Ghi Nhận Từ Mô Hình Tổ Hợp Tác Sản Xuất Nước Mắm
Hơn 3 năm qua, mô hình tổ hợp tác (THT) sản xuất nước mắm của Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã góp phần tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn, đặc biệt là những phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Chúng tôi đến thăm một THT sản xuất nước mắm tại thôn Thái Lai do chị Nguyễn Thị Diễn làm tổ trưởng. Trong vụ mắm năm nay, THT của chị Diễn dự kiến sẽ sản xuất khoảng 1.000 lít nước mắm thành phẩm để bán ra thị trường, đến thời điểm này đã chiết xuất được trên 500 lít nước mắm loại 1.
Sau khi đóng chai, dán nhãn mác, sản phẩm nước mắm chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn và bán cho khách du lịch. Trừ mọi chi phí, THT của chị Diễn thu lãi khoảng từ 15- 16 triệu đồng/năm. Sau khi giữ lại một số vốn từ 4-5 triệu đồng để mua nguyên liệu cho vụ mắm sau, số tiền lãi được chia đều cho các thành viên trong tổ.
Chị Diễn cho biết: “Trước đây, khi chưa thành lập THT, nguồn hải sản sau khi đánh bắt từ biển về một số chị em thường ủ làm nước mắm tại gia đình, sau đó lọc lấy nước mắm nguyên chất để đem bán tại các chợ địa phương.
Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn, người mua còn e ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Từ khi tham gia THT, sản xuất theo quy mô lớn hơn, nước mắm đóng chai, có nhãn mác nên tiêu thụ trên thị trường dễ hơn”.
Đối với những phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Vĩnh Thái, THT sản xuất nước mắm là địa chỉ tin cậy để tăng nguồn thu nhập trong gia đình. Chị Võ Thị Bích, thôn Thái Lai thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng mất trong một chuyến đi biển, một mình nuôi 3 con nhỏ, chị làm đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
Năm 2012, khi THT sản xuất nước mắm của Hội Phụ nữ thành lập, chị tham gia cùng với một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn khác. Có thêm nguồn thu nhập từ 1,5- 2 triệu đồng/vụ mắm, sự động viên, chia sẻ của các chị em trong THT đã giúp chị Bích có thêm nghị lực tập trung nuôi các con ăn học.
Trường hợp của chị Trần Thị Nguyệt, thôn Thái Lai, chồng mất, một mình nuôi 4 con nhỏ, bản thân sức khoẻ yếu do bệnh tật nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi tham gia THT sản xuất nước mắm, chị Nguyệt đã có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống.
Với sự hỗ trợ của Dự án phát triển sinh kế thuỷ sản của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh, năm 2012, 3 THT do Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái phụ trách được thành lập với 21 thành viên. Ban đầu, dự án đầu tư kỹ thuật, dụng cụ và nguyên liệu để sản xuất nước mắm.
Thấy mô hình hiệu quả, lại phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt là tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, Hội Phụ nữ xã tiếp tục duy trì hoạt động, kết nạp thêm hội viên mới, mở rộng quy mô sản xuất.
Đến nay, 3 THT đã có 24 thành viên, hoạt động hiệu quả, bình quân hàng năm tiêu thụ khoảng 5 tấn nguyên liệu cá các loại, sản xuất ra khoảng 3.000 lít nước mắm. Là một xã bãi ngang ven biển, đánh bắt thuỷ hải sản ven bờ được xem là thế mạnh của xã Vĩnh Thái.
Nguồn hải sản sau khi đánh bắt chủ yếu được người dân đem ra tiêu thụ tại chợ địa phương và một số vùng lân cận. Khi gặp thời tiết thuận lợi, mua bán được giá khiến người dân rất phấn khởi, tuy nhiên, gặp lúc chợ ế, tư thương ép giá, các loại cá, nhất là cá cơm, cá nục phải bán ra thị trường với giá rẻ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của ngư dân.
Từ khi THT làm nước mắm được thành lập, nguồn nguyên liệu cá nục, cá cơm của ngư dân địa phương đánh bắt đều được thu mua với giá phải chăng. Sau khi sản xuất, sản phẩm nước mắm Vĩnh Thái được đóng chai, đăng ký nhãn hiệu để tiêu thụ trên thị trường. Do sản xuất theo kiểu truyền thống, từ nguồn nguyên liệu sạch nên nước mắm Vĩnh Thái có hương vị đặc trưng riêng, được người tiêu dùng trên địa bàn ưa chuộng. Đặc biệt, khách du lịch đến Vĩnh Thái cũng thường mua nước mắm làm quà.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái cho biết: “Mô hình THT sản xuất nước mắm của chị em hội viên là một mô hình kinh tế tập thể rất hiệu quả. Tuy nguồn thu nhập không cao nhưng giúp hội viên, phụ nữ có nguồn thu ổn định hàng năm.
Ngoài ra, mô hình THT còn giúp chị em gần gũi, chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, là động lực để thu hút chị em hăng hái tham gia sinh hoạt trong hội. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hiệu quả cho nghề đánh bắt hải sản của địa phương”.
Trước hiệu quả của mô hình THT sản xuất nước mắm, ông Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “Trên cơ sở những kết quả bước đầu từ các THT sản xuất nước mắm, UBND xã đang tạo điều kiện, sớm hoàn thành các thủ tục để Công ty TNHH nước mắm Vĩnh Thái đi vào hoạt động, dự kiến cuối năm 2014 sẽ cho ra sản phẩm nước mắm đầu tiên mang thương hiệu Vĩnh Thái. Với tổng vốn đầu tư khoảng từ 10-12 tỷ đồng, công ty hoạt động sẽ trở thành nơi tiêu thụ nguồn hải sản tại chỗ cho ngư dân, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhất là lao động nữ trên địa bàn xã và một số vùng lân cận”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ