Mô hình kinh tế Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía?

Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía?

Ngày đăng 04/09/2015

Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía?

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, đời sống người trồng mía ở ĐBSCL lâm vào cảnh khốn khó, trong khi ngành mía đường vẫn loay hoay tìm lời giải. Trước tình hình này nông dân đã phá bỏ hàng ngàn ha mía nguyên liệu chuyển sang cây trồng khác mặc dù chưa biết hiệu quả ra sao so với cây mía.

Trước tình hình trên nếu chính quyền địa phương và ngành mía đường không có giải pháp kịp thời thì khả năng trong vụ tới các nhà mía đường sẽ thiếu hụt nguyên liệu để sản xuất.

Vào thập niên 90, mía đường được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất của tỉnh Trà Vinh nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Thời điểm đó năng suất cây mía của địa phương bình quân chỉ đạt từ 80 - 90 tấn/ha nhưng mỗi vụ nông dân vẫn thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha, cao hơn 3 - 4 lần so với cây lúa.

Chính vì thế, cây trồng này được tỉnh Trà Vinh đưa vào quy hoạch 8.000ha trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại các huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Duyên Hải. Tuy nhiên 4 năm trở lại đây, phần lớn người trồng mía đều bị thua lỗ vì giá mía ở mức thấp, trong khi vốn đầu tư, tiền thuê nhân công, vận chuyển năm sau lại cao hơn năm trước.

Tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, địa phương có gần 100% hộ trồng mía, chỉ tính trong niên vụ vừa qua, toàn xã chỉ có 10% hộ có lãi từ 1 - 2 triệu đồng/ha, số còn lại đều hoà hoặc lỗ vốn. Và bước vào vụ mía năm nay, nhiều người không dám đầu tư mà bỏ đi làm thuê hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác.

Ông Thái Hoàng Đang bí thư xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, xã Lưu Nghiệp Anh là có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện Trà Cú. Bà con sống chủ yếu nhờ cây mía, nhưng 3 năm nay bà con đều thua lỗ do giá cả không ổn định, cuộc sống cũng gặp khó khăn. Chính vì thế, nhiều nông dân trồng mía phải đi làm thuê ở các công ty hoặc làm nghề khác.

Trước thực trạng mía rớt giá liên tục, nhiều hộ chuyển sang trồng khoai lang, khoai mì, lúa…mặc dù thu nhập của loại cây trồng này chỉ ở mức trung bình. Tại những nơi điều kiện sản xuất thuận lợi, nông dân đã bỏ lúa chuyển sang cây trồng khác có thu nhập cao hơn như bắp giống, cam sành, chanh không hạt….

Theo cách tính của nông dân, nếu đạt năng suất lúa đạt từ 5 - 6 tấn/ha, sau 3 tháng gieo sạ mỗi 1ha lúa nông dân có thể thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng, 01 năm làm được từ 2 đến 3 vụ nên thu nhập hơn mía từ 2 đến 3 lần, trong khi công chăm sóc, thu hoạch lại nhẹ hơn.

Ông Nguyễn Văn Thế, ở xã Lưu Nghiệp Anh – người vừa quyết định ban 12 công mía sang trồng lúa cho biết, giá mía bấp bênh, lao động khó kiếm nên chuyển sang làm ruộng lợi hơn vì một năm thu tới 3 vụ.

Trong khi đó một số cây trồng khác như khoai mì, khoai lang, ớt… nếu tính cùng đơn vị diện tích thì cho thu nhập vẫn cao hơn mía nhưng giá cả lại quá bấp bênh, vì đầu ra phụ thuộc vào thương lái hoàn toàn. Tuy biết vậy nhưng nông dân vẫn mạo hiểm lựa chọn vì cho rằng vòng quay gắn dễ xoay sở hơn.

Hộ ông Nguyễn Văn Thuận ở xã Lưu Nghiệp Anh, người đã bỏ mía hai năm nay cho biết gia đình ông cũng chuyển sang trồng khoai mì, khoai lang, bước đầu cũng mang lại lợi nhuận cao hơn so với cây mía.

Diện tích mía nguyên liệu Trà Vinh chỉ đứng hàng thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau Hậu Giang, Long An và Sóc Trăng, nhưng được đánh giá là đứng đầu về chất lượng. Điều này khẳng định chủ trương giữ vững diện tích và quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu của địa phương là hợp lý. Tuy nhiên, vì thua lỗ nhiều năm liên tục và quá phụ thuộc vào đơn vị thu mua, là nhà máy đường buộc nông dân phải nghĩ đến cây trồng khác và diện tích ngày một bị thu hẹp.

Nhằm cứu lấy vùng mía nguyên liệu nhiều giải pháp đã được đưa ra, điển hình như trong niên vụ 2015 - 2016 này, Công ty Mía đường Trà Vinh phối hợp với địa phương triển khai 2 cánh đồng mía lớn, với tổng diện tích 46,5 ha. Các hộ tham gia được Công ty hỗ trợ mỗi héc ta từ 5 - 7 tấn giống mía; trong đó hỗ trợ không hoàn lại 30% giá mía giống, 800kg phân NPK, 300kg phân urê và cho vay bằng tiền mặt không quá 12 triệu đồng/ha.

Lãi suất các khoản đầu tư sẽ được áp dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng theo từng thời điểm. Đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ thu hồi lại vốn và cam kết mua toàn bộ mía nguyên liệu theo giá thị trường, đảm bảo không thấp hơn giá mua của các nhà máy đường trong khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, đơn vị còn cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc….

Riêng địa phương đầu tư xây dựng tuyến đê dài gần 20km, tổng kinh phí hơn 223 tỷ đồng để giúp các hộ sản xuất mía được an toàn hơn, giảm được một phần chi phí đầu tư. Tuy nhiên, nếu giá thành sản xuất mía của Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung vẫn cao hơn 30% giá thành của các nước trong khu vực thì không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại và cuối cùng nông dân sẽ tiếp tục gặp khó.

Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho rằng, vấn đề mấu chốt là giống mía. Cùng một diện tích, nếu trồng giống mía của Thái Lan, Lào thì sản lượng cao hơn. Đặc biệt, trữ đường trong giống mía ngoại cũng cao hơn giống mía nội.

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, diện tích mía dần được thay thế bởi cây trồng khác là điều tất yếu. Do đó, để nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, ổn định diện tích ngoài chính sách hỗ trợ, các nhà khoa học sớm vào cuộc để cải thiện chất lượng cũng như năng suất mía như từng được làm đối với cây lúa trước đây. Có như vậy mới mong cứu được vùng nguyên liệu mía trong khu vực và người dân yên tâm gắn bó với cây trồng này./.


Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá