Dự án CLUES sự thích ứng của hệ thống canh tác sản xuất lúa
Tìm các giống lúa thích ứng với BĐKH
Dự án CLUES được chia thành nhiều hợp phần, được triển khai thực hiện cụ thể để đánh giá sự tổn thương và các tác động theo vùng ở ĐBSCL trước BĐKH; cải thiện khả năng chịu mặn và ngập nước; khả năng phục hồi các giống lúa triển vọng thích nghi tại địa phương; đánh giá và xây dựng chiến lược tổng thể sử dụng đất thích ứng với BĐKH…
* Một bụi đỏ - một trong những giống lúa chịu mặn ở huyện Phước Long được Dự án CLUES chọn nghiên cứu. Ảnh: M.Đ
GS-TS Lê Quang Trí, Trường đại học Cần Thơ, cho biết: “Theo dự báo của các ngành chức năng, đến năm 2020 có khoảng 41% diện tích sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do nước biển dâng. Vì vậy, Dự án CLUES triển khai thực hiện ở một số tỉnh ĐBSCL nhằm đánh giá diễn biến của BĐKH làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp; sự thích ứng của hệ thống canh tác sản xuất lúa trước vấn đề nước biển dâng”.
Dự án đã xem xét lại hầu hết các nghiên cứu gần đây về BĐKH, nước biển dâng ở khu vực ĐBSCL, cũng như xem xét tác động của BĐKH và thay đổi dòng chảy thượng nguồn trong tương lai, sự BĐKH làm tăng độ ngập và kéo dài thời gian ngập… Từ thực trạng trên, dự án và các nhà khoa học tìm các giống lúa chịu mặn thích ứng với BĐKH, đặc biệt là các giống lúa triển vọng thích nghi tại địa phương. Trong đó, Bạc Liêu có 2 điểm được chọn triển khai áp dụng các giống lúa chịu hạn, chịu nhiễm mặn trong điều kiện khắc nghiệt.
Thử nghiệm và đưa vào sản xuất
Điểm thử nghiệm được dự án chọn thực hiện sản xuất lúa trong điều kiện khắc nghiệt là ruộng của ông Phạm An Lạc (ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), diện tích thực hiện 1.180m2. Diện tích này được chia ra 36 - 48 ô. Dự án tiến hành trồng giống lúa OM 4900 trong điều kiện tiết kiệm nước, phân bón, thực hiện trong 3 năm với 7 vụ lúa. Quy trình sản xuất lúa rất khó khăn, hàng ngày phải đo mặt nước trong các ống đặt trong ruộng để theo dõi… Năng suất lúa so với các ruộng lúa thông thường thấp hơn từ 10 - 20 giạ/công.
Nói về mô hình trồng lúa của dự án, ông Phạm An Lạc cho rằng: “Mô hình này phải áp dụng đúng quy trình của dự án, trồng lúa trong điều kiện khắc nghiệt. Song, lại tiết kiệm nước tưới, phân bón so với các ruộng lúa thông thường. Mô hình áp dụng trong điều kiện mặn xâm nhập, nước biển dâng, thiếu nước ngọt thì rất hiệu quả”.
Dự án đã có 36 tổ hợp lai giống kết hợp với gien ngập, chịu mặn, khả năng chịu lũ lụt nhưng chất lượng hạt tăng cao dựa vào đặc tính di truyền.
Đến nay, dự án đã đưa 78 giống trồng thử nghiệm ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu. Theo GS-TS. Lê Quang Trí, dự án đã chọn ra 27 giống lúa chịu mặn thích nghi với khu vực ĐBSCL. Tại Bạc Liêu đã trồng thử nghiệm các giống OM 4900, OM 6328, OM 6677, và OM 10252 đạt năng suất cao trong điều kiện mặn. Cụ thể, giống OM 4900 đạt năng suất 4 tấn/ha. Theo đánh giá, có 4 giống lúa vượt trội có khả năng chịu mặn cao, cho năng suất cao như OM 3673, OM 6328, OM 6677, và OM 10252. Hiện, một số giống lúa chịu mặn đã và đang được nông dân các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu, áp dụng vào sản xuất.
BĐKH ngày càng tác động rõ đến sản xuất nông nghiệp, nhất là nước biển dâng, mặn xâm nhập. Trong điều kiện hệ thống thủy lợi các tỉnh ĐBSCL chưa hoàn thiện, việc tìm giống lúa để sản xuất thích ứng với BĐKH là rất cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ