Mô hình kinh tế Khơi Dòng Vận Tải Thủy

Khơi Dòng Vận Tải Thủy

Ngày đăng 22/07/2014

Khơi Dòng Vận Tải Thủy

Ngày 21-7, tại hội nghị “Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL” diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu đã đề xuất hàng loạt giải pháp để thúc đẩy phát triển vận tải bằng đường thủy nội địa.

Thông tin tại hội nghị, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - nhà vận chuyển thủy nội địa hàng đầu tại ĐBSCL - cho biết từ năm 2010 đến nay, dù sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng container từ ĐBSCL đến TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vận chuyển của toàn vùng, khoảng 17-18 triệu tấn/năm.

“Không phải nói xong rồi để đấy”

"Vận tải thủy nội địa có cước phí rẻ hơn, hiệu quả hơn so với đường bộ nhưng lâu nay chưa phát huy được do nhiều nguyên nhân, nhưng trách nhiệm trước hết là của Bộ Giao thông vận tải..."

Ông ĐINH LA THĂNG(bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Ông Lê Hoàng Linh, giám đốc Công ty CP vận tải thủy Tân Cảng, cũng cho biết hiện 80% lượng container xuất khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển về TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu bằng đường bộ, chi phí vận tải cao hơn 10-60% so với vận chuyển thủy, đặc biệt là gây áp lực rất lớn cho hệ thống giao thông đường bộ.

Ông Phạm Minh Nghĩa (chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa VN) cho rằng thời gian qua vận chuyển đường thủy nội địa chưa được đánh giá đúng vị thế, nên đến nay vẫn chỉ phát triển tự phát.

Trong khi đó, các quy hoạch của Bộ GTVT về giao thông thủy nội địa chưa đề xuất được các giải pháp có tính bản lề nên đầu tư trong lĩnh vực này còn dàn trải. “Tháng 4 vừa rồi, bộ trưởng có ký ba quyết định về quy hoạch, tôi có xem lại thấy nó mang máng như những quy hoạch trước đó, không có gì mạnh mẽ cả” - ông Nghĩa khẳng định.

Theo ông Nghĩa, không nên đưa ra 15-20 dự án mà không làm, chỉ nên tập trung một, hai dự án nhưng phải làm thật tốt. “Cần phải loại bỏ ngay tư tưởng vị ngành, vị địa phương. Ví dụ như cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh mà giải tỏa được thì hàng hóa từ Sài Gòn đi các khu công nghiệp dọc sông Sài Gòn và Đồng Nai rất “ngon” nhưng hai cầu đó 10 năm rồi vẫn vậy. Năm kia anh Thăng có hứa với lãnh đạo tỉnh Bình Dương là cho ngành đường sắt xem xét nhưng đến giờ này tôi vẫn thấy án binh bất động” - ông Nghĩa nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng những góp ý của ông Nghĩa rất “trí tuệ” và hứa sẽ tiếp thu. Tuy nhiên theo ông Thăng, Bộ GTVT đã họp bàn với TP.HCM và Bình Dương về việc xây mới cầu Bình Lợi bên cạnh cầu cũ, dự kiến khởi công tháng 10-2014, đưa vào sử dụng năm 2015 chứ “không phải nói xong rồi để đấy”.

“Những gì làm được thì làm ngay”

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nhật - cục trưởng Cục Hàng hải VN - đề nghị bộ trưởng giao cho đơn vị này mở tuyến hàng hải từ TP.HCM, Vũng Tàu đến Cà Mau vì mùa gió chướng thì tàu chạy theo kênh Chợ Gạo, mùa nào thời tiết tốt thì chạy tuyến biển rất hiệu quả, chưa kể các dự án nhiệt điện ven sông Hậu cũng chở vật liệu xây dựng từ Đồng Nai theo đường này.

Ông Đinh La Thăng trả lời ngay rằng: “Tôi giao ngay luôn cho Cục Hàng hải chủ trì nghiên cứu, công bố tuyến hàng hải này trong quý 4”.

Khi nghe ông Trần Văn Thọ, phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, giải trình về tình trạng yếu kém của vận tải đường thủy thời gian qua, ông Thăng đề nghị “không nói vòng vo”, mà phải nói rõ trách nhiệm của cục ra sao, giải pháp gì để có sự chuyển biến ngay sau hội nghị.

Sau khi bị nhắc nhở, ông Thọ cho biết sẽ rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xem cái gì còn bất cập cần tháo gỡ, rà soát lại toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng từ quy hoạch, tuyến luồng đối với hệ thống cảng, bến, nguồn nhân lực, đội ngũ trong lĩnh vực làm sao cho đồng bộ...

Kết luận hội nghị, ông Thăng cho rằng do chưa được quan tâm đúng mức, vận tải đường thủy nội địa lâu nay quá yếu, cần thiết phải nâng cao ngay. “Ngay trong tuần này, Vụ Vận tải phải xử lý những vấn đề gì cần xử lý ngay bằng văn bản, không chờ.

Sau hội nghị, vụ phải chủ trì, xây dựng kế hoạch nâng cao vận chuyển bằng đường thủy nội địa, phân công nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị. Cái nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì báo cáo, thuộc bộ ngành khác thì có văn bản gửi kiến nghị phối hợp, còn thuộc Bộ GTVT thì triển khai ngay” - ông Thăng chỉ đạo.

Theo ông Thăng, để vực dậy ngành vận chuyển thủy nội địa phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp về vận tải thủy nội địa, vận tải biển cũng như kết nối các phương thức vận tải. Trước hết phải tập trung triển khai Luật đường thủy nội địa sửa đổi vừa có hiệu lực, nhanh chóng xây dựng các nghị định, thông tư liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa mà cụ thể như thông tư quy định về phương tiện, người lái.

Ông Thăng cũng giao cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương rà soát chiến lược, quy hoạch phát triển thủy nội địa theo hướng “làm sao đầu tư dứt điểm, tập trung vào cái gì ít tiền thì làm trước”.

Ông cũng giao cho Cục Đăng kiểm, Cục Đường thủy nội địa khẩn trương công bố tuyến luồng hàng hải ngay trong quý 3-2014. “Không thể hội nghị hôm nay thì ngày mai tăng tốc được nhưng không phải cái gì cũng cần có thời gian, cái gì làm được thì làm ngay” - ông Thăng nói.


Tàu Sắt An Toàn Hơn Tàu Sắt An Toàn Hơn Ưu Tiên Dùng Nông Sản Việt Ưu Tiên Dùng Nông Sản Việt