Mô hình kinh tế Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh

Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh

Ngày đăng 04/09/2015

Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh

Ngoài tầm kiểm soát

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Diện tích trồng tiêu trên địa bàn huyện tăng đột biến từ 3 năm trở lại đây, hiện có đến 2.400ha. Theo tính toán của ông Mười, giá tiêu năm 2014 từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 200.000 đồng/kg.

Nếu chăm sóc tốt, mỗi hécta tiêu đạt khoảng 4 tấn thì người dân cũng thu lãi khoảng 700 triệu đồng, mức thu mà ít có loại cây trồng nào trên địa bàn đạt được.

Một vườn tiêu của nông dân ở huyện Ia Grai, Gia Lai bị chết do dịch bệnh

“Chính vì đang là loại cây trồng siêu lợi nhuận nên không ít nông dân ồ ạt chạy đua theo cây tiêu. Tình trạng này đã phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng. Ở nhiều xã trong huyện, đất thường xuyên ẩm thấp, hay có độ dốc cao, không phù hợp với cây tiêu nhưng người dân vẫn xuống giống, dẫn đến tình trạng tiêu kém phát triển, sâu bệnh và chết.

Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có trên 100ha cây trồng lâu năm bị phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu’’, ông Mười cho hay.

Trong khi đó, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Đến nay, Đắk Lắk là một trong 7 tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn nhất nước. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh là 15.000ha, nhưng nay đã có hơn 16.000ha. Đó là con số thống kê được, còn thực tế có thể lớn hơn nhiều”. Trong hai năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có 1.341ha cao su bị chặt bỏ để trồng các loại cây khác như: hồ tiêu, mắc ca...

“Việc người dân đua nhau trồng hồ tiêu sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng trên địa bàn tỉnh. Nếu mai mốt giá hồ tiêu xuống thấp, người dân lại chặt bỏ tiêu để trồng cây khác sẽ rất nguy hiểm’’, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, cho hay.

Cũng vì tiêu được giá nên nhiều nông dân Gia Lai bất chấp rủi ro, khuyến cáo để đổ xô trồng tiêu. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, diện tích hồ tiêu theo quy hoạch đến năm 2015 là 6.000ha nhưng đến cuối năm 2014 đã hơn gấp đôi (13.000ha).

Coi chừng tán gia bại sản

Dù vườn tiêu 550 trụ của anh Lê Hữu Nguyên (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai) mới trồng non nửa tháng nhưng đến nay đã có khoảng 70 dây tiêu bị chết. Lý do như anh nhận định, tiêu chết do mua phải giống tiêu kém chất lượng. Cạnh vườn tiêu của anh Nguyên là nhiều vườn tiêu của người dân đang cho thu hoạch nhưng cũng đang chết dần chết mòn.

Có vườn tiêu khô khốc, lá rụng chỉ còn trơ dây tiêu. Có vườn chết cả hàng ngàn trụ khiến nông dân “méo mặt”, nhiều hộ tán gia bại sản. Thực tế là những năm qua, tình trạng tiêu mắc bệnh chết hàng loạt diễn ra tràn lan.

Thống kê của ngành chức năng các địa phương cho thấy, tại Gia Lai, năm 2014 có hơn 216ha tiêu bị chết, Đắk Nông có 122ha, Đắk Lắk có 1.400ha tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm…

Theo thạc sĩ Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sự thâm canh quá mức bởi tâm lý nôn nóng muốn thu được năng suất cao đang là cách thức làm ăn của nhiều người.

Nhiều nông dân thiếu kinh nghiệm và kiến thức về canh tác bền vững, canh tác không theo quy trình, sử dụng giống trôi nổi, lạm dụng phân hóa học, trừ sâu… đã khiến nhiều vườn tiêu mất 30% - 40% năng suất hoặc mất trắng. Những vườn canh tác không đúng quy trình kỹ thuật là nguyên nhân làm dịch bệnh bùng phát, khiến hồ tiêu đối mặt với rủi ro cao.

Cũng theo thạc sĩ Oanh, một vấn đề khác đang đặt ra ở hồ tiêu là an toàn thực phẩm. Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Gia vị châu Âu đã có thư gửi Bộ NN-PTNT cảnh báo vấn đề dư lượng hóa chất trên hạt tiêu Việt Nam. Một số quốc gia và công ty phản ánh hồ tiêu nước ta có hàm lượng Carbendazim (diệt nấm)… vượt mức cho phép.

Còn TS Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng: Giá tiêu giữ mức 180.000 - 200.000 đồng/kg từ năm 2007 đến nay đã kích thích người dân trồng ồ ạt. Diện tích biến động mạnh, rất khó nắm bắt, chỉ ước lượng toàn vùng Tây Nguyên đang có khoảng 60.000ha.

Cũng theo TS Vinh, đáng lo ngại nhất là nhiều diện tích trồng trên đất không phù hợp, làm vốn đầu tư tăng cao nhưng hiệu quả thấp, lại tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện Việt Nam chưa có vườn giống chuẩn, giống tiêu chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác nên có hàng chục loại giống, lai tạp. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, khó kiểm soát dịch bệnh.

Biện pháp tháo gỡ

Để gỡ khó cho hồ tiêu, thạc sĩ Oanh cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập huấn cho nông dân cách sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất hồ tiêu có chứng nhận, chỉ dẫn xuất xứ nhằm tạo hồ tiêu sạch, chất lượng. Quản lý chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật. Nhà nước hỗ trợ cùng các doanh nghiệp tăng cường xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín, được quản lý chặt chẽ từ sử dụng vật tư đầu vào, đến suốt quá trình canh tác, thu hoạch và bảo quản.

Theo các chuyên gia của Cục Trồng trọt, để phát triển hồ tiêu bền vững, không cách gì khác hơn phải chú trọng quy hoạch, tiến hành rà soát, loại bỏ những diện tích trồng không phù hợp. Đồng thời kiến nghị Nhà nước đầu tư vốn vào các chương trình nghiên cứu giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông phục vụ thâm canh.

Hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung để có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông; xây dựng cơ sở thu mua, chế biến; từng bước tiến đến sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu.

Còn ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu, thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đề xuất: Phải phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, hướng đến ổn định năng suất chứ không phải nâng cao năng suất, như vậy cây hồ tiêu đỡ áp lực, đỡ bệnh. Tập trung phòng ngừa bệnh bằng các ưu tiên sử dụng biện pháp sinh học thay cho các biện pháp hóa học.

Theo Cục trồng trọt của Bộ NN-PTNN, diện tích hồ tiêu cả nước đạt hơn 85.000ha, vượt quy hoạch hơn 35.000ha và có xu hướng tăng nhanh. Tây Nguyên và Đông Nam bộ là 2 vựa tiêu lớn nhất cả nước với tổng diện tích khoảng 78.000ha. Trong đó, Tây Nguyên có gần 44.000ha (chiếm 51%), Đông Nam bộ là 34.000ha (chiếm hơn 40%).


Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới phải tự cứu mình Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới… Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía? Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục…