Mô hình kinh tế Mô Hình Nuôi Trâu Vỗ Béo Ở Dồm Cang (Sơn La)

Mô Hình Nuôi Trâu Vỗ Béo Ở Dồm Cang (Sơn La)

Ngày đăng 14/07/2014

Mô Hình Nuôi Trâu Vỗ Béo Ở Dồm Cang (Sơn La)

15 đến 20 triệu đồng mua một con trâu từ 1-2 năm tuổi. Sau 1 năm nuôi nhốt chuồng vỗ béo bán được 30-35 triệu đồng. Mô hình nuôi trâu vỗ béo của người dân xã Dồm Cang (Sốp Cộp - Sơn La) đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng làm giàu chính đáng cho người dân nơi đây.

Anh Lò Văn Ban, bản Nà Khá, người đầu tiên ở xã Dồm Cang thực hiện mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng, cho biết: Tôi nuôi trâu nhốt chuồng từ năm 2004. Hồi đó cả bản ít nhà nuôi trâu bò lắm, bởi đất canh tác của bản chủ yếu là nương rẫy, không có bãi chăn thả gia súc.

Một lần xem chương trình khuyến nông trên tivi giới thiệu về mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng đem lại hiểu quả kinh tế cao mà kỹ thuật nuôi cũng đơn giản, ít rủi ro. Tôi tìm hiểu thêm kỹ thuật và đến một số nơi học hỏi cách nuôi, cách xây dựng chuồng trại, cách phòng và trị bệnh cho trâu, bò...

Sau đó, gia đình tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng mua một con trâu 2 năm tuổi về nuôi. Sau một năm nuôi nhốt chuồng vỗ béo, bán ra được 35 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình tôi đã mua về vỗ béo và bán được 20 lứa trâu rồi.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng, nhiều gia đình ở xã Dồm Cang đã làm theo. Đến nay, đã có 12 bản của xã thực hiện mô hình này, cả xã hiện có 890 con trâu đang được các hộ nuôi vỗ béo.

Từ thực tiễn ở địa phương cho thấy, đây là mô hình phù hợp, vừa ổn định, bền vững lại cho hiệu quả cao, mở ra hướng làm giàu mới, thu nhập từ việc nuôi trâu vỗ béo chiếm tới 40% giá trị tổng thu nhập của một hộ trong năm.

Trao đổi thêm với ông Lò Văn Cường, cán bộ khuyến nông xã Dồm Cang, được biết: Kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo khá đơn giản, có thể nuôi bán chăn thả hoặc nhốt chuồng hoàn toàn (tùy vào điều kiện tự nhiên của từng nơi).

Chuồng để nuôi phải được dựng nơi cao ráo, thoáng mát. Hướng chuồng theo hướng Nam hoặc Đông Nam, diện tích nuôi trung bình 3-5m2/ con, cần trang bị máng ăn và máng uống nước, chuồng nuôi trâu không quá xa nhà để còn tiện kiểm tra và chăm sóc.

Thức ăn nuôi trâu vỗ béo chủ yếu là rau, cỏ voi trộn lẫn cám và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn... để trâu nhanh lớn. Thời điểm vỗ béo trâu tốt nhất là lúc từ 24 tháng tuổi. Bởi đây là lúc trâu sinh trưởng nhanh, bộ răng chắc khoẻ nên khả năng tiêu hoá và hấp thụ thức ăn tốt hơn, khả năng tích luỹ mỡ, thịt cũng cao hơn.

Sau 9 tháng đến 1 năm chăm sóc tốt, trọng lượng có thể tăng 50 - 70%. Bên cạnh đó, người nuôi cần chú ý định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi. Thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh. Đồng thời tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y...

Tới gia đình ông Tòng Văn Dũng, bản Men, một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi nhốt trâu vỗ béo.

Gia đình ông hiện có 7 con trâu nuôi nhốt chuồng. Trung bình đàn trâu được gia đình ông nuôi nhốt chuồng từ 6-9 tháng thì cho xuất bán. Mỗi năm từ việc nuôi trâu vỗ béo, gia đình ông thu lãi 140 triệu đồng. Ông cho biết: Việc nuôi nhốt trâu vỗ béo tại chuồng rất có lãi.

 Lãi nhiều hay ít tùy thuộc vào giống, vốn ban đầu bỏ ra và cách chăm sóc. Do vậy, để nuôi nhốt trâu đạt hiệu quả kinh tế, việc đầu tư giống và chăm sóc của người chăn nuôi cũng rất quan trọng. Đối với con giống khung to khỏe, tuổi đời non thì thời gian nuôi ít, lãi suất cao. Ngược lại con giống nhỏ, tuổi đời ngắn, thời gian cho xuất chuồng chậm nên lãi suất ít hơn.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng ở Dồm Cang đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bởi thực tế cho thấy số trâu nhốt chuồng còn tăng nhanh về trọng lượng nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng, bán được giá.

Tuy nhiên, do giá của một con trâu giống cao, một số hộ khó khăn không có điều kiện đầu tư về giống, vốn để phát triển. Trong khi, nguồn thức ăn còn khan hiếm, ít bãi chăn thả nên các hộ chủ yếu nuôi nhốt nhỏ lẻ, không có điều kiện thành lập trang trại nên chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương.

Do vậy, người dân Dồm Cang mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn vay từ Nhà nước để có điều kiện đầu tư, chăn nuôi với quy mô lớn, góp phần tăng thu nhập ổn định.


Hậu Giang Thiếu Nguồn Giống Gia Súc, Gia Cầm Tốt Cho Chăn Nuôi Hậu Giang Thiếu Nguồn Giống Gia Súc, Gia… Ô Nhiễm Môi Trường Từ Chất Thải Chăn Nuôi Ô Nhiễm Môi Trường Từ Chất Thải Chăn…