Khu vực phía Đông tỉnh không ngừng nhân rộng cánh đồng mía mẫu lớn
Cánh đồng mía mẫu lớn thường có diện tích từ 5 ha đến 80 ha, dễ dàng đưa cơ giới vào thâm canh sản xuất, giúp người nông dân rút ngắn thời gian, công sức và chi phí lao động.
Để thực hiện mô hình này, các hộ sẽ phải phá bỏ bờ thửa để gộp diện tích mía nhỏ lẻ của mình lại với nhau trên cơ sở đo đạc xác định ranh giới mà Nhà máy Đường An Khê đã tiến hành trước đó. Với mỗi ha mía, Nhà máy hỗ trợ đầu tư từ 13 triệu đồng đến 15 triệu đồng (không tính lãi suất) và người trồng mía sẽ trả lại số tiền trên sau khi thu hoạch.
Nhân rộng mô hình, đầu tư cơ giới
Số liệu của Nhà máy Đường An Khê cho biết, qua 3 niên vụ, Nhà máy đã thực hiện được trên 1.000 ha cánh đồng mía mẫu lớn tại 4 địa phương phía Đông tỉnh. Trong đó, các vụ trước là 639 ha; riêng vụ 2014 - 2015, đến thời điểm hiện tại đã triển khai được thêm 416,1 ha/500 ha theo kế hoạch đề ra. Cụ thể: thị xã An Khê 52,8 ha; huyện Đak Pơ 257,1 ha; huyện Kbang 206,4 ha (sẽ tiếp tục làm 100 - 150 ha) và huyện Kông Chro 538,8 ha. Theo chủ trương của Nhà máy, diện tích này sẽ tăng lên đến con số 5.000 ha vào năm 2020.
Ông Nguyễn Hoàng Phước - Trưởng phòng Đầu tư - Nguyên liệu, Nhà máy Đường An Khê, cho hay, Kông Chro đã và đang là địa bàn thuận lợi nhất trong việc thực hiện mô hình cánh đồng mía mẫu lớn.
Bởi lẽ, diện tích mía của các hộ gia đình tương đối lớn và tập trung; thêm vào đó, đây là vùng đất mới, người dân cũng mới gắn bó với cây mía nên dễ tiếp cận với khoa học-kỹ thuật hơn những người trồng mía lâu năm. Một số hộ dân đã phối hợp cùng với Nhà máy vận động những hộ xung quanh thực hiện cánh đồng lớn. Nhờ vậy, mô hình này được triển khai và phát triển một cách nhanh chóng.
“Các huyện, thị xã còn lại, diện tích mía khá nhỏ lẻ, manh mún; nông dân khó bỏ tập quán canh tác của mình, do thế, ban đầu chúng tôi chỉ phát triển mô hình từ 5 ha đến 10 ha rồi mới tiến hành nhân rộng, tuy nhiên tiến độ thực hiện tương đối chậm”-ông Phước lý giải thêm.
Song song với đó, Nhà máy cũng thường xuyên đầu tư, cải tiến thiết bị cơ giới sao cho phù hợp với điều kiện và địa hình của từng ruộng mía nhằm tăng dần quy mô sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đây đã góp phần không nhỏ trong việc tăng năng suất mía, giảm nhân công lao động, hạ giá thành sản xuất và đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. Trong những năm qua, Nhà máy đã mua trên 150 máy cày chuyên dùng, trên 400 thiết bị để phục vụ nhu cầu làm đất, trồng, chăm sóc và bón phân…
Đặc biệt, trong tháng 3-2015, Nhà máy đã đầu tư máy thu hoạch mía liên hợp với công suất bình quân 300 tấn mía/ngày (tương ứng khoảng 200 công lao động thu hoạch và bốc xếp lên xe/ngày); giúp giảm chi phí thu hoạch tối thiểu 50.000 đồng/tấn so với thu hoạch thủ công, giảm tổn thất tối thiểu 3-5 tấn/ha nhờ chặt sát gốc mía, đồng thời, rác mía được băm nhỏ, trả lại cho đất để làm phân và giữ ẩm cho mía trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Được biết, từ nay đến năm 2020, Nhà máy sẽ đầu tư thêm 100 máy cày lớn và 5 - 10 máy thu hoạch mía.
Năng suất tăng cao
Thống kê năng suất thực thu trên những diện tích trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn qua các vụ của Nhà máy Đường An Khê cho thấy, năng suất bình quân đạt 116,33 tấn/ha, cao hơn những diện tích làm cơ giới hóa nhỏ lẻ từ 10 ha đến 20 tấn/ha và cao hơn diện tích trồng truyền thống 30 - 40 tấn/ha. Điều này vừa tạo cho người trồng mía khu vực sự phấn khởi, vừa củng cố thêm lòng tin để họ tiếp tục nhân rộng mô hình.
Ông Lý Văn Thanh (xã Kông Bla, huyện Kbang) chia sẻ: “Vì Nhà máy đã cắm mốc, lập bản đồ rõ ràng diện tích của từng hộ nên bà con rất yên tâm bắt tay nhau thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Hơn nữa, tất cả đều được Nhà máy hỗ trợ cơ giới hóa tận tình không tính lãi suất, mía đều, đẹp, năng suất và chữ đường của mía trên 1 đơn vị diện tích vì thế cũng tăng lên. Người trồng mía chúng tôi vui lắm”.
Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Văn Trọng (xã Tân An, huyện Đak Pơ) vui vẻ nói: “Cánh đồng lớn của chúng tôi rộng 33,5 ha thuộc sở hữu của 58 hộ, nằm ở 2 thôn Tân Hội và Tân Phong; riêng tôi có 4 sào. Năm nay diện tích này mới bước vào thu hoạch vụ đầu tiên những đã cho kết quả tốt. Từ 55 tấn/ha, năng suất đã tăng lên hơn 100 tấn. Mỗi ha, chi phí sản xuất lại giảm được khoảng 3 triệu đồng, chi phí thu hoạch giảm 7 triệu đồng/tấn; thời gian thu hoạch cũng được rút ngắn vì máy có công suất đến 300 tấn/ngày, trong khi thu hoạch thủ công trung bình chỉ đạt 30 tấn/ngày”.
Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, Nhà máy cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại.
Một vài địa bàn có diện tích mía/hộ lớn nhưng đất phân bổ thành nhiều thửa, không tập trung liên vùng nên khó đưa cơ giới vào trồng, chăm sóc mía; trên cùng một vùng mía lại tồn tại cả mía tơ và mía gốc, thời gian trồng, thu hoạch không đồng loạt; một số hộ gia đình dù thấy được hiệu quả mà mô hình mang lại nhưng có tư tưởng ỷ lại hoặc trông chờ cơ chế “xin-cho”, đòi hỏi thêm quyền lợi ngoài chính sách đầu tư, gây ách tắc trong khâu thực hiện mô hình.
Ngoài ra, những hộ có đủ lao động, không muốn chăm sóc mía bằng máy mà để tự túc nhằm giảm chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng cho các hộ thành viên xung quanh. Thậm chí, trên cùng một cánh đồng gồm nhiều hộ sản xuất nhưng có hộ nhận đầu tư thông qua các đại lý thu mua bán cho các nhà máy khác hoặc không tham gia vào mô hình dẫn đến công tác dồn điền, dồn thửa và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ không thực hiện được…
“Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi cũng mong các cấp chính quyền địa phương vùng mía cùng các đơn vị chức năng tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nông dân dồn điền và liên kết lại với nhau để thực hiện chương trình cánh đồng mẫu lớn nhằm nâng cao năng suất mía trên toàn vùng; tăng thu nhập cho bà con và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Nhà máy, góp phần thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước” - ông Phước bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ