Mô hình kinh tế Đạm Cà Mau Hấp Dẫn Ngân Hàng

Đạm Cà Mau Hấp Dẫn Ngân Hàng

Ngày đăng 26/11/2014

Đạm Cà Mau Hấp Dẫn Ngân Hàng

Chiếm 55% thị phần Tây Nam Bộ, 25% Đông Nam Bộ, 35% thị trường Campuchia, lại nhận được nhiều ưu ái từ PVN, Đạm Cà Mau đang được cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn ngân hàng quan tâm.

Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) chiều 25/11 ở TP HCM, Tổng giám đốc Bùi Minh Tiến cho hay, theo lộ trình ngày 11/12, Đạm Cà Mau sẽ chào bán 128,9 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tương đương 24,36% vốn điều lệ với giá khởi điểm 12.000 đồng một cổ phiếu. Dự kiến, đến cuối quý I/2015 công ty sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP HCM.

Đối với 24,36% cổ phần dành cho đối tác chiến lược, công ty này cho biết đang tiến hành tìm kiếm và lựa chọn. Hiện, đã có 4-5 nhà đầu tư chiến lược nộp hồ sơ, trong đó có cả đơn vị nước ngoài và tổ chức ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Tiến, doanh nghiệp sẽ ưu tiên những đơn vị có công nghệ tốt, quản trị hiệu quả, khả năng phân phối và kinh doanh tốt. Còn tiêu chí về tài chính là yếu tố trọng yếu cuối cùng.

Hiện, cơ cấu sở hữu sau cổ phần hóa của đơn vị này được xây dựng như sau: Nhà nước (PVN) nắm 51%, cổ đông chiến lược 24,36%, người lao động 0,28%, 24,36% còn lại bán đấu giá công khai.

Trao đổi về hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư lo ngại công ty sẽ rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu khi cung phân bón trên thị trường nội địa đang dư thừa và số nợ 500 triệu USD mà doanh nghiệp vay từ ba ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, đối với tình trạng dư cung công ty không hề gặp rắc rối khi đã đưa ra biện pháp xuất khẩu. Cụ thể, hàng năm, công ty xuất khẩu gần 100.000 tấn ure. Thêm vào đó, công ty còn đa dạng hóa sản phẩm để kích thích thêm lượng tiêu thụ trong và ngoài nước. Riêng về số nợ từ 3 ngân hàng, đây là khoản ngoại tệ được vay để đầu tư dự án. Đến nay, công ty đã trả được 120 triệu USD, 380 triệu USD còn lại đơn vị đã xây dựng phương án dòng tiền để trả nợ. Thời gian vừa qua, công ty cũng đã tái cấu trúc được một khoản nợ, đã trả được 50 triệu USD vay từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), số còn lại đang thương thảo ở một đơn vị khác có lãi suất thấp.

Hiện Đạm Cà Mau chiếm 55% thị phần tại Tây Nam Bộ, 25% tại miền Đông Nam Bộ và 35% thị trường phân đạm Campuchia. Còn về cung ứng nguyên liệu cho sản xuất NPK trong nước, Đạm Cà Mau chiếm thị phần trên 70%.

Công ty này cho biết, trong ngắn hạn, họ sẽ đầu tư mở rộng để nâng công suất phân xưởng NH3 và nghiên cứu sản xuất phân tổng hợp NPK cùng một số loại phân bón trung vi lượng, hữu cơ vi sinh. Còn trong dài hạn, Đạm Cà Mau có định hướng mở rộng đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất dựa trên nền tảng sở trường về công nghệ hiện có của công ty. Năm nay Đạm Cà Mau kỳ vọng sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2014, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường 590.000 tấn, đạt 4.482 tỷ đồng doanh thu.

Nguồn bài viết: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/dam-ca-mau-hap-dan-ngan-hang-3112112.html


Củ Dền Đà Lạt Giá Cao Kỷ Lục Củ Dền Đà Lạt Giá Cao Kỷ Lục Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp, Nhìn Từ Đồng Tháp Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp, Nhìn Từ Đồng…