Mô hình kinh tế Người Nuôi Nghêu Ở Cà Mau Lại Lao Đao

Người Nuôi Nghêu Ở Cà Mau Lại Lao Đao

Ngày đăng 26/07/2014

Người Nuôi Nghêu Ở Cà Mau Lại Lao Đao

Sau khi được hợp nhất, hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu tưởng chừng sẽ trở thành điểm tựa cho người dân nghèo xứ bãi bồi cũng như người nghèo thập phương. Thế nhưng, sau một thời gian thả nuôi, mục tiêu ấy giờ đây không được hiện thực hoá khi giá nghêu giảm thê thảm.

Tình trạng giá nghêu thịt xuống thấp làm cho các xã viên HTX nuôi nghêu thương phẩm Đất Mũi lâm vào tình cảnh lao đao.

Vụ mùa 2013-2014, HTX thả nuôi trên 120 ha trên hơn 3.000 ha bãi bồi kéo dài từ kinh Ô Rô đến Rạch Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Với cương vị được bầu làm Giám đốc HTX nuôi nghêu Ðất Mũi, ông Lê Vũ Sánh là một trong số ít người mạnh dạn đầu tư phát triển con nghêu thương phẩm trên bãi bồi với vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng.

Ông Sánh chia sẻ: “HTX hoạt động nhằm cải thiện thu nhập, đời sống Nhân dân vùng bãi bồi, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không đất sản xuất tại địa phương.

Ðể đạt được mục tiêu này, một số thành viên đã tiên phong đi đầu thả nuôi để tạo niềm tin cho tất cả các xã viên còn lại. Thế nhưng, đến nay mục tiêu này khó đạt được do giá nghêu thương phẩm xuống quá thấp, chỉ còn không được nửa so với trước”.

Giá nghêu thịt xuống thấp, có lúc chưa đến 22.000 đồng/kg loại nhất, khiến nhiều thành viên của HTX lao đao. Ông Sánh là một trong những trường hợp phải bán xà lan để trả nợ.

Ông cho biết, không chỉ giá xuống thấp mà đầu ra không ổn định, có ngày chỉ bán được vài chục ký mà phải gởi đến tận TP Hồ Chí Minh. Với giá này, cộng thêm tiền tàu xe thì xem như chẳng còn đồng nào, mà đến kỳ chẳng lẽ bỏ, không thu hoạch?

Kể từ khi đi vào hoạt động ổn định, HTX không chỉ khoanh vùng nuôi nghêu thịt, được khai thác nghêu giống mà còn dự kiến tổ chức ương nghêu cám trở thành nghêu giống cung cấp cho thị trường, tạo thêm nhu nhập cho xã viên nghèo. Thế nhưng, kế hoạch này cũng xem như phá sản khi đến mùa có nghêu giống lượng người tập trung về đây khá đông.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết, mặc dù có sự phối hợp từ Sở NN&PTNT, các ban, ngành cấp tỉnh đến cơ sở nhưng trong mùa có nghêu giống, có ngày ở bãi bồi lên đến trên 400 phương tiện khai thác nghêu trái phép làm ảnh hưởng xấu công tác quản lý cũng như tình hình trật tự tại địa phương.

Về tình trạng người khai thác nghêu giống trái phép tập trung nơi bãi bồi không chỉ ảnh hưởng đến tình hình trật tự tại địa phương mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến vùng nuôi nghêu thịt của HTX.

Cũng là một trong những trường hợp bị lỗ trong vụ nuôi vừa qua, ông Út Việt (Nguyễn Quốc Việt) cho hay, tuy tình hình không còn “nóng” như trước đây nhưng thỉnh thoảng những người khai thác nghêu giống trái phép vẫn xâm phạm vào vùng nuôi của xã viên. Ðiều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất nghêu của xã viên.

Nghêu thịt mất giá, cùng thêm những tác động từ hoạt động khai thác nghêu giống trái phép trên bãi bồi khiến nhiều xã viên tiên phong nuôi nghêu lao đao. Ðiều đó đồng nghĩa với kế hoạch giảm nghèo cho cư dân vùng bãi bồi từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương đang đứng trước bờ vực phá sản nếu không có một giải pháp khả thi từ các cơ quan chức năng.


Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Đabacô Phát Huy Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Gà Ri Lai Đabacô Phát… Hà Tĩnh Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tại Xã Thạch Đỉnh Hà Tĩnh Thành Công Từ Mô Hình Nuôi…