Khoai tây Quy trình quản lý tổng hợp trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh đã được phục tráng

Quy trình quản lý tổng hợp trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh đã được phục tráng

Tác giả Trịnh văn Mỵ, Ngô Thị Huệ, Nguyễn Văn Toán, Đặng Nông Giang và CTV, ngày đăng 24/09/2016

Quy trình quản lý tổng hợp trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh đã được phục tráng

II. Nội dung quy trình

1. Tiêu chuẩn và chuẩn bị củ giống

Củ giống phải sạch bệnh được sản xuất trong nhà màn nhà lưới từ cây invitro, củ giống có kích thước >10 gam/củ.

Giống được bảo quản trong kho lạnh nhiệt độ tiêu chuẩn 4oC, thời hạn bảo quản 5- 9 tháng, không được bảo quản quá thời hạn trên sẽ làm giảm sức sống của củ giống.

Củ giống có độ đồng đều cao, không có vết thương cơ giới hay do bị sâu hại gây nên được chọn từ nguồn cây trong nhà lưới sạch bệnh (cấp giống siêu nguyên chủng theo tiêu chuẩn ngành: 10 TCN 316-2003) đảm bảo độ thuần giống 100%, các loại bệnh virus nguy hiểm (X, S, M) 0%, Virus tổng số 0,2%, bệnh héo xanh 0%, không nhiễm bệnh mốc sương.

Giống trước khi trồng 15-20 ngày được đưa ra khỏi kho lạnh theo quy trình bảo quản giống để củ giống mọc mầm cho đều, độ dài mầm 0,7 -1,0 cm là thích hợp. Loại bỏ những củ giống không mầm hoặc mầm tóc, củ giống cứng, rắn do bị bệnh hoặc do biến đổi trong quá trình bảo quản lạnh.

2. Yêu cầu về ruộng nhân giống

Ruộng nhân giống trước khi trồng được làm sạch cỏ dại, không có cây trồng khác trên ruộng đặc biệt là cây thuộc họ cà (trước đó 6 tháng). Ruộng sản xuất giống tốt nhất được luân canh với lúa nước. Chọn chân đất vàn cao, độ phì đất cao, tơi xốp (trên đất thịt nhẹ pha cát), thuận lợi tưới tiêu. Ruộng nhân giống phải được cách ly để tránh sự lây lan của sâu bệnh hại của vùng sản xuất khoai tây đại trà.

3. Thời vụ

Có thể bố trí thời vụ trồng từ 1 tháng 11 đến 15 tháng 12, thời vụ thích hợp nhất trồng xung quanh 15 tháng 11. Tùy theo diễn biến thời tiết để bố trí thời vụ cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

4.  Chuẩn bị và làm đất

Đất được cày đảm bảo độ sâu 15 -20 cm, cày và phơi đất được 20- 30 ngày là tốt nhất, tạo cho đất khô thoáng, sau đó bừa kỹ đảm bảo đất nhỏ, tơi xốp, độ ẩm đất trước trồng thích hợp 80% (đất không dính quốc trong khi trồng)

5. Lên luống và rạch hàng

Luống trồng thích hợp cho nhân giống nên rộng 1,2 m, sau khi lên luống mặt luống rộng 0,8 m, để lại rãnh rộng 40 cm (chung cho 2 luống liền nhau).

Rạch hàng trồng là tốt nhất (thuận lợi cho bón phân đều), lấy mép trong giữa hai hàng để rạch hàng (hàng x hàng = 30 cm), độ sâu của rãnh trồng 15 cm.

6. Phân bón và cách bón

  Lượng phân bón theo bảng sau:

Loại phân bón

1 Ha

1 sào (360 m2)

Phân chuồng mục

 25 tấn

900 kg

Đạm Ure

260 kg

9,5 kg

Lân supe

600 kg

20 kg

Kaly sulphat

200 kg

 7 kg

 

+ Cách bón:

-  Bón lót: toàn bộ phân chuồng và lân supe, 1/3 đạm

-  Bón thúc lần 1: Sau cây mọc 15-20 cm: 1/3 đạm và 1/2 kaly

-  Bón thúc lần 2: Sau lần 1khoảng 15-20 ngày: 1/3 đạm và 1/2 kaly

Phương pháp bón: Phân chuồng và lân supe rải đều trong rãnh luống, phân hóa học được bón vào giữa 2 cây hoặc giữa 2 hàng khoai tây (đảm bảo cây không bị chết bởi phân hóa học) (bón phân hóa học khi trồng cũng như khi bón thúc tuân thủ theo nguyên tắc trên)

7. Mật độ và cách trồng

Mật độ trồng 6 hoặc 7 củ /m2 cho năng suất cao, cỡ củ giống sản xuất ra thích hợp, khoảng cách  (40 x 22-23cm)

Đảm bảo khoảng cách củ đều nhau nên dùng thước hoặc dây có chia sẵn khoảng cách để đặt củ.

Trước khi đặt củ giống phủ một lớp đất mỏng trên phân chuồng và ka ly.

Sau khi đặt củ và bón lót phân xong dùng đất nhỏ phủ lên củ giống dày 4-5 cm (phủ kín mầm), sau đó vét rãnh hoàn thiện luống.

8. Tưới nước

Nước có vai trò quyết định đến năng suất và chất lượng củ giống, giúp cho cây hút dinh dưỡng để duy trì và sinh trưởng phát triển tốt.

Có 2 phương pháp tưới cho khoai tây: Tưới rãnh và tưới gánh (trong đó tưới rãnh là tốt nhất, giữ được ẩm lâu, khoai tây năng suất cao hơn)

+ Tưới rãnh: Bơm và dẫn nước vào rãnh ruộng khoai tây, nước cao khoảng 1/2  rãnh thì dừng, có thể nước tự ngấm hoặc dùng xô, chậu lấy nước ở rãnh tưới cho khoai tây, sau đó tháo khô ngay (không được ngâm nước 6 tiếng đến qua đêm khoai tây sẽ bị chết úng). Khoai tây yêu cầu độ ẩm thích hợp là 80% (trong giai đoạn sinh trưởng từ trồng đến 70 ngày sau trồng). Do vậy trong một vụ khoai tây có thể tưới 3-4 lần tùy thuộc vào độ ẩm đất ruộng khoai tây giống.

+ Tưới gánh: Áp dụng nơi không tưới được rãnh, số lần tưới nhiều lần hơn so với tưới rãnh, đảm bảo đủ ẩm để khoai tây sinh trưởng phát triển (giữ ẩm tốt nhất 80%)

Sau các lần bón thúc lần 1 và 2 xong 2-3 ngày thì tiến hành tưới nước là tốt nhất, khoai tây sẽ sử dụng dinh dưỡng một cách có hiệu quả nhất.

Trước thu hoạch 10-15 ngày không được tưới nước và tuyệt đối không cho nước vào ruộng, gặp trời mưa phải tháo nước ngay để ruộng sản xuất khoai tây nhanh khô ráo.

9. Chăm sóc

 + Chăm sóc lần 1: Khi cây cao 15 -20 cm tiến hành xới nhẹ, làm sạch cỏ kết hợp bón thúc lần 1. Bón đạm Ure và Kaly xa gốc cây khoai tây  (giữa 2 khóm hoặc giữa 2 hàng khoai tây), sau đó cần vun nhẹ đất lấp kín phân hóa học  ngay sau bón (không được bón phân hóa học để qua trưa khi trời nắng)

+ Chăm sóc lần 2: Sau chăm sóc lần 1 được 15-20 ngày tiến hành chăm sóc lần 2, bón lượng phân hóa học còn lại kết hợp với xới nhẹ, làm cỏ (chú ý giai đoạn chăm sóc lần 2 khoai tây đã ra tia củ, hình thành củ nhỏ nên xới không cẩn thận sẽ bị đứt tia củ) và vun cao luống, vét sạch đất dưới rãnh.

10. Sâu bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ

Trên khoai tây có một số sâu bệnh hại chính: Bệnh vi rút, lở cổ rễ, héo xanh, mốc sương, đốm lá và sâu hại chính rệp, nhện trắng, bọ trĩ.

* Bệnh virus: có 3 bệnh virus quan trọng (Virus gây xoăn lùn, virus cuốn lá và virus khảm hoa lá): Virus xâm nhập vàp cây vào củ khoai tây, làm giảm năng suất và chất lượng khoai. Virus là nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa giống.

Biện pháp phòng trừ: Thăm đồng thường xuyên, khi phát cây đã bị bệnh virus thì nhổ toàn bộ cây và toàn bộ củ mang đi tiêu hủy vì chưa có thuốc hóa học để phòng trừ. Cách tốt nhất để loại bệnh virus là dùng giống sạch bệnh.

 * Bệnh héo xanh: Đây là bệnh nghiêm trọng và phổ biến ở nước ta, bệnh làm cho cây chết đột ngột và thối củ, lây lan nhanh, làm giảm năng suất.

Biện pháp phòng trừ: Bệnh này chưa có thuốc hóa học phòng trừ vì vậy để tránh bệnh héo xanh nên:

- Sử dụng củ giống sạch bệnh để trồng.

- Luân canh với lúa nước, không trồng khoai tây trên ruộng vụ trước vừa trồng khoai tây hoặc các cây họ cà ( cà chua, cà, thuốc lá…).

- Không bón phân chuồng tươi. Tránh dùng nước nhiễm khuẩn, khi có mưa to phải tháo kiệt nước.

- Nhổ bỏ toàn bộ cây bệnh và tiêu hủy.

* Bệnh mốc sương: Bệnh do nấm (Phytophthora infestans)gây nên, là bệnh nghiêm trọng ở hầu hết các vùng trồng khoai tây, gây thiệt hại đến năng suất.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng củ giống sạch bệnh. Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, khi phát hiện thấy có ổ bệnh thì khẩn trương tập trung diệt ổ bệnh và phun thuốc phòng trừ cả cánh đồng trồng khoai. Có thể dùng thuốc Zinep 80WP, hoặc thuốc Vidoc 30BT nồng độ theo khuyến cáo trên bao bì.

* Bệnh lở cổ rễ: Do nấm Rhizoctonia solani gây nên tuy không xẩy ra thành dịch nghiêm trọng nhưng làm chết cây ở thời kỳ mọc.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng củ giống sạch bệnh; Khi làm đất phải dọn sạch rơm rác, gốc rạ, nhất là ruộng lúa bị bệnh khô vằn. Khi trồng không lấp đất quá dầy, cây mọc chậm dệ bị bệnh. Nhổ cây bị bệnh để tránh lây lan. Có thể dùng thuốc Moceren 25WH nồng độ theo khuyến cáo trên bao bì.

* Bệnh héo vàng: Do nấm Fusarium spp.gây nên  không thành dịch nghiêm trọng nhưng khi trời nóng dễ xảy ra ở thời kỳ mọc và cây phát triển , làm cho củ bị bệnh thối khô trong kho bảo quản.

Biện pháp phòng trừ:  Sử dụng củ giống sạch bệnh để trồng. Trồng khoai tây luân canh với lúa nước. Khi phát hiện thấy cây bị bệnh nhổ bỏ để tránh lây lan. Có thể dùng thuốc Antracol 70WP nồng độ theo khuyến cáo trên bao bì.

* Một số loại sâu hại khác như Rệp, Nhện, Bọ trĩ…gây hại làm giảm khả năng sinh trưởng phát triển của cây ảnh hưởng nghêm trọng đến năng suất về sau. Khi phát hiện thấy sâu gây hịa trên khoai tây chúng ta dùng thuốc Polytrin 440 EC nồng độ 0,1% phun cho cây.

* Cách phòng trừ sâu bệnh tổng hợp: Để khoai tây sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao trong giai đoạn từ trồng đến thu hoạch ngoài việc sử dụng nguồn giống sạch bệnh, ruộng trồng khoai tây phải được luân canh với lúa nước nếu vụ lúa trước bị nhiễm bệnh mốc sương thì phải dọn sạch hết tàn dư gây bệnh mới tiến hành trồng khoai tây.  Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh kịp thời,  khi phát hiện thấy có triệu chứng sâu bệnh hại phải phun kết hợp thuốc trừ sâu và trừ bệnh dùng hỗn hợp 2 loại thuốc Ridomil 68 WP nồng độ 0,2% và thuốc Polytrin 440 EC nồng độ 0,1% với liều lượng nước thuốc 800 lít/ha. Có thể phun phòng vào 2 giai đoạn sinh trưởng của khoai tây sau trồng 45 và 60 ngày sau trồng.

 11. Thu hoạch và bảo quản giống

Sau trồng khoảng 90 ngày cây khoai tây có biểu hiện chuyển màu (không có màu xanh bình thường) tiến hành cắt thân, sau 3-5 ngày thì thu hoạch, chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Phân loại cỡ củ và chọn giống, loại củ thối, hỏng ngay trên đồng ruộng.

Sau thu hoạch củ giống được để lớp dày 15 cm trong 5-7 ngày để vỏ củ giống cứng, sau đó được đóng vào tải gai (tải nilon mắt thưa), mỗi tải  25-30 kg và được bảo quản trong kho lạnh, nhiệt độ 4oC, ẩm độ 90-95%.

III. Phạm vi áp dụng

Quy trình áp dụng cho vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du phía Bắc đối giống khoai KT2, KT3 và VC38.6

IV. Điển hình đã áp dụng thành công

Trung Thành - Vụ Bản - Nam Định; Việt Hùng – Quế Võ – Bắc Ninh; Xã Bồng Lai – huyện Quế Võ - Bắc Ninh; Hương Ngải -Thạch Thất -Hà Nội; Hà Hồi – Thường Tín – Hà Nội; Xã Minh Thành –Yên Hưng – Quảng Ninh; Xã  Bình Khê - Đông Triều-Quảng Ninh;Trạm Khuyễn nông Móng Cái-Quảng Ninh;Trạm Khuyến nông Hải Hà – Quảng Ninh Trung tâm KH & SX Lâm Nông nghiệp Quảng Ninh

 

 

 

 


Hướng dẫn cách trồng khoai tây tại nhà sai củ, củ ngon Hướng dẫn cách trồng khoai tây tại nhà…