Mô hình kinh tế Hiệu quả từ Dự án Gia vị cuộc sống

Hiệu quả từ Dự án Gia vị cuộc sống

Ngày đăng 27/04/2015

Hiệu quả từ Dự án Gia vị cuộc sống

Sau gần 2 năm thực hiện, Dự án trên đã và đang tạo nhiều đổi thay tích cực, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất Thảo quả, cải thiện thu nhập và sinh kế cho nhiều nông hộ.

Dự án “Gia vị cuộc sống” đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất Thảo quả, tăng thu nhập nhiều cho nông hộ. Trong ảnh: Anh Lý Văn Xiểm, xã Phương Độ (TP. Hà Giang) kiểm tra tỷ lệ đậu quả tại rừng Thảo quả của gia đình.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.000 ha cây Thảo quả (trong đó, có trên 6.000 ha đã cho thu hoạch), tập trung chủ yếu ở 4 huyện, thành phố: Quản Bạ, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và thành phố Hà Giang.

Với giá bán trên 30.000 đồng/kg quả thảo quả tươi và trên 120.000 đồng/kg Thảo quả sấy khô, hằng năm, sản phẩm này đã mang đến nguồn thu nhập khoảng 130 - 150 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ dân, giúp nhiều gia đình giảm nghèo bền vững.

Ông Lê Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn Tổ chức SNV cho biết: Với điều kiện tự nhiên thuận lợi (diện tích đất lâm nghiệp và rừng chiếm 71% tổng diện tích đất tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu trong năm 2015 đạt 60%), Hà Giang còn nhiều tiềm năng để phát triển bền vững kinh tế Thảo quả.

Do vậy, thực hiện mục tiêu của tổ chức SNV: Hỗ trợ các tổ chức địa phương nâng cao khả năng hoạt động để thực hiện có hiệu quả việc XĐGN, chúng tôi đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Giang thực hiện Dự án “Gia vị cuộc sống” (giai đoạn 2013 - 2016), tại 39 xã/4 huyện, thành phố tập trung nhiều diện tích thảo quả. Dự án này hướng đến sự phát triển chuỗi giá trị Thảo quả một cách bền vững, gắn với việc bảo vệ rừng.

Theo đó, hoạt động của Dự án tập trung vào các lĩnh vực: Nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện về kỹ năng đào tạo tiểu giáo viên quản lý chất lượng sản phẩm gia vị và phương pháp sản xuất thảo quả bền vững. Cải thiện năng xuất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, Tổ chức SNV còn hỗ trợ các hộ trồng thảo quả thành lập được 40 nhóm nông dân cùng sở thích (NDST). Trên cơ sở đó, tổ chức hội nghị liên kết thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các nhà quản lý, tư thương liên kết với nhóm NDST ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thống nhất với người sản xuất về địa điểm, thời gian thu mua hay tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Tại một số xã như: Cao Bồ, Thượng Sơn (Vị Xuyên), xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), vai trò của tư thương trong mối liên kết này bước đầu được hình thành. Điều này giúp giảm dần các đầu mối thu mua trung gian, làm minh bạch giá và thông tin về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, giữa tư thương với hộ và NDST đã có cơ chế cung cấp tín dụng hỗ trợ cho nông dân vay vốn, trả bằng Thảo quả theo giá bán của thị trường tại thời điểm thu mua (không tính lãi xuất), trong điều kiện gia đình gặp khó khăn hoặc cần hỗ trợ đầu tư mua giống, phân bón phục vụ sản xuất.

Qua đó, giúp nông dân hạn chế việc phải bán Thảo quả non đầu vụ với giá thấp, ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng sản phẩm. Điển hình cho cách làm này có ông Đặng Văn Quang (Vị Xuyên), ông Vàng Chín Sẩn, Nông Văn Quang hay ông Lý Văn Cao (Hoàng Su Phì)...

Mặt khác, thông qua hoạt động tích cực của nhóm NDST kết hợp với thực hiện Hương ước quản lý sản xuất thảo quả bền vững, tại 30/39 xã trong vùng dự án đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm Thảo quả. Thực tế cho thấy, mùa Thảo quả năm 2014, nhiều xã đã giảm trên 50% diện tích thảo quả không thu hoạch non, tăng từ 15 - 20% năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập từ sản phẩm này.

Chia sẻ về những vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phạm Thị Hà cho biết: Với dự án “Gia vị cuộc sống”, tỉnh ta đã tiếp cận với một mô hình hiệu quả theo chuỗi giá trị từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Điều này tác động vào các mắt xích trong chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị thu nhập từ Thảo quả trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác. Tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, tại các địa phương thuộc vùng dự án...


Cần nhân rộng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo cho nông dân Cần nhân rộng mô hình liên kết sản… Khu vực phía Đông tỉnh không ngừng nhân rộng cánh đồng mía mẫu lớn Khu vực phía Đông tỉnh không ngừng nhân…