Tin nông nghiệp Nuôi gà lai lông màu tại vùng đặc biệt khó khăn

Nuôi gà lai lông màu tại vùng đặc biệt khó khăn

Tác giả Minh Tuấn, ngày đăng 31/10/2018

Nuôi gà lai lông màu tại vùng đặc biệt khó khăn

Qua khảo sát, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế xác định thực hiện mô hình nuôi gà lông màu thả vườn với quy mô nhỏ cho các hộ nghèo, cận nghèo là phù hợp để phát triển chăn nuôi lâu dài, tăng thêm thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Gà lai lông màu dễ nuôi, tỷ lệ sống cao

Trước đây người dân thôn Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) chăn nuôi gà bằng hình thức ấp nở tự nhiên, tự cung tự cấp con giống tại chỗ, do người nuôi chưa có kiến thức về phòng bệnh bằng vacxin và chăm sóc nuôi dưỡng nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế thực hiện mô hình nuôi gà lông màu thả vườn cho 26 hộ dân trong thôn, với quy mô nuôi 50 con/hộ, trong đó có 22 hộ nghèo và cận nghèo.

Thông qua mô hình, các hộ tham gia được trang bị kiến thức và kỹ năng chăn nuôi. Từ giống gà lai lông màu 1 ngày tuổi sau 3 tháng nuôi đã cho kết quả rất tốt. Tỷ lệ nuôi sống đến 90 ngày tuổi đạt 96,8%, trọng lượng bình quân gần 1,7kg/con, cho thu nhập gần 1,7 triệu đồng/50 con gà.

Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông còn hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng chăn nuôi và phòng bệnh cho gà nên người dân đã chủ động sử dụng được các loại vacxin, thuốc thú y theo quy trình, nâng cao được tỷ lệ nuôi sống so với trước đây.

Theo đánh giá của Trung tâm, gà lai lông màu dễ nuôi, có thể tận dụng thức ăn sẳn có như lúa gạo, ốc, tép… sẵn có tại địa phương nên có khả năng nhân rộng nhanh; đối với vùng đặc biệt khó khăn này việc thực hiện mô hình là hết sức thiết thực.

Theo Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 27 xã thuộc 4 huyện là các xã thuộc đối tượng này. Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế xác định, thực hiện mô hình nuôi gà lông màu thả vườn với quy mô nhỏ ở các vùng khó khăn là phù hợp. Đề nghị các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ để tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình trong thời gian tới.


Hấp dẫn mô hình xoài cát hồng ghép xoài Đài Loan, thu nhập gấp đôi Hấp dẫn mô hình xoài cát hồng ghép… Nuôi cá Chép ruộng – hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp ở Hoàng Su Phì Nuôi cá Chép ruộng – hướng đi hiệu…