Tin thủy sản Phòng, trị bệnh cá nheo Mỹ

Phòng, trị bệnh cá nheo Mỹ

Tác giả Ban KHKT, ngày đăng 16/10/2020

Phòng, trị bệnh cá nheo Mỹ

Hỏi: Cá nheo có hiện tượng xuất huyết gốc vây, hậu môn. Mổ khám cá chết thì thấy gan, thận có hiện tượng xuất huyết, tụ máu và hoại tử. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Nguyễn Thành Tâm, xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)

Trả lời:

Theo mô tả, cá nheo có thể đã bị bệnh do vi khuẩn Aeromonas veronii gây ra. Đây được xem là tác nhân gây bệnh mới trên cá nheo. Bệnh gây ra tỷ lệ chết rất cao, lên đến 40 – 100%, ở cả các mô hình nuôi lồng và nuôi ao đất. Để phòng bệnh, người nuôi áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tránh thả quá dày, kết hợp định kỳ khử trùng nước ao, nếu nuôi lồng cần định kỳ vệ sinh lồng, diệt mầm bệnh xung quanh lồng, kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả. Bổ sung Vitamin C, dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi. Cần để ý quan sát những biểu hiện bất thường của cá để phát hiện sớm bệnh. Khi thấy cá có dấu hiệu bị bệnh cần gửi mẫu đi kiểm tra để có phương án xử lý kịp thời.

Khi phát hiện cá bị bệnh cần tiến hành vớt cá chết ngay, khử trùng tiêu độc nguồn cá này để tránh lây lan. Khử trùng nước ao nuôi, lồng nuôi, cho cá ăn kháng sinh Florphenicol (15 mg/kg cá), trong 5 – 7 ngày. Sau khi điều trị kháng sinh 2 ngày bổ sung chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa của cá và ao nuôi. Lưu ý vi khuẩn này có thể gây bệnh cho các loài cá khác, vì vậy cần kiểm soát quá trình lấy nước vào, ra ao và kiểm soát tránh lây lan mầm bệnh sang các ao khác và các vùng nuôi xung quanh.

Hỏi: Biện pháp phòng trị bệnh do vi khuẩn Edwardsiella trên cá nheo? (Nguyễn Thanh Thảo, xã Nhân Huệ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Cá nheo bị nhiễm bệnh do vi khuẩn Edwardsiella có triệu chứng như xuất hiện những vết thương nhỏ trên da (phía mặt lưng), đường kính khoảng 3 – 5 mm, những vết thương này sẽ phát triển thành những khối u rỗng bên trong cơ, da bị mất sắc tố. Khi phát hiện trong ao có bệnh, cá chết cần vớt ra càng sớm càng tốt; không vứt bừa bãi ra sông, trên mặt đất, mà phải chôn vào hố cách ly có rải vôi bột để tiệt trùng. Để điều trị bệnh, có thể sử dụng kháng sinh: Florphenicol hoặc Doxycycline lượng 3 – 5 g/100 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 7 ngày. Bên cạnh đó, bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá với lượng 2 – 3 g/100 kg cá/ngày, ăn liên tục 5 ngày. Thuốc được trộn vào thức ăn viên có chất kết dính. Trong quá trình nuôi, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Nên chọn con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Dụng cụ thường sử dụng như lưới, vợt, sọt, ống dây phải được sát trùng bằng Chlorine liều lượng 10 – 15 g/m3 trong 30 phút, rửa nước sạch và phơi khô sau khi sử dụng. Thức ăn cần được nấu chín hoặc sử dụng thức ăn viên. Bên cạnh đó, người nuôi nên bổ sung thêm lượng Vitamin C cho vào thức ăn trước mùa bệnh…


Tại sao hoạt động sản xuất tôm quy mô nhỏ, nuôi tôm trong bể lại gia tăng? Tại sao hoạt động sản xuất tôm quy… Ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống cá trắm đen Ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống…