản lượng tiêu thụ không đáng kể so với tổng sản lượng hàng năm của cả phường. Chính vì vậy, người dân chủ yếu vẫn phải tự tiêu thụ sản phẩm bằng cách bán buôn cho các thương lái, hoặc bán lẻ tại các chợ trong khu vực. Do đó, giá cả không ổn định, lên xuống bất thường phụ thuộc vào thị trường và các thương lái. Vào thời điểm chính vụ, lợi dụng ổi chín rộ, các thương lái thường ép giá, làm cho giá trị sản phẩm không tương xứng với công sức lao động người dân bỏ ra. Hơn nữa, hiện nay chưa có phương pháp bảo quản sau thu hoạch, nên quả ổi thu hoạch xong chỉ để trong 2 ngày là màu sắc thay đổi. Đây chính là nguyên nhân rất khó để đưa sản phẩm đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành xa, nhất là xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện nay, ổi găng Cự Khối đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân nơi đây là sớm tìm được đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất, giữ vững thương hiệu, hướng tới một vùng sản xuất an toàn và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ