Mô hình kinh tế Mật Ong Vàng Lũng Núi

Mật Ong Vàng Lũng Núi

Ngày đăng 12/09/2013

Mật Ong Vàng Lũng Núi

Với lợi thế trên 54 ngàn ha đất rừng, người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Trong đó, nuôi ong lấy mật nhiều năm qua đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Với hình thức nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình, sản phẩm mật ong Vũ Quang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đây là tín hiệu vui trong quá trình thực hiện đề án sản xuất, xây dựng NTM của địa phương.

Là một trong những hộ dân “bén duyên” khá sớm với nghề nuôi ong, ông Đậu Khắc Mạnh từng được người dân xã Ân Phú xem là người bạn của ong rừng. Bắt đầu từ việc làm quen, nuôi nhỏ lẻ 1-2 đàn, đến nay, được dự án phát triển sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân do Quỹ Ford tài trợ, Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh triển khai thực hiện, gia đình ông đã có gần 20 đàn ong. Hàng năm, ông còn tách đàn và bán cho nhiều hộ trên địa bàn. Mỗi năm, ông thu hoạch 100 kg mật, 30 đàn ong giống xuất ra thị trường, thu nhập trên 40 triệu đồng.

Nhiều mô hình nuôi ong được nhân rộng tại một số xã khác trên địa bàn huyện. Đặc biệt, với nghề nuôi ong, các đối tượng như người tàn tật, phụ nữ đơn thân, đời sống khó khăn… giờ đây không những có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Thế Thức (xóm 8, xã Đức Bồng) cho biết: “Trước đây, sống phải dựa vào người khác, nay được tham gia các chương trình dự án nuôi ong, tôi đã tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Thật không có hạnh phúc nào hơn thế!”...

Đến nay, với 4.600 đàn ong tại 800 gia đình, mỗi năm, người dân Vũ Quang có thể thu về trên 9 tỷ đồng từ thu hoạch mật và bán ong giống. Tại nhiều địa phương như: Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Sơn Thọ và thị trấn Vũ Quang, nhiều hộ còn phát triển với quy mô lớn, đưa lại nguồn thu từ 30-100 triệu đồng. Xác định mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM, huyện Vũ Quang đã thành lập các HTX, CLB nuôi ong.

Từ đó, người nuôi hỗ trợ nhau về con giống, KHKT, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Đến nay, ngoài các CLB, toàn huyện đã thành lập được 6 HTX, 2 CLB nuôi ong với hàng trăm hộ tham gia.

Nói về chất lượng mật ong Vũ Quang, trong cuộc làm việc với huyện về xây dựng thương hiệu mật ong, Tiến sỹ Phùng Hữu Chính - nguyên Viện trưởng Viện nuôi ong (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Hiện nay, thương hiệu mật ong Vũ Quang đã được Cục Đo lường chất lượng kiểm nghiệm và cấp đăng ký nhãn mác, thực sự tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là một sản phẩm chất lượng có thể cạnh tranh tốt với thị trường mật ong trong cả nước.

Ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết thêm: Nghề nuôi ong đã mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho hàng trăm hộ dân địa phương, góp phần rất lớn trong việc thực hiện đề án phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Theo tính toán, trên địa bàn huyện Vũ Quang có thể phát triển và nuôi được hàng trăm ngàn đàn ong, tuy nhiên, đến nay, toàn huyện chưa đến 5.000 đàn. Con số này còn quá nhỏ so với tiềm năng, lợi thế của địa phương.


Xây Dựng Mô Hình Công Nghệ Chế Biến Phụ Phẩm Nông Nghiệp Làm Thức Ăn Cho Bò Xây Dựng Mô Hình Công Nghệ Chế Biến… Kiểm Dịch Thủy Sản Khó Khăn Từ Cơ Chế Kiểm Dịch Thủy Sản Khó Khăn Từ Cơ…