Mô hình kinh tế Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nhờ Áp Dụng Nhiều Kỹ Thuật Trong Chăn Nuôi

Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nhờ Áp Dụng Nhiều Kỹ Thuật Trong Chăn Nuôi

Ngày đăng 03/12/2014

Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nhờ Áp Dụng Nhiều Kỹ Thuật Trong Chăn Nuôi

Có thâm niên nuôi thủy sản hơn 10 năm nay và tích lũy được nhiều kỹ thuật để tạo ra ếch giống và các loại cá giống, ông Võ Đình Chiến, ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là một trong những mô hình nuôi thủy sản có quy mô và đạt hiệu quả cao ở Long Mỹ.

Tuy trước đây đã thành công với nghề in danh thiếp, thiệp cưới nhưng ông Võ Đình Chiến đã bỏ tất cả để đến với nghề nuôi và sản xuất con giống thủy sản khi được tham gia lớp dạy nghề do tỉnh tổ chức với sự hướng dẫn của các cán bộ thủy sản Trường Đại học Cần Thơ.

 Khi mới bước vào nghề nuôi thủy sản, ông Chiến chọn nuôi cá lóc vì loại cá này lúc đó giá cao và dễ nuôi, vừa nuôi vừa tìm tòi cách chọn cá bố mẹ để tạo ra cá giống sạch bệnh dành nuôi trong các vụ tiếp theo.

Dần dần ông Chiến học các kỹ thuật sản xuất nhiều loại cá giống khác như diêu hồng, sặc rằn, cá trê, đến nay ông chuyên nuôi lấy thịt và sản xuất ếch giống, cá thát lát giống cung cấp cho người nuôi ở các tỉnh miền Tây và bán thành phẩm cho các thương lái tại TP.Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, nhờ tích lũy kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật, ông đã áp dụng những cách riêng để tạo ra con giống chất lượng, tạo được uy tín và tin tưởng của người nuôi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp ếch thịt, cá thát lát thịt có chất lượng, tạo đầu ra ổn định lâu dài.

Ông Chiến chia sẻ: Người ta thường dùng thức ăn công nghiệp nuôi cá bố mẹ để giữ cá sạch bệnh, tuy nhiên như vậy cá sẽ chậm đẻ trứng, trứng ít và cho ra cá con có chất lượng không đồng đều. Tôi chịu khó tìm mua các loại cá nhỏ làm thức ăn nuôi cá bố mẹ nhằm làm cá nhanh đẻ trứng, cá con có chất lượng tốt và đồng đều, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian mà mang lại hiệu quả cao hơn.

Người nuôi cá thát lát thường cho cá ăn thức ăn công nghiệp hoặc các loại cá mồi tùy theo điều kiện nuôi, vì vậy từ khi mua con giống về phải trải qua quá trình cho cá con thích nghi với một loại thức ăn, điều này dẫn đến những con cá không thích nghi với thức ăn sẽ không đạt chất lượng.

Nắm bắt được khó khăn này của người nuôi cá, khi người nuôi đặt hàng cá giống, ông Chiến hỏi nhu cầu về thức ăn chăn nuôi rồi tập cho cá giống thích nghi với thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn là cá mồi rồi mới giao cho khách.

Chính điều này đã làm cho khách hàng càng thêm tin tưởng vào chất lượng cá giống của ông Chiến. Hiện ông Chiến đang thực hiện mô hình hỗ trợ người nuôi cá được nhiều người hưởng ứng, đó là cung cấp cá giống không thu tiền, hướng dẫn người nuôi các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và thu mua cá thành phẩm, lúc đó sẽ trừ tiền cá giống và giao số tiền bán cá còn lại cho khách hàng, điều này giúp nhiều người nuôi cá không phải lo lắng về nguồn vốn đầu vào.

Với mô hình nuôi ếch, ông Chiến áp dụng nhiều cách làm và kỹ thuật để ít làm hao tổn số lượng con giống và đạt chất lượng ếch thịt gần tương đương với ếch đồng tự nhiên.

Với mô hình nuôi ếch trong lưới đặt dưới ao, ông chọn lưới mặt đáy có lỗ to tròn và đặt lưng chừng giữa mặt nước để cá trong ao dễ dàng ăn chất thải của ếch giúp làm sạch ao, lưới bao xung quanh là loại lưới màn dày không có mắt lưới, tránh làm ếch bị thương.

Theo ông Chiến, nhiều người nuôi ếch dùng lưới mắt nhỏ, ếch có thói quen cà miệng vào lưới nên dễ bị thương, chảy máu vùng miệng, như vậy sẽ bán không được giá vì người mua nghĩ ếch bị bệnh, chọn lưới màn dày giữ ếch không bị thương và bán được giá cao.

Nhiều thương lái rất chuộng mô hình nuôi ếch thả tự nhiên mà ông Chiến đang thực hiện, trong đó ông chọn nhiều khoảnh ao, vườn rồi vây bọc lưới xung quanh, ếch nuôi có khoảng không gian lớn để hoạt động, ăn các loại sâu bọ trong tự nhiên, như vậy thịt ếch có độ dai và săn chắc gần với ếch đồng.

Ếch con có thói quen cắn và ăn thịt lẫn nhau nên số lượng ếch giống sẽ hao hụt nhiều, ông Chiến đã tìm cách cải thiện vấn đề này bằng cách trồng rau muống phủ khắp mặt ao rồi mới thả ếch con vào, ếch nương vào thân rau muống và có rau bao bọc nên ếch con không tấn công lẫn nhau và tiếp nhận thức ăn đồng đều hơn.

Trong quá trình nuôi cá thát lát và ếch, ông Chiến tìm tòi các cách chữa bệnh không ảnh hưởng đến chất lượng thịt, đó là hạn chế dùng các loại thuốc thú y chữa bệnh mà dùng mật ong, cơm mẻ, cỏ mực… băm nhỏ rồi trộn vào thức ăn để chữa bệnh cho cá, ếch mà không ảnh hưởng đến chất lượng thịt.

Hiện cơ sở chăn nuôi của ông Chiến có nhiều ao nuôi cá và ếch với số lượng lên đến hàng trăm ngàn con. Thời gian nuôi ếch khoảng 2 tháng, khi mỗi con đạt trọng lượng từ 120 gram đến 1,3kg thì có thể xuất bán, trong khi nuôi cá thát lát kéo dài từ 5-8 tháng, cá đạt trọng lượng 200 gram đến 1kg và nuôi kéo dài quanh năm.

Tổng thu từ sản xuất cá giống, ếch giống, thu mua ếch, cá thương phẩm và bán ếch thịt, cá thịt của mô hình ông Võ Đình Chiến tăng dần qua các năm, tổng thu đạt hơn 200 triệu đồng vào năm 2006, đến năm 2011 đã đạt trên 450 triệu đồng, đây là thu nhập thuộc loại khá đối với một mô hình chăn nuôi thủy sản.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình Nguyễn Hồng Sáng đánh giá: Mô hình nuôi ếch, cá của nông dân Võ Đình Chiến rất đáng được tuyên dương và nhân rộng, bởi vì anh Chiến không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn ra sức hỗ trợ con giống, bao tiêu cá, ếch thương phẩm cho nhiều hộ nuôi trong vùng, nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân để đạt được hiệu quả như anh.

Hội Nông dân huyện đang đề xuất để anh Chiến tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong các hội thảo về chăn nuôi thủy sản và hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014, xứng đáng với những gì anh Chiến đã giúp đỡ cho nhiều hộ chăn nuôi thủy sản trong vùng.

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1832CE/Hieu_qua_kinh_te_cao_nho_ap_dung_nhieu_ky_thuat_trong_chan_nuoi.aspx


Việt Nam Chi Hàng Triệu USD Để Nhập Khẩu Vật Nuôi Việt Nam Chi Hàng Triệu USD Để Nhập… Chờ Bước Đột Phá Cho Ngành Chăn Nuôi Chờ Bước Đột Phá Cho Ngành Chăn Nuôi