Mô hình kinh tế Nữ tiến sỹ kích thu nhập lên tiền tỷ cho nông dân nhờ dược liệu quý

Nữ tiến sỹ kích thu nhập lên tiền tỷ cho nông dân nhờ dược liệu quý

Tác giả Tuyết Nhung, ngày đăng 14/05/2019

Nữ tiến sỹ kích thu nhập lên tiền tỷ cho nông dân nhờ dược liệu quý

Sau 8 tháng nghiên cứu và thử nghiệm, TS Nguyễn Thị Thúy Hường đã thành công trong việc tối ưu bộ rễ và xây dựng được quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây ba kích tím nuôi cấy mô. Đây loại dược liệu quý với nhiều tác dụng như bổ thận âm, bổ thận dương, tăng cường gân cốt, khử phong thấp… mang lại thu nhập tiền tỷ cho người dân. 

TS Nguyễn Thị Thúy Hường chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất là thấy kết quả nghiên cứu khoa học-đứa con tinh thần - được áp dụng vào cuộc sống khỏe mạnh, phát triển”.

Khơi dậy vùng dược liệu tiền tỷ

Trước đây, trên các triền núi ở Ba Chẽ, cây ba kích tím mọc hoang rất nhiều. Đây là loại dược liệu quý với nhiều tác dụng như bổ thận âm, bổ thận dương, tăng cường gân cốt, khử phong thấp, chống loãng xương. Dịch chiết từ củ cây ba kích còn có tác dụng giảm huyết áp, tác dụng nhanh đối với các tuyến cơ năng, bổ trí não và đặc biệt là tăng cường sinh lý nam...

Trong một thời gian dài các thương lái đã thu mua củ ba kích với giá cao, người dân đua nhau đào để bán nên cây ba kích tím có nguy cơ tận diệt. Để giữ gìn và phát triển nguồn dược liệu quý này, UBND huyện Ba Chẽ, Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và phát triển vùng sản xuất nhằm tạo nguồn dược quý phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, các phương pháp giâm hom và nuôi cây mô mà tỉnh Quảng Ninh áp dụng không đem lại kết quả cao, không đáp ứng được nhu cầu mở rộng diện tích.

Vào thời điểm đó, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao nhiệm vụ nghiên cứu nuôi cấy mô ba kích tím Ba Chẽ cho TS Nguyễn Thị Thúy Hường.

Nhận nhiệm vụ, chị bắt đầu tìm hiểu về cây ba kích tím và quyết tâm tạo ra giống cây có năng suất, ra được nhiều rễ, chất lượng tốt và có khả năng trồng trên diện rộng. Sau khi có được giống cây, TS Hường tiến hành phân tích, định danh về hình thái, sinh học phân tử… Khi đã khẳng định đó là cây ba kích chuẩn, chị tiến hành nhân giống in vitro. Đây là phương pháp nhân giống hiện đại được thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Suốt 8 tháng nghiên cứu miệt mài trong phòng thí nghiệm và trồng thử nghiệm, chị đã thành công trong việc tối ưu bộ rễ và xây dựng được quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây ba kích nuôi cấy mô. Phương pháp này cho chất lượng cây đồng đều, sạch bệnh, khả năng thích nghi cao, vùng phân bố rộng, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt có khả năng cung cấp số lượng cây lớn.

TS Hường đã mang giống cây nuôi cấy mô của mình xuống và tư vấn chi tiết cho ông Lê Công Tiềm, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Toàn Dân, chi tiết cách trồng, chăm sóc để cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao. Nhờ đó, Viện Công nghệ sinh học đã “trúng thầu” dự án cung cấp giống cây ba kích tím cho HTX Toàn Dân.

TS Hường cho biết, nếu như trồng keo, 3,4 năm thu hoạch được khoảng 70 triệu/ha thì việc trồng thành công ba kích, với một hécta người dân có thể thu về tiền tỉ. “Đó là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc và mơ ước bấy lâu”, TS Hường chia sẻ.

Ông Lê Công Tiềm (thứ hai từ trái qua), Chủ nhiệm HTX Toàn Dân, thu hoạch cây ba kích tím 3 năm tuổi.

Ông Lê Công Tiềm cho biết, nhờ tối ưu được bộ rễ, với những quy trình chăm sóc tốt, sau 3 năm, mỗi gốc cây ba kích sẽ cho thu hoạch trung bình từ 1,5 -2 kg củ tươi. Mỗi hécta sẽ cho thu hoạch khoảng 40-50 tấn củ tươi với bán với giá từ 200.000 đồng/kg. Điều đó có nghĩa, chỉ cần đạt được 40 tấn củ tươi/héc ta, người dân có thể thu về được 8 tỷ đồng.

Đến nay HTX Toàn Dân đã trồng được gần 200 ha ba kích và hoàn toàn có thể chủ động trong việc huấn luyện cây nuôi cấy mô để cung cấp nguồn giống ba kích cho người dân. Hiện mô hình trồng cây ba kích tím của HTX Toàn Dân đang là một trong những mô hình kinh tế điển hình tại địa phương. Mô hình này không chỉ đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn thực hiện đúng chủ trương của huyện về phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

'Ba cùng' với người dân

Không phải là người đầu tiên nuôi cây mô cây ba kích nhưng TS Nguyễn Thị Thúy Hường, Viện Công nghệ sinh học, là người đã thành công khi đã tối ưu được bộ rễ, giúp giống cây quý hiếm này có thể trồng trên diện tích rộng, góp phần biến những vùng rừng núi thành những vùng dược liệu tiền tỷ.

Trước đây, người dân vốn quen với trồng cây lâm nghiệp như cây keo, trong khi với cây ba kích với kích thước rất nhỏ, khi đưa từ điều kiện vô trùng ra ngoài môi trường tự nhiên trồng phải tính toán cẩn thận. Do đó, TS Hường đã phải ăn, ngủ, làm cùng với người dân ở Ba Chẽ trong nhiều tháng. 

“Lúc bắt tay vào dự án, hàng tuần sau công việc ở cơ quan, cứ 10 rưỡi tối thứ sáu, tôi bắt xe từ Hà Nội về đến ngã ba Hải Lạng (huyện Tiên Yên) là gần 3h đêm. Từ ngã ba Hải Lạng, tôi bắt xe ôm một mình vào đến thị trấn Ba Chẽ. Đường rừng heo hút. Vào đến nơi khoảng 4 sáng, nghỉ 60 phút, 5 giờ tôi đi vào rừng làm cùng với người dân. Tối chủ nhật, 10 rưỡi đêm tôi lại từ ngã ba Hải Lạng trở về Hà Nội lúc trời rạng sáng”, chị bồi hồi nhớ lại.

TS Hường và đồng nghiệp trong một chuyến đi thực địa tìm hiểu về cây ba kích tím.

PGS. TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện công nghệ sinh học, cho rằng “phải là người nhiệt tình, chịu khó mới làm được việc đó”. Còn với chủ nhiệm HTX Toàn Dân, TS Hường là người tậm tân tận lực.

Trước khi hợp tác với Viện Công nghệ sinh học, HTX Toàn Dân đã tìm đến nhiều trung tâm nuôi cấy mô giống cây ba kích, đã trồng thử nghiệm nhiều lần nhưng đều không thành công. Vì kỹ thuật nuôi cấy mô của các đơn vị đó không cao, khi cây mô mang ra ngoài trồng thường bị cong, không thẳng, khi cấy vào bầu, cây không phát triển được. Cây sinh trưởng và phát triển trong rừng không được như mong muốn.

“Còn với cây mô của Viện Công nghệ sinh học, cây thẳng, cứng, bộ rễ khỏe để phát triển. Cây sinh trưởng, phát triển tốt ngoài thực địa, đặc biệt bộ rễ phát triển tốt, năng suất cao. Chưa đơn vị nào làm được như thế”, chủ nhiệm HTX Toàn Dân khẳng định.

Sau thành công ở Ba Chẽ, Viện Công nghệ sinh học đã kết hợp với các tỉnh như Hòa Bình, Quảng Nam, sắp tới đây là Lào Cai để nghiên cứu trồng cây Ba kích với số lượng lớn.


Dưa vàng, dưa lưới thu 1 tỷ đồng/năm Dưa vàng, dưa lưới thu 1 tỷ đồng/năm Thu tiền tỷ từ sản xuất giống nhuyễn thể Thu tiền tỷ từ sản xuất giống nhuyễn…