Phát triển kinh tế biển bền vững trước biến đổi khí hậu
Ảnh hưởng biến đổi khí hậu
Theo nhiều tham luận khoa học liên quan đến Bình Thuận, diễn biến khí hậu ở tỉnh cực Nam Trung bộ (tỉnh ta nằm trong số này) ngày càng phức tạp. Trong vòng nửa thế kỷ qua, cứ 10 năm nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 0,1- 0,2 độ C; số ngày nhiệt độ trên 35 độ C có xu hướng tăng dần. Nhất là trong mùa khô vừa qua, nhiều ngày nắng nóng lên tới 37- 38 độ C. Bão, áp thấp nhiệt đới tăng cả về cường độ, tần suất; bão trung bình tăng 0,31 cơn/năm; xu thế dao động mực nước biển dâng hàng năm 3,1mm (riêng đảo Phú Quý dâng 3,6mm); độ cao mực nước (biển, hồ, sông, suối…) dâng khi có bão lớn khoảng 80 cm.
Con số thống kê 20 năm trở lại đây, đã có trên 20 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Bình Thuận, gây thiệt hại nặng nề kinh tế, xã hội của tỉnh. Hơn 10 năm qua (2002 - 2014), thiên tai đã gây thiệt hại cho tỉnh trên 1.000 tỷ đồng. Theo tính toán của hai sở chức năng (Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & PTNT), lượng mưa tăng, thay đổi đột ngột nồng độ muối làm chết nhiều loài sò, điệp, tôm. Nước biển dâng, xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn, như nuôi cá mú lồng bè, tôm thẻ chân trắng ven biển; vùng tập trung nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các huyện Hàm Tân, Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh. Chỉ riêng vài năm gần đây, bão lũ cuốn trôi hơn 7.800 con gia súc, gia cầm; diện tích ao hồ nuôi tôm, cá bị ngập vỡ gần 150 ha; trên 42.000 ha cây trồng các loại nhiễm sâu bệnh. Mưa bão cũng làm đường giao thông hư hỏng, phải sửa chữa trên 70 tỷ đồng. Cùng với bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán do tác động BĐKH đã ảnh hưởng nhiều mặt đời sống của người dân ven biển, đảo, vùng nông thôn, miền núi…
Giải pháp ứng phó
Do vùng ven biển thường “tổn thương” nhiều, các nhà khoa học kiến nghị Bình Thuận triển khai giải pháp “bảo vệ đầy đủ”, bao gồm tôn cao hoàn toàn tất cả các tuyến đê, tăng cường công tác bảo vệ bờ biển, ngăn chặn xâm nhập mặn; bơm hút nước, nâng nền móng công trình giao thông, công nghiệp, khu dân cư. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì hội nghị cho hay: Những năm qua, thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Trung ương, Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 07, toàn tỉnh đã xúc tiến đầu tư xây dựng một số tuyến kè dọc theo các bãi biển xung yếu thường bị sạt lở, như kè ở xã Phước Thể, thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), kè Hàm Tiến, Đức Long (TP. Phan Thiết), kè Phước Lộc (TX. La Gi)…
Trên lĩnh vực thủy sản, ứng dụng giải pháp xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá như xây dựng khu neo đậu: ở xã Tam Thanh đảo Phú Quý đảm bảo 1.000 chiếc, phường Phú Hài - Phan Thiết, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi thả các loài thủy sản, hình thành Quỹ Bảo hiểm thủy sản phòng chống rủi ro bất ngờ. Toàn tỉnh đã thành lập 5 nghiệp đoàn nghề cá, 400 tổ thuyền đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 2.540 thuyền/17.200 ngư dân tham gia. Gần đây, các ngành chức năng của tỉnh tháo gỡ khó khăn hỗ trợ ngư dân vay vốn dài hạn 10 năm, ưu đãi lãi suất theo Nghị định 67 của Chính phủ. Các mô hình đánh bắt xa bờ kết hợp dịch vụ hậu cần trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày càng được phát huy nhân rộng. Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo tiếp tục được đầu tư nâng cấp; du lịch ven bờ phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế biển chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong khuôn khổ ứng phó BĐKH, ở lĩnh vực tài nguyên nước, Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng, quy hoạch hợp lý các hồ chứa nước, nâng cấp công trình kênh mương điều tiết nước; phối kết hợp thông tin dự báo, chế độ thủy văn, dòng chảy trên các sông, đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa nước. Trước đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Mai Kiều đề nghị thêm giải pháp: “Với hệ thống các hồ thủy lợi lớn, nhỏ đã tích trữ nước trải dài trên địa bàn tỉnh, cần được Trung ương hỗ trợ đầu tư nối mạng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; vừa đảm bảo tưới tiêu nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt, vừa điều tiết lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh trồng rừng, tái tạo rừng để giữ nước ngầm; bảo vệ và trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, phát triển rừng sản xuất, hạn chế tác hại lũ lụt”.
Về phía nhà khoa học thuộc các viện, trường đại học cho biết, tỉnh cần xúc tiến đề nghị Chính phủ, bộ ngành liên quan xem xét có chính sách hỗ trợ để thực hiện, áp dụng dự án “Tăng cường năng lực quốc gia ứng phó với BĐKH tại Bình Thuận”, trong đó có các giải pháp phát triển kinh tế biển vùng đất liền, đảo Phú Quý- đã được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội chuyển giao. Đồng thời UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung trong quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với BĐKH phức tạp hiện nay. Tỉnh cũng cần huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tài trợ trong và ngoài nước phát triển kinh tế biển, hợp tác thực hiện các dự án thích ứng, phòng ngừa tác động của BĐKH cho tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ