Nuôi cá Chép ruộng – hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp ở Hoàng Su Phì
Nuôi cá Chép trên những chân ruộng bậc thang đã có truyền thống lâu đời ở Hoàng Su Phì. Những năm gần đây, việc nuôi cá Chép ruộng có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng gần 18 tấn/năm; nhiều hộ nuôi đạt 200 kg/vụ; một số xã có sản lượng cá Chép ruộng lớn như Bản Luốc, Nậm Khòa, Nam Sơn, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Dịch... Nuôi cá Chép trên ruộng bậc thang đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập và giảm nghèo cho nông dân.
Gia đình ông Lù Văn Sinh, thôn Cốc My Thượng, xã Pố Lồ thu hoạch cá Chép ruộng.
Theo anh Bùi Phúc Đức, Phó phòng Nông nghiệp Hoàng Su Phì: Toàn huyện có 3.570 ha ruộng bậc thang; diện tích có nước thường xuyên khoảng 500 ha, nhưng chỉ có 255 ha cấy lúa vụ Xuân, còn lại nhân dân để nước trong ruộng không gieo cấy, như vậy rất lãng phí. Ngoài ra, 12 xã của huyện được cấp Giấy chứng nhận danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang nên việc xây dựng Phương án “Nuôi và phát triển cá Chép ruộng bậc thang thành hàng hóa” rất cần thiết nhằm phát huy lợi thế sẵn có gắn phát triển du lịch. Đồng thời, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi thâm canh cá Chép ruộng, từng bước chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh, đưa cá Chép ruộng trở thành sản phẩm hàng hóa.
Theo đó, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng Mô hình nuôi cá Chép ruộng theo hướng hàng hóa gắn phát triển kinh tế hộ, tạo ra giá trị thu nhập ổn định; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản. Phấn đấu tới năm 2020, tạo thành vùng nuôi cá Chép ruộng hàng hóa với sản lượng 20 tấn/năm tại các xã vùng di sản danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang và các xã có truyền thống nuôi cá Chép ruộng. Thực hiện mục tiêu trên, huyện hỗ trợ cá giống một lần vào năm đầu cho các hộ thực hiện mô hình với định mức 2 triệu đồng/hộ, diện tích tối thiểu đạt 1 nghìn m2 ruộng; 2 triệu đồng/hộ để làm ao nuôi với diện tích tối thiểu 300 m2.
Anh Đức cho biết thêm: Với tổng chi phí gần 6,5 triệu đồng/vụ, người nuôi cá Chép ruộng sẽ thu về hơn 11 triệu đồng/0,1 ha/vụ. Ông Lù Văn Sinh, thôn Cốc My Thượng, xã Pố Lồ tâm sự: Vụ cá Chép ruộng này, gia đình tôi thả 4 kg giống từ tháng 2.2018, thu về khoảng 70 kg cá, bán được 7 triệu đồng; tới đây, tôi tiếp tục nuôi cá Chép ruộng nhằm tăng thêm thu nhập.
Ông Hù Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Pố Lồ cho biết: Phương án “Nuôi và phát triển cá Chép ruộng bậc thang thành hàng hóa” đã thực sự phát huy hiệu quả. Mô hình nuôi cá, lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển: Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa; người dân bón phân cho lúa sẽ bổ sung thức ăn cho cá, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Cá nuôi trong ruộng lúa chất lượng thịt thơm ngon, béo ngậy, bán được giá.
Với trên 3 nghìn ha ruộng bậc thang, tiềm năng phát triển cá Chép ruộng ở Hoàng Su Phì rất lớn. Nếu thực hiện tốt phương án, cá Chép ruộng sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu đặc trưng của Hoàng Su Phì và tạo điểm nhấn thu hút du khách đến mảnh đất của những thửa ruộng bậc thang…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ