Phập Phồng Chuyện Phá Mía Nuôi Tôm
Thị trấn Long Phú được xem là một trong ba địa bàn có diện tích trồng mía lớn của huyện Long Phú (Sóc Trăng) với hơn 200 ha… Nhưng cả cánh đồng mía bạt ngàn ngày nào giờ chỉ còn thưa thớt vài mảnh ruộng mía nằm đan xen với những ao tôm rộng lớn. Trên ruộng mía vừa thu hoạch, cũng được chủ nhân của nó thuê cơ giới đào xúc lên chuyển sang nuôi tôm…
Tiếng máy xúc, tiếng xành xạch của dàn quạt ôxy của ao tôm làm rộn vang cả cánh đồng như báo hiệu cho sự thoái trào của cây mía.
Ông Phạm Văn Trung hướng dẫn người lái máy xúc đất đào ao chuẩn bị nuôi tôm trên diện tích đất trồng mía vừa thu hoạch xong. Ảnh: X. Trường
Thay vì trồng lại vụ mới như mọi năm nhưng ngay sau thu hoạch mía, ông Phạm Văn Trung ngụ ấp 2, thị trấn Long Phú đưa cơ giới vào để đào ao nuôi tôm. Ông Trung chân tình nói: "Hơn 30 năm nay, tôi chỉ chuyên canh cây mía 1 vụ/năm, tính ra thu nhập cũng khá ổn định nhờ mía có giá. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây giá mía thấp, năng suất giảm nếu không bị lỗ thì cũng chỉ huề vốn chứ không có lời. Vì vậy, tôi và bà con trong xóm quyết định phá mía, đào ao để nuôi tôm vì hiện nay tôm rất có giá". Ông Trung đã chuyển 5 công mía để sang nuôi tôm thẻ.
Vì theo ông, loại thủy sản này có thời gian nuôi ngắn, bán được giá cao, nếu thành công, chỉ cần một năm nuôi tôm thẻ, ông sẽ có tiền tỉ, không chỉ vài chục triệu như cây mía. Bà Phạm Thị Thương cùng ngụ ấp 2 cũng đã đào xong ao nuôi tôm 3.000m2. Hiện ao này đang được cải tạo qua Tết thả tôm. Rất tự tin với sự chuyển hướng làm ăn này, bà Thương, bộc bạch: "Tôi có 20 công đất trồng mía hơn 20 năm. Vậy mà cũng chỉ đủ ăn, chứ không dư dả gì.
Năm nay, giá mía xuống quá thấp nên khi bán xong lại tiếp tục bị lỗ, trong khi xung quanh mọi người nuôi tôm đều trúng lớn, lời to. Bởi vậy, tôi quyết định bỏ ra hơn 20 triệu đồng để đào 3 công đất mía thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Giờ ao nuôi đã sẵn sàng nếu nuôi tôm thuận lợi sẽ cải thiện cuộc sống, kinh tế gia đình ổn định hơn". Minh chứng cho việc cải tạo vườn mía kém hiệu quả chuyển sang nuôi tôm mang lại đời sống khấm khá là gia đình chú Nguyễn Văn Mỹ ấp 2, thị trấn Long Phú.
Chú Mỹ chia sẻ: "Gần 5 năm chuyển từ cây mía sang đào ao nuôi tôm, thất bại thành công từ việc nuôi loài thủy sản này tôi đều trải qua. Riêng năm 2012 và 2013 tôi đều trúng lớn, thu về bạc tỉ. Nói đâu xa, mới tháng trước, tôi thu hoạch con thẻ chân trắng với diện tích mặt nước ao nuôi 3.000m2 được gần 700 triệu đồng. Thường tôi nuôi tôm 3 vụ/năm, nếu thuận lợi có thể thu lãi trên 2 tỉ đồng, nhiều hơn gấp mấy chục lần làm mía".
Hiện nay, rất nhiều hộ dân trồng mía bị thua lỗ đều muốn đào ao nuôi tôm. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để nuôi loài thủy sản này vì chi phí cải tạo ao, con giống, thức ăn khá cao... Ngay cả ông Phạm Văn Trung và bà Phạm Thị Thương đều tỏ ra lo lắng về vấn đề điện. Bởi muốn có điện 3 pha để phục vụ nuôi tôm, người dân phải tự bỏ tiền đầu tư với chi phí rất lớn; trong khi diện tích của các hộ chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, nuôi chỉ mang tính thăm dò…
Vì vậy, các hộ đều mong muốn được ngành chức năng xem xét đầu tư lưới điện 3 pha để họ có điều kiện chuyển đổi sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú - Nguyễn Thanh Hồng, cho biết: "Tổng diện tích trồng mía của 3 xã ven đường Nam Sông Hậu (Long Đức, Long Phú và thị trấn Long Phú) là 633ha đã tiếp tục giảm xuống còn 500ha. Theo định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, huyện quy hoạch diện tích nuôi tôm là 300ha đối với 3 địa phương trên. Hiện tại khu vực này có 68ha nuôi tôm và số đào mới năm 2013 là 18ha.
Dự định đầu năm 2014 sẽ có 96ha tôm được thả nuôi trên địa bàn 3 xã này. Để đảm bảo vụ nuôi tôm của bà con đạt kết quả Phòng Nông nghiệp khuyến cáo bà con vừa nuôi tôm thẻ chân trắng vừa nuôi tôm sú, xuống giống đúng lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo. Thời gian tới Phòng Nông nghiệp sẽ phối hợp với Điện lực Long Phú mở điện 3 pha phục vụ cho người nuôi tôm trong khu vực".
Khó khăn về nguồn điện là một thực tế đối với những vùng nuôi tôm mở mới của huyện Long Phú sẽ được giải quyết. Nhưng còn những khó khăn khác mà người nuôi vẫn chưa thể lường trước hết được: khan hiếm nguồn con giống đạt chất lượng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ và cả tay nghề, kỹ thuật nuôi… Đây mới thật sự là những nỗi lo, là bài toán khó không riêng gì ở những vùng nuôi tôm mới…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ