Cây mía Nâng cao năng suất mía và chữ đường ở ĐBSCL

Nâng cao năng suất mía và chữ đường ở ĐBSCL

Tác giả GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, ngày đăng 21/01/2022

Nâng cao năng suất mía và chữ đường ở ĐBSCL

ĐBSCL rất thích hợp cho cây mía nhờ khí hậu nhiệt đới, có nhiều nắng và nhiệt độ cao gần như quanh năm (trung bình 27 độ C).

Điều kiện tự nhiên của ĐBSCL rất thích hợp cho cây mía. Ảnh: TL.

Ngoài ra, gió bão gần như không đáng kể, nên có thể trồng thâm canh mía mà không sợ đổ ngã. Về đất, qua phân tích đất trồng mía cho thấy đất thuộc loại sét pha thịt giữ dưỡng chất tốt và có hàm lượng N, P, K từ trung bình đến cao. Đây là một lợi thế để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho ngành đường. Về nguồn nước, ĐBSCL nhiều sông rạch, có lợi thế về nguồn nước để thâm canh, rải vụ, vận chuyển, tiếp nhận phù sa, rửa độc chất… 

Về kinh nghiệm trồng mía, nghề trồng mía, ép đường ở ĐBSCL đã có từ lâu đời. Nông dân rất quen với cây mía và có nhiều kinh nghiệm trong canh tác, ham thích ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chữ đường.

Mặc dù mía đường ở ĐBSCL được xếp vào nhóm có năng suất cao, nhưng chữ đường lại khá thấp. Do đó, để nâng cao chữ đường và tăng năng suất đúng với tiềm năng của vùng, cần đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp sau:

Chọn tạo giống mía phù hợp: Hầu hết các giống mía hiện nay có chu kỳ sinh trưởng dài. Trong khi đó ĐBSCL đất thấp, có nơi trồng mía hàng năm bị ngập trong mùa mưa và có vùng bị nhiễm mặn vào mùa nắng nên phải thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Do phải thu hoạch sớm nên chữ đường thấp. Đây là vùng có nhiều lợi thế và cũng rất đặc thù nên cần có giống mía mới chịu úng, chịu mặn và chín sớm.

Sản xuất hom giống: Thực trạng mua hom giống ngọn trôi nổi (thân mía đã bán ép đường) không bảo đảm chất lượng, hom mía yếu, tốn nhiều hom, mía nảy mầm chậm làm kéo dài thời gian sinh trưởng, dễ nhiễm sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chữ đường. Để có hom giống tốt, người trồng mía cần tự sản xuất hom giống ở nơi có địa hình cao như bờ bao, liếp vườn…

Cơ giới hóa trong canh tác: Sử dụng cơ giới trong canh tác mía ở ĐBSCL hầu như còn quá xa lạ với người trồng mía, có thể nói còn thủ công 100%. Do vậy, công lao động chiếm khoảng 64% giá thành sản xuất. Sử dụng cơ giới không những giúp giảm chi phí mà còn cải thiện năng suất, chữ đường nhờ giải quyết kịp thời các khâu trong sản xuất, nhất là thu hoạch và vận chuyển mía nhanh đến nhà máy.

Bón phân cho mía: Mía là loại cây trồng hàng năm có năng suất sinh học thuộc loại cao trên 200 tấn/ha, do đó cũng đòi hỏi một lượng dinh dưỡng khá lớn cho cả chu kỳ sống. Trung bình để đạt 100 tấn/ha, cây mía lấy đi khoảng 120 kg N, 70 kg P2O5, 200 kg K2. Cây mía hấp thu các chất dinh dưỡng nhiều ở thời kỳ đầu và giảm dần theo độ tuổi.

Ở giai đoạn cây con và nhảy chồi, mía cần nhiều nhất là đạm; còn giai đoạn vươn lóng, mía cần nhiều nhất là kali rồi mới đến đạm và lân. Bón quá nhiều đạm chỉ tăng năng suất, song chữ đường giảm. Bón tăng kali làm tăng khả năng tích lũy đường, giảm sâu bệnh và đổ ngã, nhưng nếu bón quá nhiều sẽ giảm tỷ suất lợi nhuận.

Theo kết quả thí nghiệm bón phân của Công ty Mía đường CASUCO hợp tác với Công ty Phân bón Bình Điền, kỹ thuật bón phân sau đây đã làm tăng năng suất và chữ đường của mía:

Bón phân cải tạo đất: Đất được sử dụng để trồng mía ở ĐBSCL thường có pH thấp và có nơi bị nhiễm mặn nên bón lót phân Đầu Trâu Mặn - Phèn với liều lượng từ 200 – 300 kg/ha để giảm ngộ độc do mặn và phèn gây ra, đồng thời thúc đẩy bộ rễ khoẻ mạnh và tăng sức chống chịu của cây.

Bón phân nền: Bón 200 - 250 kg/ha phân chuyên dùng Đầu Trâu Đẻ Nhánh ở đáy hộc mía và phủ lên trên một lớp đất mỏng rồi đặt hom. Sau khi đặt hom có tủ rơm và tưới nước.

Bón phân thúc cho mía nhảy chồi (thúc 1): Bón từ 250 - 350 kg/ha phân chuyên dùng Đầu Trâu Đẻ Nhánh lúc mía được 1,5 – 2 tháng sau khi trồng để mía nhảy chồi, đảm bảo đủ mật độ 12 - 15 chồi/m2. Bón phân lúc này cần kết hợp với “vô chân ấm” để giảm chồi vô hiệu.

Bón phân thúc mía vươn lóng (thúc 2): Khoảng 4 - 5 tháng sau khi trồng, lúc mía đã nhảy chồi tối đa có trung bình 9 - 12 lá/chồi, bón 350 - 400 kg phân chuyên dùng Đầu Trâu Vươn Lóng. Bón phân kết hợp với “vô chân khỏa” giúp hạn chế đổ ngã, tăng chiều cao và chữ đường.

Lưu ý: Bón phân phải rạch hàng (có thể dùng máy hay dùng bò), rải phân và lấp đất để phân bón không bị thất thoát do mưa hay nắng bốc hơi.

Sau thu hoạch: Thu hoạch phải mía đúng độ chín, khi chữ đường ở phần ngọn thấp hơn phần gốc dưới 1 chữ. Cần phải vận chuyển thật nhanh đến nhà máy đường trong ngày, chậm 1 ngày đầu có thể mất 0,6 chữ đường. Ngoài ra còn những lý do làm giảm chữ đường như cây ngã, ngập nước, chừa ngọn quá dài…


Biện pháp hiệu quả tiêu diệt bọ cánh cứng hại mía Biện pháp hiệu quả tiêu diệt bọ cánh…