Mô hình kinh tế Quy Hoạch Và Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè

Quy Hoạch Và Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè

Ngày đăng 04/10/2012

Quy Hoạch Và Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè

Những mùa thu hoạch cá lồng bè đã từng mang về cho ngư dân Long Sơn (TP.Vũng Tàu) hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng nay đã trở thành chuyện dĩ vãng. Vài năm trở lại đây, người nuôi cá lồng bè liên tục bị trắng tay bởi nuôi con gì chết con nấy!. 
CÁ, TÔM CHẾT HÀNG LOẠT

Ngồi trên chiếc xuồng máy, đi dọc con sông Chà Và, chúng tôi cảm nhận sự yên ắng khác thường. Hàng chục bè nuôi cá của ngư dân bỏ hoang. Hỏi ra mới biết đó là những lồng bè nuôi cá của các hộ mới bị thiệt hại do cá chết hàng loạt cách đây hơn nửa tháng. Anh Phạm Công Toàn, cán bộ phụ thủy sản của xã Long Sơn cho biết, vụ này có 5 hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại, với số cá chết hơn 14.000 con, sản lượng khoảng 14 tấn, tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. “Nhìn cá mới được mấy tháng tuổi chết trắng bè, mình cũng thấy ngao ngán, xót xa chứ đừng nói chi người nuôi”, anh Phạm Công Toàn tâm sự. 
“Cá chết sạch, chết một cách nhanh chóng chỉ trong vòng 10 - 15 phút, khiến chúng tôi không kịp trở tay”, anh Lê Văn Cường, một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại với chúng tôi. Anh vẫn chưa nguôi cảm giác xót xa của “cái ngày tồi tệ” đã cướp đi của anh 600 triệu đồng và đẩy anh vào cảnh túng bấn. Lần đó, anh dốc hết vốn thả nuôi 7 lồng cá bớp với hơn 4.000 con giống. Ngày nào cũng bỏ cơm bỏ nước ra canh chừng cá, vậy mà cá mới đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con thì bỗng dưng chết sạch. 
Đây là lần thứ 2 trong năm nay xảy ra tình trạng cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và và sông Rạng chết hàng loạt, khiến ngư dân hết sức hoang mang. Vụ thiệt hại lớn nhất là hồi đầu tháng 6-2012, với 240 lồng cá của 11 hộ bị chết trắng, sản lượng thiệt hại hơn 112 tấn cá, chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá bớp, cá chim, cá chẽm, cá mú, tôm kẹt… Cầm danh sách các hộ bị thiệt hại trên tay, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy con số tổng thiệt hại lên tới 17 tỷ đồng.

Bị tổn thất nặng nề nhất trong đợt này là hộ ông Trần Văn Hoàng (thôn 2), với hơn 40 tấn cá, trị giá hơn 8 tỷ đồng; hộ ông Lý Bửu Hồi cũng thiệt hại gần 3 tỷ đồng, các hộ khác hộ thấp nhất cũng 300 triệu đồng. “Cả mấy chục tấn cá chết trong vòng chưa đầy 2 ngày, chưa bao giờ ngư dân Long Sơn chúng tôi lại đắng lòng như mấy năm nay, nhiều hộ đã phá sản và nợ như “chúa chổm”, bà Lê Thị Kim Cúc (ở thôn 2) cay đắng nói. 
Theo thông tin từ UBND xã Long Sơn, hầu hết các hộ nuôi thủy sản đều phải vay vốn ngân hàng và vay bên ngoài để đầu tư, hộ vay ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, nhiều nhất lên tới cả tỷ đồng. 
TIẾNG KÊU CỨU BÊN SÔNG

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2008 trở lại đây, cứ “đến hẹn lại lên” vào mùa mưa, khoảng từ tháng 8 đến tháng 11, ở xã Long Sơn năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, năm thiệt hại thấp nhất hơn 1 tỷ đồng, mức độ thiệt hại năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, trong năm 2012 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cá chết hàng loạt chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng.

Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi lâu năm, hiện tượng cá chết nhanh và hàng loạt trong một thời gian ngắn như các vụ vừa qua chỉ có thể là do ô nhiễm nguồn nước. Bởi đầu nguồn các con sông là hàng chục nhà máy, cơ sở chế biến hải sản (thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành) đang hoạt động và xả nước thải ra môi trường. Vào mùa mưa, lượng nước mưa chảy về hạ nguồn lớn cũng là dịp các cơ sở này lợi dụng để tăng cường xả thải nước độc ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cá, tôm nuôi trên sông của ngư dân bị chết. 
Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cũng cho biết: “Việc khai thác cát quá mức, mà không ai quản lý, kiểm soát ở khu vực hạ nguồn con sông Chà Và của các đơn vị khai thác cát cũng là nguyên nhân khiến cho môi trường nước bị xáo trộn nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi trồng thủy sản của bà con”. 
Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước và kiểm tra khác của các cơ quan chức năng cho thấy, tất cả các mẫu đều âm tính với bệnh hoại tử thần kinh, loại bệnh gây hiện tượng chết nhiều ở thủy sản nuôi. Các mẫu nước được xét nghiệm đều có hàm lượng COD, Cu, H2S, Mn vượt ngưỡng gấp nhiều lần so với mức cho phép, riêng hàm lượng Cu trong một số mẫu nước vượt đến 200 lần đối với tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản ven bờ. 
Theo thống kê, hiện có khoảng 23 cơ sở chế biến thủy sản tập trung ở Tân Hải, trong đó nhiều cơ sở trước đây đã bị cảnh sát môi trường bắt quả tang và lập biên bản về hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Được biết, đến nay hầu hết các cơ sở này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn xả thẳng ra môi trường. 
Trước sự việc trên, bà con nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn đã làm đơn “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng để được can thiệp, hỗ trợ. Và lần nào các ngành chức năng cũng vào cuộc tiến hành xét nghiệm mẫu nước, đồng thời kết luận nguồn nước bị ô nhiễm, với nhiều chỉ tiêu về môi trường vượt qua ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở đó và chưa có biện pháp giải quyết thích đáng để bồi thường thiệt hại cho ngư dân cũng như trả lại môi trường nước trong lành cho dòng sông. Nhiều chuyên gia e ngại rằng, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay, trong tương lai không xa các dòng sông nơi khu vực cửa biển này sẽ trở thành dòng sông “chết” và không thể nuôi trồng bất cứ loại thủy, hải sản nào, lúc đó nghề nuôi cá bè ở Long Sơn sẽ có nguy cơ biến mất. 
“Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, rất mong các cơ quan chức năng, cảnh sát môi trường của tỉnh có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các nhà máy chế biến hải sản xả nước thải ra môi trường chưa qua xử lý ở khu vực này. Đồng thời, kiến nghị UBND TP. Vũng Tàu, UBND tỉnh hỗ trợ một phần vốn cho bà con ngư dân để mua con giống và đề nghị các ngân hàng khoanh nợ cho bà con để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này” - Ông Võ Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Long Sơn.


Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Việc Nuôi, Chế Biến, Tiêu Thụ Cá Tra Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Việc… Nhân Rộng Mô Hình Trồng Tiêu Trên Cây Trụ Sống Ở Ia Hrú (Gia Lai) Nhân Rộng Mô Hình Trồng Tiêu Trên Cây…