Mày mò tìm giải pháp nông nghiệp thông minh
“Chúng tôi mong muốn tạo nên các công cụ thiết thực, ứng dụng thiết bị di động góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí, và tăng hiệu quả cho nông dân”, tác giả của phần mềm hỗ trợ nông nghiệp, nói.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và những “cú huých” từ chính sách của tỉnh, Lâm Đồng đã và đang hình thành thế hệ nông dân kiểu mới, với đầy đủ thành phần, trình độ học vấn, chọn nghề nông lập nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã Thủy canh Việt (phường 9, TP Đà Lạt), đưa chúng tôi thăm trang trại của gia đình bên cung đường Mimosa, TP Đà Lạt. Trong khu nhà kính hiện đại, những luống cà chua đang thời kỳ trưởng thành, trĩu quả. Lâu lâu, lại thấy những công nhân quét dọn, lau chùi trên những lối đi trong vườn.
Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, anh Huy chỉ vào màn hình điện thoại và những thiết bị cảm biến, truyền tín hiệu trong vườn và cho biết: “Đây là những công nhân nông nghiệp của tôi. Giờ con người chỉ còn việc nhặt lá, chăm sóc cây, máy đưa ra cảnh báo thì mình dùng thuốc sinh học phù hợp và khâu thu hoạch, thậm chí lau vườn…”.
Khu vườn rộng trên 2ha của gia đình anh Nguyễn Định nằm ở phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng sử dụng những thiết bị, phần mềm thông minh cho trồng trọt. Tại đây, gia đình trồng các loại như cà chua, dưa hấu Pepino, rau ăn lá… và cũng kinh doanh mô hình du lịch canh nông.
Trong khu nhà kính công nghệ cao trồng cà chua, người nông dân 35 tuổi vừa đưa khách đi tham quan vừa dùng điện thoại vận hành hệ thống tưới cho cây trồng. Anh chia sẻ, từ ngày làm trang trại, gia đình đã chọn giải pháp tưới nhỏ giọt để đảm bảo năng suất cho cây. Mới đây, được bạn giới thiệu về quy trình tưới nước, bón phân, điều khiển hệ thống chăm bón bằng công nghệ hiện đại, gia đình anh quyết định bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư hệ thống.
“Hệ thống tưới tại vườn được kết nối với bộ xử lý số hóa trên phần mềm điện thoại. Do vậy, dù ở đâu mình cũng có thể điều khiển hệ thống tưới nước cho cây”, anh Nguyễn Định chia sẻ và cho biết thêm, việc tưới nước tiết kiệm rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Nếu tưới bằng việc cầm vòi phun trực tiếp vào cây trồng, người làm khó kiểm soát lượng nước đổ ra đất và thường gây xói mòn, rửa trôi nhiều chất dinh dưỡng trong đất.
Tại khu vườn gia đình anh Định, những ống nước nhỏ bằng ngón tay được đấu nối trực tiếp từ mạch chủ và chạy song song trên bề mặt từng luống đất. Đối với cà chua, anh tiếp tục đấu nối một loại ống nhỏ hơn đầu đũa và có kim găm để vào từng gốc. Lượng nước từ hệ thống chính sau khi được vận hành bằng công nghệ sẽ thẩm thấu đến bộ rễ giúp cây hấp thụ tối đa. Trong khi đó, những gốc dưa Pepino lại hấp thụ nguồn nước từ hệ thống nhỏ giọt ngay trên luống đất.
“Không phí phạm giọt nước nào và cây trồng có đủ lượng nước, khoáng chất để phát triển”, anh Nguyễn Định thổ lộ.
Từ năm 2004 đến nay, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đưa ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh về nền nông nghiệp địa phương.
“Kết quả trong thời gian qua, khẳng định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương đúng đắn về lý luận và thực tiễn. Có thể nói, nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này là “nghị quyết xanh”, tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Lâm Đồng”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến khẳng định.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 1.425 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, 173 hợp tác xã nông nghiệp và 945 trang trại. Diện tích canh tác hơn 278 nghìn ha; trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 53 nghìn ha, giá trị sản xuất bình quân hơn 340 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, rau công nghệ cao đạt từ 400 đến 500 triệu đồng, hoa đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao khoảng 250 triệu đồng…
“Chúng tôi nhìn thấy hình ảnh giải cứu khi được mùa mất giá, được lặp lại qua nhiều năm. Nông sản thực phẩm Việt Nam xuất khẩu bấp bênh, giá trị thấp, nhiều đoàn xe xếp hàng dài tại biên giới; niềm tin về vệ sinh an toàn thực phẩm giảm sút đối với nông sản chưa được truy xuất nguồn gốc, sản phẩm tốt xấu được bán lẫn lộn, làm tiêu hao động lực của người sản xuất nông sản sạch. Nhóm tác giả nhận định phải chăng mấu chốt nằm ở chỗ chưa minh bạch hóa, số hóa thành công ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Trường Sơn, tác giả ứng dụng Diagri (Digital - Agriculture) một ứng dụng smart-phone tiên phong trong lĩnh vực tạo giải pháp nông nghiệp thông minh, mở đầu câu chuyện với tôi.
“Trong cơ chế tự chủ sản xuất kinh doanh của từng hộ nông dân hiện nay, để số hóa thành công thì cần sự vào cuộc của chính các hộ nông dân đó.
Chúng tôi mong muốn tạo nên các công cụ thiết thực, ứng dụng thiết bị di động góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí, và tăng hiệu quả cho nông dân Việt Nam. Vì lợi ích của chính họ mà họ sẽ sử dụng công cụ và qua đó quá trình số hóa được bắt đầu”, ông Sơn nói.
Cụ thể Diagri mang lại quá trình số hóa thông qua việc lập kế hoạch mùa vụ theo qui trình các bước sản xuất, ghi nhật ký trên smart-phone một cách đơn giản, cập nhật chính xác hàm lượng, khối lượng phân bón và thuốc BVTV, thời gian cách ly trước thu hoạch.
Đồng thời kết nối internet vạn vật với các cộng cụ tưới tiết kiệm, hòa phân bón chính xác, theo dõi liên tục các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, pH, EC… qua đó được thu thập dữ liệu tự động để xuất hiện trên tem truy xuất nguồn gốc.
“Như vậy thôi vẫn chưa đủ, thương mại điện tử ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Chúng tôi đưa ra thị trường ứng dụng Siêu chợ 4.0: Kết nối người mua và người bán nông sản thực phẩm nhanh chóng, thuận tiện, truy vết lại được các sản phẩm đã giao dịch. Có cơ chế tìm kiếm thông minh, giám sát đơn hàng khi đã được xác nhận. Minh bạch về giá cả, thanh toán linh hoạt, tiết kiệm thời gian đi chợ, quản lý được chi tiêu cho thực phẩm hàng ngày, hàng tháng”, ông Sơn bộc bạch.
Tuy nhiên, vấn đề về nguồn gốc, xuất xứ chất lượng của sản phẩm luôn là nỗi lo của người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm nông sản làm ra không chứng minh được chất lượng khó có thể xuất khẩu hoặc bán cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn trên cả nước. Nhóm dự án giải pháp nông nghiệp thông minh đã có một giải pháp phân định rõ ràng giữa tem truy xuất nguồn gốc và nhãn sản phẩm điện tử.
Nhóm tác giả hy vọng, với việc tối ưu chuỗi giá trị nông sản, số hóa dần cơ sở dữ liệu nông nghiệp, một nền nông nghiệp thông minh sẽ hình thành và phát triển, giúp nông dân có những hoạch định tốt hơn trọng nuôi trồng, liên kết các hộ nông dân với nông trại, HTX, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản.
“Nói về tôi ngắn nhất, đơn giản nhất thôi”, ông Sơn nói với tôi như vậy. Tuy nhiên, khi nói về số hóa trong nông nghiệp, ông lại say sưa bày tỏ, chứng minh, biện luận để làm thế nào đưa được các giải pháp nông nghiệp thông minh vào thực tiễn, làm thay đổi căn bản tư duy sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Từng lăn lộn trong thương trường, chủ của nhiều công ty lớn, song, cách đây 5 năm, ông Nguyễn Trường Sơn, tác giả nhóm đề tài giải pháp nông nghiệp thông minh, nguyên Phó chủ tịch TW Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, buông bỏ hết, để quay về mày mò tìm những giải pháp trong phát triển nông nghiệp...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ