Mô hình kinh tế Hà Nội Từ Khu Lò Gạch Đến Trang Trại Bò

Hà Nội Từ Khu Lò Gạch Đến Trang Trại Bò

Ngày đăng 28/07/2014

Hà Nội Từ Khu Lò Gạch Đến Trang Trại Bò

Đến xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên – TP Hà Nội) qua khu Bãi Tạ (thôn Sảo Hạ) nếu như trước năm 2010 nơi đây là khu lò gạch, ngổn ngang những gò đất, hố sâu do lấy đất và những ống khói cao ngất hàng ngày xả khói ra môi trường, giờ đây khi thành phố có chủ trương cấm đốt, sản xuất gạch tại các khu vực này thì thay vào đó là các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt đang đi vào hoạt động có hiệu quả.

Những gương điển hình đi đầu việc chuyển đổi phát triển kinh tế đó là ông Đinh Văn Khoa (còn gọi ông Khoa bò sữa) và ông Đào Văn Xuân (ông Xuân bò thịt), là những người có ý tưởng mạnh dạn trong việc đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò thành công.

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Đào Văn Xuân như được cởi mở, bộc bạch về những ngày gian nan vất vả trong việc chuyển đổi từ “khu lò gạch” đến “trang trại bò”:

Sau khi thành phố Hà Nội có chủ trương cấm đốt gạch, ông nghĩ ngay đến việc chăn nuôi bò vì thấy ở khu vực này có nhiều lợi thế về chất đất cũng như diện tích đất trồng cỏ. Hơn nữa khu vực này nằm xa khu dân cư nên việc chăn nuôi không ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân, hạn chế tối đa dịch bệnh. Thời tiết, khí hậu ở đây lại rất phù hợp với sự sinh trưởng của bò.

Qua tìm hiểu thực tế ông thấy có nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ 1 đến 3 con, hàng ngày chỉ chăn thả ở bãi mà bò vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế, vậy là ý tưởng đó thành hiện thực.

Bắt tay vào xây dựng trang trại, ông phải thuê máy móc san ủi đất với hàng ngàn m3 đất do trước đây khu này là khu lò gạch nên có rất nhiều hố sâu 2 - 3 m, gò đất, gạch loại thải cao 1 – 2 m;

Bên cạnh đó là phế vật liệu, gạch loại thải, gạch non, gạch phồng, liếp lá, sắt vụn lên đến hàng trăm m3 phải trở đi nơi khác để san lấp mặt bằng. Ông nói vui nghĩ lại cũng thấy “toát mồ hôi” vì quá gian nan vất vả.

Đến nay sau gần 2 năm, ông đã có một trang trại với quy mô khoảng gần 7ha diện tích, với tổng đàn 110 con bò thịt, bò sinh sản, bê béo tròn; xung quanh trang trại là bãi cỏ xanh mướt rộng ngút tầm mắt.

Trải qua thời gian vừa xây dựng chuồng trại, vừa nhập bò về nuôi ông đã có đôi chút kinh nghiệm với nghề. Ông được cơ quan chuyên môn (trực tiếp là Trạm Phát triển chăn nuôi Thường Tín) quan tâm giúp đỡ hướng dẫn tỷ mỷ về quy trình kỹ thuật nên việc chăn nuôi bò ngày càng có hiệu quả.

Hiện nay ông chủ yếu nhập bò lai Sind và bò Brahman, hai giống bò này cho khả năng sinh sản tốt, dễ nuôi, ít bệnh tật. Hiện ông có khoảng trên 60 bò cái nền, nhiều con đang chửa và một số con đã có bê sinh ra.

Ngoài ra, ông nuôi khoảng 30 bò vỗ béo, với chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng khác với nuôi bò sinh sản. Ông thường bắt các giống bò chất lượng cao như Droghmater, BBB, Brahman, lai Sind vì những giống bò này lớn nhanh cho chất lượng thịt tốt, người tiêu dùng ưa chuộng..

Khoảng 4 tháng tổng chi phí cho 01 bò trên dưới 30 triệu (bao gồm giống, thức ăn, công chăm sóc nuôi dưỡng, thuốc phòng chống dịch bệnh …), sau khi trừ chi phí sẽ có lãi từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, bình quân lãi khoảng 600 ngàn đồng/tháng/con.

Bên cạnh đó, gia đình ông còn có nguồn thu nhập từ bê con. Ông cho biết, nếu bê sinh ra có chất lượng tốt, nuôi khoảng 9 – 10 tháng thì xuất bán với giá bán bình quân từ 18 - 20 triệu/bê, sau khi trừ chi phí đầu vào về thức ăn, công nuôi, thuốc phòng, kể cả những rủi ro do dịch bệnh, bước đầu thu lãi 500 ngàn đồng/con/tháng.

Ông khẳng định đây là con số thực tế mà ông đã hạch toán, theo dõi chi tiết thời gian qua để quyết định mở rộng quy mô nuôi trong thời gian tới. Theo ước tính của ông, nếu với lợi nhuận nói trên, khi nuôi 100 con sẽ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, như vậy một năm sẽ có thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng.

Ông Xuân cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi khoảng gần 300 con để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương ông và vùng lân cận. Theo ông, việc làm này cũng góp phần giúp bà con không phải đốt rơm, đốt thân cây ngô, cây họ đậu trong mùa thu hoạch nữa.

Ông cũng sẽ tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, huyện, xã và Sở Nông nghiệp Hà Nội để có quy trình chăn nuôi chuẩn;

Đồng thời xây dựng thương hiệu cho chính sản phẩm của mình có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có như vậy mới đảm bảo được đầu ra ổn định, phát triển chăn nuôi được bền vững. Ông cũng định hướng làm sao áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi để giảm giá thành, giúp cho người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn sản phẩm từ chính quê hương mình mà không phải sử dụng thực phẩm nhập từ các nước nữa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, những khó khăn trong nghề mà ông Xuân đã và đang gặp phải như về chất lượng giống bò, do phải đi nhập trong dân nuôi nhỏ lẻ nên không được đồng đều; giá cả giống, thức ăn tinh không ổn định. Bên cạnh đó, vấn đề thị trường cũng là mối lo lắng của ông.

Hiện nay khi hội nhập kinh tế việc xuất nhập thịt bò vào thị trường Việt Nam sẽ là những thách thức với những người chăn nuôi lớn như ông.

Những khó khăn đó, không chỉ riêng ông mà cũng chính là những khó khăn chung của những nhà đầu tư làm trang trại hiện nay. Song ông luôn tự tin, khẳng định đây là hướng đi, cách làm đúng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian qua, đã có nhiều đơn vị, cán bộ cùng bà con, đồng nghiệp đến trang trại ông để tham quan, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi bò, đây cũng là những động viên khích lệ kịp thời để ông đi đến thành công hơn.


Sóc Trăng Giới Thiệu Một Số Giống Cỏ Trong Chăn Nuôi Bò Sữa Sóc Trăng Giới Thiệu Một Số Giống Cỏ… Nuôi Bò Tơ Có Giá Nuôi Bò Tơ Có Giá