Nông Dân Toan Tính Cho Vụ Mùa Tết Bội Thu
Đến hẹn lại lên, khi bước vào những tháng cuối năm, nhiều nông dân trong tỉnh lại tất bật trồng, chăm sóc, xử lý nông sản phục vụ thị trường Tết với mong muốn được mùa, bội thu.
Cũng như mọi khi vào những tháng cuối năm là bà Tư Bông, ấp Mỹ, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành) lại tất bật xử lý vườn sa pô, vú sữa của mình để phục vụ thị trường Tết. Dù sa pô cho trái quanh năm, còn thời điểm Tết cũng là mùa vú sữa nhưng để những loại cây ăn trái này cho trái vừa to đẹp, vừa đạt năng suất để bán giá cao đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, xử lý tốt.
Bà Tư Bông cho biết, hiện nay 2 công sa pô của bà đang vào đợt thu hoạch rộ. Sau khi thu hoạch xong lứa sa pô này, bà sẽ bón phân để thúc lứa sa pô kế tiếp cho thu hoạch rộ đúng thời điểm Tết; đồng thời bảo đảm về năng suất và chất lượng. Bởi bên cạnh nhu cầu cao về số lượng, thị trường Tết có yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã.
Tuy nhiên, theo bà Tư Bông, sau đợt thu hoạch này, lượng trái trên cây còn không nhiều nên lượng sa pô cho vụ Tết năm nay ít hơn năm rồi. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở vườn bà mà nhiều vườn sa pô xung quanh cũng lưa thưa trái như thế. Trong khi đó, 1,5 công vú sữa của bà lại cho nhiều trái, dự kiến bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 11 âm lịch cho đến Tết.
Trở lại vùng trồng bưởi da xanh ở xã Long Khánh (TX. Cai Lậy), sau thời gian xử lý, chăm sóc, giờ đây những trái bưởi da xanh đón Tết đã đạt trọng lượng từ 1 - 1,2 kg/trái. Anh Nguyễn Quang Tiến, ấp Phú Hòa, xã Long Khánh cho biết, bưởi da xanh cho trái quanh năm nhưng nông dân thường xử lý để bưởi cho trái tập trung và thu hoạch vào đúng dịp Tết. Anh Tiến có 80 cây bưởi da xanh trồng từ 8 - 10 năm tuổi.
Mỗi năm, vườn bưởi da xanh của anh thu hoạch bán Tết khoảng 1 tấn. Tuy nhiên, năm nay lượng bưởi cho thu hoạch đúng dịp Tết không nhiều như mọi năm. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều vườn bưởi da xanh trong vùng. Nguyên nhân có thể do năm nay là năm nhuận cùng với thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất trái vụ Tết.
“Thị trường Tết đòi hỏi trái to và đẹp nên phải chăm sóc thật kỹ mới có thể bán được giá cao. Sau đợt thu hoạch này, tôi sẽ tăng lượng bón phân lân, kali và phân hữu cơ cho những cây bưởi trong vườn lên 2 tuần 1 lần để thúc lứa bưởi Tết này lớn nhanh. Năm rồi, vườn của tôi cho thu hoạch vụ Tết khoảng 1 tấn trái nhưng năm nay chắc khoảng 500 kg” - anh Tiến nói.
Vụ Tết là mùa thuận, cũng như thuận lợi cho việc trồng, xử lý đối với nhiều loại nông sản nên thị trường Tết khá dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại. Do nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết nên vụ Tết là cơ hội tốt cho nông sản bán được giá cao. Chính vì thế, nhiều năm nay, nhà vườn rất quan tâm trồng, chăm sóc, xử lý nông sản vụ Tết và xem đây là vụ chính của năm.
Nhiều nhất phải kể đến các loại trái cây thường dùng cúng trên bàn thờ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ước muốn cuộc sống trong năm mới đủ đầy, sung túc như: Quýt, bưởi, xoài, dưa hấu, khóm phụng, khóm son, mãng cầu... Trong đó, có nhiều nông sản để cho thu hoạch đúng Tết, nông dân phải xử lý, trồng từ nhiều tháng trước đó.
Cụ thể, để có những trái khóm phụng, khóm son khoe sắc trong dịp Tết, từ tháng 8 âm lịch, nông dân ở huyện Tân Phước, huyện Cái Bè đã xử lý bằng khí đá, rồi tập trung bón phân, chăm sóc hàng mấy tháng liền để cây có đủ sức cho ra những trái to đẹp, màu sắc sặc sỡ. Đối với bưởi, nông dân phải xử lý, chăm sóc từ tháng 4, tháng 5.
Còn hiện tại, nông dân trồng dưa hấu ở các địa phương trong tỉnh cũng đang tất bật chuẩn bị xuống giống vụ Tết. Nông dân huyện Tân Phú Đông cũng tất bật chăm sóc mãng cầu Xiêm đón Tết, góp phần làm cho thị trường cuối năm thêm phần náo nhiệt.
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, trên địa bàn huyện có rất nhiều nông sản được nông dân trồng, xử lý, chăm sóc vụ Tết như: Quýt, bưởi, xoài, mận, dưa hấu… Riêng bưởi có khoảng 1.000 ha, xoài 3.000 ha. Trong đó, bưởi đã được nông dân xử lý từ tháng 4, còn xoài đang trong quá trình ra hoa và cho trái. Trên địa bàn huyện còn có đu đủ vàng, khóm son, khóm phụng… bán Tết.
Hàng năm, nông dân Cái Bè xuống giống từ 200 - 300 ha dưa hấu vụ Tết. “Thông thường vụ Tết cũng là vụ thuận của nhiều loại nông sản, nhất là trái cây nên sản lượng tập trung cho vụ này rất lớn, ước chiếm khoảng 1/3 sản lượng trái cây cả năm.
Nhu cầu nông sản Tết tăng cao, nhất là trái cây dùng để chưng Tết nên giá thường khá cao, giúp nông dân có thu nhập để tiêu xài trong những ngày Tết. Chính vì thế, những năm qua, vụ mùa Tết trở nên hấp dẫn đối với nhiều nông dân” - ông Thanh cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, dù nhu cầu nông sản cho thị trường Tết rất lớn nhưng do việc trồng, chăm sóc, xử lý cây trồng cho nông sản phục vụ thị trường này ngày càng phổ biến, dẫn đến giá cả ngày càng trở nên khó đoán.
“Tết năm rồi, sa pô giá cao, vú sữa cũng không bị dội chợ nên thu nhập cũng khá. Còn bưởi da xanh trước đó giá cao ngất ngưỡng nhưng đến cận Tết lại bị “bể chợ”. Năm nay tình hình không biết sẽ thế nào?” - một số nông dân lo lắng.
Nguồn bài viết: http://baoapbac.vn/kinh-te/201411/nong-dan-toan-tinh-cho-vu-mua-tet-boi-thu-562408/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ