Mô hình kinh tế Phấn Khởi Trên Cánh Đồng 1 Phải, 6 Giảm

Phấn Khởi Trên Cánh Đồng 1 Phải, 6 Giảm

Ngày đăng 29/04/2014

Phấn Khởi Trên Cánh Đồng 1 Phải, 6 Giảm

Vào vụ thứ 5 thực hiện “1 phải, 6 giảm” (áp dụng “1 phải, 5 giảm” kết hợp giảm phát thải khí nhà kính) trên ruộng nếp, nông dân ấp Phú Thượng, xã Phú Thành (Phú Tân - An Giang) đã thực sự vững tâm và hoàn toàn tin tưởng kết quả mô hình đem lại.

Khởi đầu từ vụ hè thu năm 2013, 20 nông dân tham gia thực hiện mô hình điểm “1 phải, 6 giảm” và 20 hộ áp dụng lan tỏa trên tổng diện tích 16 héc-ta. Đến vụ đông xuân này, ấp Phú Thượng đã có 100 hộ tham gia, với diện tích 130 héc-ta. Năng suất và lợi nhuận sơ kết qua từng vụ chính là kết quả thuyết phục nhất thúc đẩy bà con chủ động áp dụng mô hình mới.

Ông Trần Văn Tài, Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã (HTX) Phú Thượng phấn khởi: “Ban đầu còn bỡ ngỡ khi nghe nhiều kỹ thuật khác hẳn tập quán canh tác cũ nên nhiều nông dân tỏ ra ái ngại, chưa dám áp dụng hoàn toàn theo quy trình. Đến khi so sánh giữa mô hình chuẩn và ruộng đối chứng, sau mỗi vụ lại có nhiều hộ tham gia hơn.

Ngoài những hộ có diện tích được chọn thí điểm, còn có hàng chục hộ áp dụng lan tỏa. Vụ hè thu tới, ấp có 159 hộ đăng ký tiếp tục thực hiện “1 phải, 6 giảm” trên diện tích 286 héc-ta”.

Một trong những ưu điểm bà con tâm đắc nhất ở mô hình là kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ. Theo tập quán, nông dân bơm nước vào ruộng từ 5 – 10 cm thì áp dụng mô hình mới chỉ cần bơm ở mức 3 cm. Sau 3 ngày nước được xả bỏ, chờ mặt ruộng khô -17 đến -18 cm mới tiếp tục bơm nước trở lại như cũ.

Kỹ thuật này giúp cây nếp cứng cáp, không bị đổ ngã, đồng thời tiết kiệm được lượng nước khá lớn (khoảng 7.000 m3/héc-ta). Ngoài ra, kết quả đo khí thải trên ruộng còn cho thấy mô hình thí nghiệm chỉ còn 3 tấn khí thải, giảm được 4 tấn so với ruộng đối chứng. Nông dân Lê Văn Vũ chia sẻ: “Trước đây làm theo tập quán cũ, nếp bị đổ ngã nhiều lắm.

Nhờ làm theo kỹ thuật “1 phải, 6 giảm” mà cây nếp phát triển khỏe, trổ bông chất lượng, ưng bụng nhất là máy kỹ thuật sạ thưa, cân đối nước, giảm phân… giúp tiết kiệm nhiều khoản chi phí nên lợi nhuận cuối vụ cũng tăng cao hơn”.

Cánh đồng tại ấp Phú Thượng vừa thu hoạch xong vụ đông xuân, với năng suất 11 tấn/héc-ta, cao hơn ruộng thường từ 1 đến 2 tấn, tiết kiệm chi phí 1 triệu đồng/héc-ta và lợi nhuận từ 2,5 – 3 triệu đồng. Theo ông Trần Văn Tài, trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ được chia theo tổ và có sự theo dõi rất sát sao.

Mỗi mùa vụ họp 7 lần, nông dân sẽ trực tiếp ra đồng ghi nhật ký các chỉ tiêu phát triển của cây nếp, tham gia đóng góp ý kiến và trao đổi với kỹ thuật viên. Sau đó, nông dân còn được cử đi tập huấn để nắm vững kiến thức.

Kết hợp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và giảm phát khí thải nhà kính, mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Quỹ bảo vệ môi trường (EDF) triển khai còn hỗ trợ từ 2 – 3 triệu đồng/hộ cho chi phí giống, phân, thuốc; hộ áp dụng lan tỏa là 50% giống xác nhận.

Chủ nhiệm HTX Phú Thượng Lê Văn Tài cho rằng, biện pháp hỗ trợ trên cũng là một trong những yếu tố tích cực thu hút nông dân tham gia vào mô hình. Vì vậy, để nhân rộng “1 phải, 6 giảm” trong thời gian tới, khi dự án đã kết thúc, ngành Nông nghiệp cũng cần xem xét để có chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho nông dân, khuyến khích ngày càng có nhiều hộ tham gia làm theo.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành Nguyễn Sấm Phước cũng bày tỏ mong muốn nông dân sẽ mở rộng diện tích áp dụng để tăng năng suất và lợi nhuận trên cây nếp, thông qua học hỏi, trao đổi kỹ thuật trên các mô hình thí nghiệm.

Toàn xã có 1.736 héc-ta đất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất nếp. Vụ hè thu tới, với số lượng nông dân tham gia đông hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để khẳng định thêm hiệu quả của mô hình.

“1 phải, 6 giảm” là mô hình kết hợp giữa kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1 phải: sử dụng giống xác nhận; 5 giảm: Lượng hạt giống, phân đạm bón thừa, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nước tưới, tổn thất sau thu hoạch) + kỹ thuật trồng lúa giảm phát khí thải nhà kính.

Mô hình giúp nông dân cải tiến việc quản lý các số liệu theo dõi mực nước, sinh trưởng, nông học và sâu bệnh trên ruộng lúa thí điểm tại nông hộ. Bên cạnh đó, nông dân còn có thể tự hạch toán chi phí sản xuất (lợi nhuận thu được/vụ) để có điều chỉnh quy trình canh tác nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm ô nhiễm môi trường và tăng thêm thu nhập.


Giá Lúa Bấp Bênh, Nhiều Nông Dân Chuyển Sang Trồng Nếp Giá Lúa Bấp Bênh, Nhiều Nông Dân Chuyển… Bắc Hà (Lào Cai) Trồng Thử Nghiệm 3 Ha Cây Sơn Tra Bắc Hà (Lào Cai) Trồng Thử Nghiệm 3…