Nhập Nhằng Phân, Thuốc Lúa Đẹp, Hạt Lép
Một số thương lái thua lỗ nặng khi mua phải lúa hàng hóa sử dụng sản phẩm phân bón "đẹp màu". Thực chất công dụng của sản phẩm này chỉ sử dụng cho rau màu nhưng nhiều nông dân phun trên cây lúa.
Lúa đẹp mã, chất lượng kém
Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân ấp Phú Thọ, xã Tân Phú, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) nói: "Hiện có rất nhiều sản phẩm phân bón phun trên lá bày bán ngoài thị trường. Nông dân chúng tôi rất rối trí khi chọn mua phân bón để phun cho cây trồng. Điển hình là các sản phẩm siêu ra hoa, đậu trái, hạ phèn, ra rễ nhanh, to hạt, đẹp màu.
Nếu nông dân mua sử dụng cho cây trồng thì sẽ thu được kết quả là... siêu tốn tiền. Công dụng của một số sản phẩm chỉ sử dụng cho rau màu nhưng nông dân phun cho lúa.
Kết quả hạt lúa rất sáng đẹp nhưng lúc thu hoạch hạt không no, có hiện tượng nứt vỏ trấu, làm gạo hư, lúa thu hoạch chỉ qua đêm bốc mùi chua, có chất nhớt. Do phân bón dạng nước quá hỗn loạn, nhà nông nghe đồn đại sản phẩm nào tốt thì liền tìm mua về sử dụng.
Tôi đã từng mua Lacasoto về định phun cho 3,5 ha lúa nhưng khi nghe thương lái phản ứng tình trạng chất lượng hạt lúa giảm, thế là bỏ toàn bộ".
Ông Trương Phước, nông dân ở tỉnh Vĩnh Long, từng làm cộng tác viên cho hơn chục Cty phân bón chia sẻ: "Thị trường phân bón dạng chai nước không sao kể hết và việc kinh doanh là do đạo đức nghề nghiệp của các đại lý.
Nhiều Cty SX, kinh doanh phân bón dạng nước vì lợi nhuận, nghĩ ra rất nhiều chiêu thức để móc túi nhà nông như: Bán hàng trực tiếp, thông qua các Chi hội Nông dân hoặc mượn danh nghĩa của Ban Nông nghiệp xã bán hàng theo hình thức hỗ trợ thực hiện mô hình, hội thảo.
Họ bán một lần... không quay trở lại. Nếu tiêu thụ thông qua hệ thống đại lý cấp 2 thì mức chiết khấu từ 30 - 40%. Nhãn hiệu hàng hóa thì Cty nhái gần giống nhãn hiệu của DN uy tín, giá bán thì đẩy lên gần với các sản phẩm chính hiệu để đánh lừa nhà nông".
Vị giám đốc một Cty phân bón lá đề nghị: "Ngành hữu quan cần có biện pháp thật quyết liệt và phải nghiêm minh trong việc xử lý những Cty SX hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi phát hiện cần thông tin rộng rãi lên báo, đài và phải áp dụng biện pháp truy nguyên nguồn gốc của lô hàng và buộc Cty phải bồi thường cho toàn bộ nông dân đã sử dụng phải lô hàng kém chất lượng căn cứ theo ngày SX".
Giám đốc một Cty phân bón lá nói: "Trên thị trường phân bón dạng nước hiện nay chỉ khoảng 20 Cty giữ được uy tín và chất lượng. Những Cty mới chưa có tên tuổi đi chào hàng thông qua các nhân viên thị trường thì làm ăn theo kiểu chộp giựt.
Việc đăng ký giấy phép kinh doanh quá đơn giản, lệ phí chỉ 500.000 đồng. Có nhiều ông giám đốc cùng một lúc có thể cầm trong tay vài giấy phép kinh doanh phân bón và khi đó sẽ có nhiều nhãn hiệu phân bón rởm đi theo.
Khi bị ngành chức năng phát hiện thì họ sẵn sàng bỏ giấy phép, bỏ nhãn hiệu. Nếu bị xử phạt, mức phạt tối đa 60 triệu đồng/mẫu thì chưa đủ sức răn đe. Chỉ cần trót lọt một lô hàng là họ thu lợi rất nhiều so với mức đóng phạt".
Chờ Thông tư
Bà Đặng Thị Hoàng Anh, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Vĩnh Long, nói: "Theo Nghị định mới về quản lý phân bón thì ngành nông nghiệp chỉ có quyền quản lý, kiểm tra phân hữu cơ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm Thanh tra Sở đã tiến hành lấy 7 mẫu tại các đại lý phân bón kiểm tra.
Kết quả đều đảm bảo chất lượng. Còn đối với lĩnh vực phân vô cơ, việc kiểm tra, thu thập mẫu thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Công thương".
Ông Nguyễn Thành Phước, Chánh Thanh tra Sở Công thương Vĩnh Long, cho biết: "Nghị định quản lý phân bón mới đã ban hành cuối năm 2013, theo đó phân vô cơ giao cho Thanh tra Sở Công thương quản lý.
Tuy nhiên, để thực hiện được Nghị định này thì Sở đang chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương. Chính vì lẽ đó mà từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở vẫn chưa thể tổ chức thực hiện được cuộc thanh, kiểm tra độc lập nào.
Mặt khác, lực lượng Thanh tra Sở từ trước đến nay chỉ có 3 người và tất cả không có nghiệp vụ về chuyên ngành quản lý phân vô cơ. Hiện tại, việc quản lý, thanh kiểm tra mặt hàng phân bón phải phối hợp với Chi cục Quản lý Thị trường thực hiện.
Giải pháp của tỉnh Vĩnh Long là đang sử dụng lực lượng liên ngành của Ban Chỉ đạo 389. Chỉ có lực lượng này mới được phép kiểm tra, lấy mẫu và xử phạt các cơ sở SX và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng".
Với việc phân cấp quản lý, phải chờ lộ trình thực hiện và từ nay đến ngày có Thông tư hướng dẫn thì thị trường phân bón vẫn còn lộn xộn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ