Kỹ thuật chăm sóc ngô ngọt vụ xuân 2019
Hiện nay, cùng với xu thế phát triển của ngành Nông nghiệp cây ngô ngọt cũng được chú trọng đầu tư và mở rộng diện tích; không những ngô ngọt hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn giòn, ngọt, bắp ngô có thể sử dụng để ăn tươi và chế biến, được người tiêu dùng rất ưa chuộng mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại ngô khác. Để cây ngô ngọt đạt năng suất cao và nâng cao hiệu quả sản xuất cần lưu ý một số kỹ thuật chăm sóc như sau:
1. Phân bón
Cây ngô nói chung và cây ngô ngọt nói riêng ở thời kỳ cây con rất quan trọng, vì vậy cần bón phân cân đối kịp thời để cây sinh trưởng phát triển sớm, tránh hiện tượng huyết dụ, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng năng suất. Sau khi đã bón đủ lượng phân lót, với cây ngô ngọt cần bón thúc sớm hơn và bón 3 lần chính như sau:
- Bón thúc lần 1: Khi cây ngô được 3 - 4 lá, bón 4 – 5 kg đạm và 2 – 3kg kali, rải phân cách gốc 5 – 10 cm kết hợp vun nhẹ gốc.
- Bón thúc lần 2: Khi cây ngô được 7 – 8 lá, bón 4 – 5 kg đạm và 2 – 3 kg kali, rải phân cách gốc 10 – 15 cm kết hợp vun cao luống.
- Bón thúc lần 3: Khi cây ngô xoáy nõn, bón 3 - 4 kg kali, rải phân ở 2 hàng sông kết hợp vun cao gốc.
Có thể sử dụng phân NPK chuyên dùng đối với cây ngô với lượng bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Lưu ý:
- Nếu thấy hiện tượng cây bị huyết dụ do gặp mưa úng, hạn đầu vụ thì ngâm lân super hòa loãng với nước để tưới, cứ 3 – 4 ngày tưới 1 lần.
- Tuyệt đối không bón phân sát gần gốc làm cho cây bị xót phân, héo lá, thậm chí mắc bệnh huyết dụ giai đoạn cây con. Khi bón phân đất phải đủ ẩm, rải phân xa gốc, nên rải giữa 2 hàng hoặc giữa 2 cây. Khi cây ngô được 7 – 8 lá lấy đất ở rãnh để vun, không được xới xáo sâu mặt luống làm đứt rễ ngô, làm chột cây, giảm năng suất.
2. Dặm tỉa
Khi cây được 1 - 2 lá thì tiến hành dặm tỉa định hình cây sớm đảm bảo mật độ khoảng 2.000 - 2.200 cây/sào. Khi dặm cần đánh bầu to, thao tác nhẹ nhàng tránh làm đứt rễ mầm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và cho bắp của cây sau này. Sau khi dặm cần tưới nước để giúp cây nhanh phục hồi.
3. Tưới nước
Ngô ngọt là cây cần đất ẩm nhưng khả năng chịu úng kém, độ ẩm đất thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển là 70 – 80%. Vì vậy, không để ruộng quá khô hoặc bị ngập úng làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây.
Nên áp dụng phương pháp tưới rãnh, lượng nước đưa vào từ 1/3 -1/2 chiều cao luống, sau đó để cho nước thấm đều rồi rút cạn.
Lưu ý: Không để cho nước ngập luống ngô ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây. Tùy điều kiện thời tiết để có chế độ tưới hợp lý song có 3 lần tưới quan trọng:
- Lần 1: khi cây 4 – 5 lá
- Lần 2: khi cây 7 – 9 lá
- Lần 3: khi ngô xoáy nõn
- Ngô ngọt giai đoạn xoáy nõn cần giữ ẩm đến khi trỗ cờ phun râu xong để cây đóng bắp và vào hạt.
- Nếu trời mưa to làm ruộng ngập thì cần tháo nước ngay để ngô không bị úng nước, tránh hiện tượng huyết dụ đặc biệt ở giai đoạn cây con.
4. Tỉa chồi và bắp
Ngô ngọt thường phát sinh nhiều chồi phụ, để cây sinh trưởng phát triển tốt sau trồng khoảng 3 tuần cần tiến hành tỉa chồi. Khi cây ra bắp thường có một bắp chính và nhiều bắp phụ vì vậy để đảm bảo chất lượng thương phẩm cần tỉa bớt các bắp phụ, mỗi cây chỉ để 1 bắp chính ở đốt cao nhất.
5. Phòng thừ sâu bệnh hại chính
* Sâu xám: Sâu gây hại nặng khi cây mới mũi chông hoặc ở giai đoạn cây con, vì vậy cần xử lý đất trước khi trồng bằng thuốc Vibasu 10H hoặc phun thuốc ngay khi cây mọc bằng thuốc Peran 50EC.
* Sâu đục thân, sâu đục bắp: Gây hại nặng giai đoạn cây từ 7 – 8 lá đến xoáy nõn và khi bắp bắt đầu hình thành và phát triển. Sử dụng thuốc Regent 800WG, Tango 800WG, Vitarko 400WG… phun khi sâu xuất hiện.
* Bệnh khô vằn: Thường xuất hiện ở ruộng trồng dày, bón thừa đạm, thân lá phát triển rậm rạp. Khi cây bị bệnh có thể sử dụng thuốc Anvil 5SC, Validacin 5SL, Tilt super 300EC…để phun vào toàn bộ thân lá.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ