Mô hình kinh tế Quan sát màu nước đánh giá chất lượng dinh dưỡng

Quan sát màu nước đánh giá chất lượng dinh dưỡng

Ngày đăng 19/10/2015

Quan sát màu nước đánh giá chất lượng dinh dưỡng

Có thể nói chưa bao giờ nuôi trồng thủy sản lại chứng tỏ được giá trị và tiềm năng to lớn về kinh tế trong nền nông nghiệp Việt Nam như hiện nay.

Với bất cứ quy mô nào, từ nuôi thâm canh với hình thức trang trại hay xen canh, quảng canh với hình thức hộ gia đình thì nuôi thủy sản vẫn mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích.

Điều này hoàn toàn đúng với câu nói “muốn giàu nuôi cá” được ông cha ta truyền miệng từ bao đời nay.

Tuy nhiên, lợi nhuận lớn cũng đồng nghĩa với rủi ro cao, đặc biệt là trong hoàn cảnh nghề nuôi thủy sản của nước ta chưa thật sự đạt tới trình độ tiên tiến và hiện đại.

Các hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân là chính.

Việc đầu tư để mua sắm các trang thiết bị như các bộ kit kiểm tra môi trường hay kính hiển vi được một số người nuôi xem như là một khoản chi phí không cần thiết.

Chất lượng nước sẽ được đánh giá chủ yếu bằng cách quan sát màu nước trong ao nuôi, đây là một biện pháp đơn giản, dễ thực hiện.

Tuy nhiên, nếu không có kiến thức đầy đủ về màu nước trong ao nuôi thủy sản, người nuôi cũng sẽ dễ bị nhầm lẫn và đánh giá không đúng về hiện trạng chất lượng nước.

Trên thực tế, nước trong ao nuôi thường có màu do sự xuất hiện của các hợp chất hữu cơ hòa tan hay không hòa tan, hay do sự phát triển của tảo

. Có thể chia màu nước là 2 dạng, màu thực và màu giả. Màu thực của nước là màu do các hợp chất hòa tan trong nước gây ra, màu giả là màu của các hợp chất không hòa tan.

Trong nuôi thủy sản ta chú ý đến màu giả của nước nhiều hơn, vì qua đó có thể đánh giá sơ bộ môi trường nước đó giàu hay nghèo dinh dưỡng. Trong ao nuôi thường có các màu sau:

+ Nước màu xanh nhạt (đọt chuối non): Màu xanh nhạt do sự phát triển của tảo lục (chlorophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ nhạt (dưới 10 phần nghìn).

Đây cũng là màu nước thích hợp nhất để nuôi thủy sản, tảo lục ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, còn có tác dụng ổn định các yếu tố thủy lý hóa trong ao, hấp thu các chất hữu cơ thông qua đó làm giảm lượng khí độc trong ao.

Người nuôi nên cố gắng duy trì màu nước xanh nhạt, như vậy các loài thủy sản sẽ phát triển tốt hơn.

+ Nước màu xanh đậm (xanh rêu): Nước có màu xanh đậm là do sự phát triển của tảo lam (Cyanophyta), loài tảo này phát triển mạnh cả trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn.

Nếu nước trong ao nuôi có màu này thì cần có biện pháp làm giảm lượng tảo, vì đây là loại tảo không tốt cho các loài thủy sản. Hơn nữa, nếu tảo lam phát triển quá mức có thể tiết ra chất độc làm chết cá.

Bên cạnh đó, còn có thể gây thiếu oxy về đêm do tảo hô hấp quá mức.

+ Màu vàng nâu (màu nước trà): Nước có màu vàng nâu do sự phát triển của tảo silic (Bacillariophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh ở môi trường nước lợ, mặn vào đầu vụ nuôi.

Đây là màu nước thích hợp nhất để nuôi các loài thủy sản nước lợ, mặn.

+ Màu vàng cam (màu gỉ sắt): Màu này thường xuất hiện ở các ao nuôi mới đào trên vùng đất phèn.

Màu cam là do đất phèn tiềm tàng (FeS2) bị oxy hóa tạo thành các váng sắt.

Đối với ao có màu nước vàng cam cần có biện pháp khử phèn trước khi thả nuôi, có thể sử dụng vôi nông nghiệp hay bơm, xả nước nhiều lần để rửa trôi lượng phèn trong ao.

Đối với các ao đang nuôi thì cần rải thêm vôi trên bờ ao để tránh hiện tượng pH giảm đột ngột khi trời mưa.

+ Màu đỏ gạch (màu đất đỏ): Nước có nhiều phù sa do đất cát bị xói mòn từ vùng thượng nguồn được dòng nước mang đến vùng hạ lưu.

Trong ao nuôi thủy sản ít khi có màu nước như vậy, tuy nhiên vùng ĐBSCL hay gặp nước đỏ gạch trên các con kênh, sông khi chuẩn bị sắp có lũ về.

Người nuôi cần lưu ý không nên cấp nước vào ao lúc này, vì lượng phù sa nhiều sẽ làm tôm, cá khó hô hấp và giảm khả năng bắt mồi.

Tốt nhất là nên cấp nước vào ao lắng trước khi cung cấp cho các ao đang nuôi.

+ Màu nâu đen: Nước có màu nâu đen do trong nước có chứa nhiều vật chất hữu cơ.

Màu nước này thường thấy ở các ao nuôi có hệ thống cấp, thoát nước không tốt, trong quá trình nuôi không quản lý tốt môi trường, cho ăn dư thừa nhiều sẽ dể làm nước ao nuôi có màu nâu đen. Trường hợp này hàm lượng oxy hòa tan rất thấp, vì vậy cần có biện pháp xử lý ngay.

Có thể thay nước nhiều lần đến khi hết màu nâu đen, hoặc kết hợp sử dụng thêm các loại chế phẩm sinh học, hóa chất có thể hấp thu khí độc.

Bên cạnh đó, nếu thấy tôm, cá có hiện tượng thiếu oxy cần sử dụng quạt đảo nước hoặc các loại hóa chất cung cấp oxy tức thời, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Quan sát màu nước trong ao nuôi là phương pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao.

Nếu người nuôi có đầy đủ kiến thức về các loại màu nước sẽ có thể đánh giá chính xác được hiện trạng chất lượng nước.

Thông qua đó sẽ có những biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tôm, cá sinh trưởng và phát triển.

Có như vậy, chi phí đầu vào sẽ giảm thấp, lợi nhuận từ việc nuôi thủy sản cũng sẽ tăng lên đáng kể.


Nuôi tôm nước tĩnh cải thiện môi trường, hiệu quả cao Nuôi tôm nước tĩnh cải thiện môi trường,… Sản lượng thủy sản tăng 20% so cùng kỳ Sản lượng thủy sản tăng 20% so cùng…