Quy trình nuôi cá kèo
I. Giới thiệu
Cá kèo có hình dạng thon dài, tăng trưởng tương đối nhanh, khi chưa đến giai đoạn thành thục, cá thường có chiều dài nhỏ hơn 20,7cm.
Ở Việt Nam, nghề nuôi cá nước lợ, mặn đang có xu hướng phát triển khá mạnh.
Bên cạnh các đối tượng nuôi phổ biến thì cá kèo được nhiều người quan tâm khai thác và nuôi trồng, góp phần đa dạng hóa loài và mô hình nuôi, nâng cao và ổn định năng suất, tạo thu nhập cho nông hộ ở ĐBSCL.
Hiện cá kèo chưa sinh sản nhân tạo được, nguồn giống được khai thác chủ yếu là đánh bắt tự nhiên, số lượng và chất lượng không ổn định.
Đây là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến năng suất nuôi.
II. Kỹ thuật nuôi
1.Điều kiện ao ương, nuôi
Ao sử dụng để ương và nuôi cá kèo thương phẩm có thể sử dụng từ ao đất thông thường hay ao nuôi tôm sú dưới dạng bán hay thâm canh (chỉ dùng nuôi một vụ tôm).
Ao phải có bờ ao chắc chắn, khi khai thác làm ao ương nuôi cá kèo, ao không bị rò rỉ nước vì cá sẽ thất thoát và dễ làm thay đổi môi trường ao ương, nuôi.
Độ mặn trong ao dao động từ 5-20%.
Phải kiểm soát và hạn chế tối đa điều kiện môi trường nước ao ương nuôi bị ngọt hoá, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng và bệnh do các loài ngoại ký sinh nhiễm ở cá kèo trong ao ương nuôi.
Nền đáy ao có thể là bùn hay bùn cát, ao phải gần kênh rạch có thể nâng và hạ mực nước để tiện cho việc thu hoạch cá sau này.
2. Hoạt động cải tạo ao nuôi
Công việc đầu tiên là phải dọn dẹp tất cả cây cỏ thuỷ sinh trong ao và bờ ao, sau đó tát cạn, bắt và diệt tạp, cá dữ (rô phi, chẽm, rắn, đẻn…) còn trong ao.
Đây là khâu kỹ thuật rất quan trọng góp phần nâng cao tỷ lệ sống và năng suất cá.
Trường hợp ao vẫn còn lớp bùn đáy khá dầy (>30 cm), cần sên vét lớp bùn đáy còn khoảng 5-10 cm.
Riêng đối với ao sử dụng từ ao nuôi tôm sú bán hay thâm canh, có thể người nuôi không cần phải sên vét lớp bùn đáy, vấn đề còn lại là phải diệt tạp, diệt cá dữ hiện diện trong ao.
Trường hợp ao ương, nuôi không có tạp, nền đáy ao được phơi khô và cày xới một lớp đất mặt mỏng ở đáy ao, sau đó bón lót thêm phân vô cơ (DAP) với liều lượng dao động từ 200-300 gram/100 m2 ao để gây nuôi thức ăn tự nhiên ban đầu (các loài phiêu sinh động, thực vật và động vật đáy) cho cá con.
Bón vôi bột CaCO3 nhằm hạ phèn, diệt mầm bệnh cho ao cá ương với liều lượng dao động từ 10-15 kg/100 m2, sau đó phơi khô ao ương nuôi từ 3-5 ngày.
Cá kèo rất nhạy cảm, nếu nhiệt độ trong ao quá cao sẽ làm cho cá dễ căng thẳng và thường lẩn trốn dưới hang.
Cấp nước vào ao ương thông qua lưới lọc và duy trì mức nước ban đầu trong ao dao động từ 3-15 cm.
Nhìn chung sự điều tiết mức nước trong ao ương nuôi cao hay thấp tuỳ thuộc vào giai đoạn phát triển của cá kèo.
Điều này có thể hiểu là khi cá kèo nuôi lớn dần sau 10-15 ngày thả, lúc bấy giờ mực nước trong ao cần phải được điều chỉnh tăng dần lên 20-30 cm và sau 1 tháng ương, mức nước trong ao có thể đạt từ 30-40 cm.
Cứ thế, mỗi tháng định kỳ châm nước vào ao nuôi 1-2 lần cho đến khi gần thu hoạch, mực nước trong ao nuôi từ 1-1,2 m.
Đây là nội dung rất quan trọng, thực tế cho thấy nó ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống, sự thành công hay thất bại trong quá trình ương cá kèo.
3. Thời vụ nuôi
Do nguồn giống phụ thuộc vào sự đánh bắt tự nhiên nên mùa vụ nuôi cá kèo phụ thuộc rất lớn vào mùa cá giống.
Thông thường, cá giống xuất hiện từ tháng 3-7 (từ 5-9 âm lịch) nên mùa vụ nuôi của cá kèo cũng tập trung vào những tháng đó.
4. Chọn giống
Qua khảo sát thực tế thấy rằng, tỷ lệ sống của cá kèo phần lớn là do con giống quyết định.
Sự sây xát trong quá trình đánh bắt và sự lẫn lộn với cá tạp là những nguyên nhân làm cho tỷ lệ sống của cá trong tháng đầu rất thấp.
Để khắc phục hiện tượng trên, có hai cách để chọn con giống trong khi nuôi: Chọn con giống có kích thước lớn 1.7-2.5 cm để nuôi hoặc thực hiện quy trình ương cá để cho cá lớn cỡ 1.7-2.5 cm rồi mới thả.
5. Mật độ
Mật độ cá thả ương trong vèo dao động từ 500-1.000 con/m2.
Cá bột trước khi thả phải được thuần và luyện với thời gian từ 15-30 phút, nhằm tạo điều kiện môi trường giữa trong bao vận chuyển và ngoài ao nuôi được cân bằng, sau đó nhẹ nhàng thả cá ra ao ương.
Cần thiết, thời gian thả cá ương vào ao nên chọn lúc trời mát (7h30 – 9h giờ sáng hay 4h – 4h30 chiều) là tốt nhất.
Với cá giống có kích thước lớn hơn 1,7 cm, con giống có chiều dài dao động từ 2-3 hay từ 3-5 cm/con (một số người nuôi mua cá giống lớn nhưng chi phí giống sẽ cao), thông thường mật độ được nuôi có thể dao động từ 30-60 con/m2.
Trong điều kiện hệ thống ao nuôi chuẩn bị tốt, việc cấp và thoát nước được thực hiện chủ động dễ dàng, thức ăn đầy đủ, nông hộ có thể thả nuôi với mật độ dao động từ 80-100 con/m2.
6. Chăm sóc và quản lý hệ thống ao ương
Thức ăn cho cá trong tháng đầu
Thức ăn cho giai đoạn ương ban đầu (10 ngày – 1 tháng tuổi) có hàm lượng protein dao động từ 28 – 32%.
Khẩu phần ăn dao động từ 8 – 30% trọng lượng thân/ngày, phân chia thành các giai đoạn cho ăn như sau.
– Giai đoạn 10 ngày đầu: 20 – 30% trọng lượng thân/ngày. – Giai đoạn ngày thứ 11 – 20: 10 – 20% trọng lượng thân/ngày. – Giai đoạn ngày thứ 21 – 30: 8 – 10% trọng lượng thân/ngày.
Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi và cho ăn theo tỷ lệ trên.
Mỗi ngày cho cá ăn 2 – 4 lần.
Định kỳ bón phân bổ sung 10 – 12 ngày/lần, liều lượng dao động từ 10 – 20 kg phân hữu cơ/100 m2 (phân heo sau khi ủ).
Đối với phân vô cơ (DAP) liều lượng phân bón bổ sung có thể dao dộng từ 150 – 200 gr/100 m2.
Thức ăn cho cá trong các tháng tiếp theo
Trong quá trình nuôi, bên cạnh lượng thức ăn tự nhiên như thực vật phiêu sinh, các loài rong tảo dạng sợi sống bám, mùn bã hữu cơ… thức ăn viên công nghiệp, thức ăn tự chế biến từ cám thô và bột cá có hàm lượng đạm trong thức ăn dao động từ 18 – 25% được sử dụng để cung cấp cho hệ thống nuôi với khẩu phần ăn dao động bình quân trong quá trình nuôi từ 5 – 7%/trọng lượng cá nuôi/ngày, thời gian cho ăn ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng (7 – 8 giờ) và lúc chiều mát (16 – 17 giờ).
Trong trường hợp người nuôi sử dụng viên thức ăn công nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cá kèo ở giai đoạn nuôi tăng trưởng thương phẩm, bên cạnh thức ăn cũng phải đảm bảo hàm lượng đạm dao động từ 18 – 25% thì người nuôi rất cần lưu ý đến kích cỡ viên thức ăn sao cho vừa với kích thước miệng của cá kèo nhằm giúp cá kèo sử dụng thức ăn viên với hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, việc bón phân hữu cơ hay vô cơ bổ sung theo chế độ định kỳ 10 – 12 ngày/lần, liều lượng 10 – 20 kg phân hữu cơ/100 m2 hay 150 – 200 gram/100 m2 (DAP) cũng phải được nghiêm túc thực hiện.
7. Chất lượng nước trong ao
Định kỳ kiểm tra và quản lý một số chỉ tiêu về chất lượng nước:
– Nhiệt độ từ 20-30 độ C – Độ mặn từ 20-30%o, tốt nhất là 10-25%o. – pH từ 7-9, tốt nhất 7-8,5 – Oxy hòa tan > 4 mg/l, không dưới 2 mg/l – Màu nước: Màu xanh lục, xanh vỏ đậu. – Độ trong 20-30 cm – Nitrate (NO2-) < 1 mg/l – Ammonia NH3 < 0,2 mg/l – TP P-PO43- < 3 mg/l.
8. Thu hoạch cá kèo
Đến ngày thu hoạch, ta làm một cái lú (theo từ địa phương) gắn vào ống bọng, mở nắp bọng cho nước ra vào, cá kèo sẽ theo dòng nước mà vào lú, ta chỉ việc canh khoảng 2-3 giờ là giở lú lên bắt cá.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ