Mô hình kinh tế Lụi Tàn Quýt Tiến Vua

Lụi Tàn Quýt Tiến Vua

Ngày đăng 01/03/2014

Lụi Tàn Quýt Tiến Vua

Được hưởng đặc ân phù sa bồi đắp cho biền bãi của dòng sông Bồ, một thời quýt Hương Cần (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) là thứ đặc sản dùng để tiến vua. Trái quýt cũng mang lại đời sống ấm no cho thôn Giáp Kiềng. Qua thời gian, giống quýt quý lụi tàn dần, số hộ bám trụ với cây cũng chẳng còn được mấy người…

Thăng trầm “đời” quýt

Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Hồ Đăng Lào, một hộ dân còn trồng quýt ở thôn Giáp Kiềng tiếc rẻ: “Trồng quýt gia đình tui cũng đã theo được mấy đời. Quýt Hương Cần vốn nức tiếng từ xưa, là giống quýt dùng để tiến vua, nó đã đi vào thi ca của đất Thừa Thiên này. Trải qua chiến tranh, thiên tai dịch bệnh, giống cây thoái hóa dần. Nếu khi xưa mấy trăm hộ trồng thì giờ chỉ còn lại chẳng được bao nhiêu”.

Trong ký ức của người dân thôn Giáp Kiềng, những mùa quýt chín vàng, thơm lừng cả góc vườn giờ như đã quá vãng. Hương Cần là vùng đất khá trũng, trải qua bao trận lụt khiến cho giống nông sản này cứ mai một dần. Cứ sau mỗi lần gặp thiên tai, gia đình ông Lào lại ra vườn chăm bẵm, tìm cách khôi phục lại vườn quýt.

Ông Lào nhớ lại: “Các trận lụt năm 1999, 2007 - 2008, cả thôn Giáp Kiềng lao đao vì quýt ngập úng, chết dần chết mòn. Hồi đó, tui cùng một số hộ gia đình chung ý nghĩ, nếu bỏ giống cây này đi thì tiếc quá. Quýt Hương Cần nổi tiếng bởi chất lượng của nó đã được chứng minh qua thời gian cả trăm năm, chứ không phải thời nay người dùng mới biết đến. Thế là gia đình tui cặm cụi chiết cành ươm cây mới, tháo nước cứu những cây còn lại”.

Không phải ai cũng cố gắng bảo tồn giống cây quý này, nhiều gia đình ở thôn Giáp Kiềng không còn bám trụ nổi với giống cây nức tiếng một thời nên phá bỏ vườn, chuyển sang trồng các loại cây khác. Qua thời gian, đến nay, toàn xã Hương Toàn chỉ còn chừng hơn 10 ha quýt, chủ yếu tập trung ở thôn Giáp Kiềng. Tuy đã lụi tàn, không còn được như xưa, nhưng những người bám trụ được với nghề đến hôm nay vẫn được đền đáp công sức xứng đáng.

Nói về thu nhập, ông Lào nhẩm tính, mỗi sào trồng 25 - 30 gốc, mỗi gốc cho thu nhập khoảng 350 - 400 ngàn đồng. Như vậy, mỗi năm cho thu hoạch một lần, bình quân mỗi sào thu nhập khoảng chục đồng. Những năm được mùa như năm vừa rồi, mỗi sào cho thu nhập gần mười lăm triệu đồng. Gia đình ông Lào trồng 4 sào, thu nhập khoảng 60 triệu. “Nếu nói cây quýt làm giàu thì “hơi ngoa” nhưng nhờ phục hồi cây quýt, gia đình chúng tôi đến nay cũng có thu nhập đều đặn”, ông Lào khẳng định.

Đi tìm một thương hiệu

Nói đến nghề trồng quýt ở thôn Giáp Kiềng, không thể không nhắc đến người đã “sống chết” với loài cây này mấy chục năm nay, đó là ông Hồ Đăng Dĩ. Bao nhiêu mùa quýt trôi qua, tóc ông Dĩ cũng đã bạc màu mưa nắng. Đi ra vườn, nói về cây quýt Hương Cần, ông Dĩ như được sống lại thời vàng kim của loài nông sản này.

Ông bảo: “Có lẽ cây quýt Hương Cần được hưởng đặc ân phù sa của vùng đất được sông Bồ bồi đắp mới cho quả thơm đến vậy. Quýt Hương Cần vỏ mỏng như tờ giấy, cơm màu hồng nhạt, múi quýt dễ tách, khi ăn ngọt, có vị thanh, không lẫn với quýt ở vùng đất nào được”.

Quýt Hương Cần có tên khoa học là Citrus deliciosa Tenore, nằm trong danh mục nguồn gen cây trồng quý cần bảo tồn của Việt Nam. Quýt Hương Cần có đặc điểm khác với các loại quýt khác là khi chín (tháng 10 - 11 DL) quả có màu vàng cam ở mặt quả và màu xanh lá cây ở phần cuống. Vỏ xốp mỏng như giấy rất dễ bóc, khi bóc quýt có mùi thơm đặc trưng. Các múi quýt dễ tách ra từng múi. Cơm màu hồng nhạt, khi ăn vị ngọt và thanh.

Theo ông Dĩ, trong số khoảng 10 ha quýt của làng Hương Cần còn sót lại, chủ yếu tập trung ở thôn Giáp Kiềng. Ở vùng đất này, hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng 2 đến 3 sào, nhà trồng nhiều từ tám đến 10 sào. So với cây lúa, quýt Hương Cần cho thu nhập ổn định hơn. Bình quân mỗi vụ, mỗi gia đình ở đây cũng thu nhập được từ 50 - 60 triệu đồng.

Nói về khó khăn đầu ra, ông Dĩ cho biết, hiện nay trên thị trường thương lái trà trộn rất nhiều loại quýt, khó phân biệt đâu là quýt Hương Cần. Tại một số chợ, các lái buôn còn trộn quýt Hương Cần với loại quýt khác, hoặc mạo quýt Hương Cần để bán giá cao. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của sản phẩm quýt Hương Cần. Đã đến lúc, vấn đề xây dựng thương hiệu cho loại cây đặc sản nổi tiếng này phải được tính đến nếu muốn SX lâu dài.

Ông Hồ Đăng Hải, một hộ dân cho biết, để phục hồi được diện tích cũng như tạo được thương hiệu cho trái quýt Hương Cần như xưa, cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng các ban ngành. Cụ thể, theo ông Hải, người dân trồng quýt xưa nay vẫn theo phương pháp truyền thống.

Vì thế, người trồng cần được quan tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật SX tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và hỗ trợ người dân khôi phục thiệt hại sau thiên tai, dịch bệnh. Như hộ gia đình ông Hải, sau bao năm bám trụ, giờ 2 sào quýt cũng cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/vụ. Mặc dù ông rất muốn nhân rộng thêm vườn cây nhưng không có điều kiện.

Ông Nguyễn Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Toàn cho biết, tuy còn ít hộ theo trồng cây quýt Hương Cần, nhưng rõ ràng, để phục hồi lại diện tích cũng như hướng đến SX bền vững, cần phải xây dựng thương hiệu cho đặc sản này. Chính quyền địa phương đã từng nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cho cây quýt, nhưng trải qua nhiều biến cố, diện tích và sản lượng không ổn định nên chưa thực hiện được.

Theo nhiều hộ trồng quýt, họ luôn sẵn sàng bỏ công sức khôi phục lại vườn cây quý. Bằng chứng rõ nhất là hộ ông Dĩ, ông Lào... họ vừa trồng quýt nhưng cũng với kỹ thuật truyền thống, họ ươm cây, chiết cành để bán cây giống cho những người có nhu cầu. Điều người trồng đang lo lắng là từ trước đến nay, sau những lần bão, lũ tàn phá hay sâu bệnh, hầu như người dân chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các cấp chính quyền để họ khôi phục vườn cây.


Thu Nhập Ổn Định Nhờnuôi Thỏ Thu Nhập Ổn Định Nhờnuôi Thỏ Đeo Đuổi Cam Chanh Đeo Đuổi Cam Chanh