Mô hình kinh tế Ra Khơi Cùng Tàu Vỏ Thép Thử Thách Với Tàu 5 Sao

Ra Khơi Cùng Tàu Vỏ Thép Thử Thách Với Tàu 5 Sao

Ngày đăng 23/09/2014

Ra Khơi Cùng Tàu Vỏ Thép Thử Thách Với Tàu 5 Sao

Mang kỳ vọng ngành đánh bắt xa bờ Việt Nam sẽ hiện đại và hiệu quả hơn, nhưng chuyến đi biển đầu tiên của con tàu vỏ thép đã không thành công như mong đợi.

18g chiều, ba hồi còi từ cabin tàu Sang Fish 01 vang lên, phá tan vẻ trầm lắng lúc hoàng hôn của âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng).

Thuyền trưởng Phan Bé (Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết 25 năm đi biển, nhưng chuyến đi đầu tiên với tàu vỏ thép khiến ông rất hồi hộp và lo lắng.

Theo chuẩn quốc tế

"Hai đêm đánh điểm coi như trắng tay. Đau là mình đã biết trục ly tâm bị lật nhưng công ty đóng tàu lại không khắc phục dứt điểm, để giờ nên nỗi..."

Thuyền trưởng PHAN BÉ

Chuyến này tàu đánh bằng lưới vây tại ngư trường truyền thống là vịnh Bắc bộ. Chăm chú theo dõi hệ thống định vị GPS và rađa, thuyền phó Lê Văn Sang (29 tuổi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết chuyến này tàu Sang Fish 01 đi đánh điểm, tức là đánh cá tại một điểm tọa độ đã được rút kinh nghiệm đánh bắt nhiều năm.

“Điểm mình đang đến có nhiều cá nục gai, nếu đánh tốt có mẻ hàng chục tấn là chuyện thường, tọa độ đã bấm trên máy định vị, tàu chỉ cần chạy theo đúng hướng đã lập trình là sáng mai đến” - anh Sang nói.

Đêm về khuya, gió tây nam thổi mạnh cấp 5-6, con tàu vỏ thép phăng phăng rẽ sóng với vận tốc 9 hải lý/giờ.

“Gần 30 năm đi bạn với hàng chục con tàu gỗ từ Bắc chí Nam, chưa bao giờ tui thấy sướng như đi tàu vỏ thép này” - ngư dân Nguyễn Văn Lân (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nói.

Chỉ tay vào phòng ngủ rộng 12m2, ông Lân cười tươi: “Đi tàu gỗ làm chi có chỗ nằm rộng đến như vậy, chỉ thiếu cái điều hòa là thành khách sạn”.

Thuyền trưởng Phan Bé khẳng định các trang thiết bị hiện đại mang đến sự an toàn cho con tàu và người lao động nên mọi trang bị đều theo quy chuẩn quốc tế.

Theo anh Bé, trên tàu lắp đặt đầy đủ hệ thống cứu sinh, cứu hỏa, các loại máy rađa, máy định vị toàn cầu GPS, máy iCOM liên lạc tầm gần, tầm trung và tầm xa có thể liên lạc đến tận cảng Hawaii của Mỹ.

Giữa thuyền trưởng và các thuyền viên còn sử dụng bộ đàm để phối hợp nhịp nhàng trong khi đánh cá. “Hệ thống ngư lưới cụ cũng được đầu tư bài bản, những loại lưới tốt nhất cho phù hợp với kích thước vỏ tàu và công suất của tàu vỏ thép với tổng trị giá hơn 1,8 tỉ đồng” - ông Bé nói.

Bật máy lên tìm luồng cá

Thuyền viên lành nghề

Đối với nghề lưới vây rút chì, việc thạo nghề và phối hợp nhịp nhàng giữa các thuyền viên là yếu tố quan trọng để vây một mẻ cá thành công.

Để tập hợp đủ 23 thuyền viên lành nghề theo yêu cầu của tàu vỏ sắt, thuyền phó Lê Văn Sang đã đi khắp các làng chài để quy tụ những ngư dân giỏi khắp Quảng Bình, Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi từ hơn một năm rưỡi.

Trong đó, phải có hai thợ cơ khí, kiêm luôn tài công và máy trưởng. "Tàu vỏ thép máy móc hiện đại nên cần phải có thuyền viên được đào tạo bài bản để vận hành và khắc phục sự cố ngay trên biển" - anh Sang cho biết.

Bình minh ló dạng, cũng là lúc máy định vị báo hiệu tàu Sang Fish 01 đã đến tọa độ đánh cá trên vùng biển phía nam vịnh Bắc bộ.

Màn hình máy dò cá liên tục hiện lên những điểm chấm dày đặc tạo thành một dải màu cam, cùng với âm thanh tít tít liên hồi báo cá.

Gió tây nam vẫn không thuyên giảm, những đợt sóng dồn dập chồm lên tạt vào boong tàu. Thuyền trưởng Phan Bé cầm lái và bấm chuông báo thức toàn tàu.

Sóng to, gió lớn cộng với dòng hải lưu chảy với vận tốc đến 4 hải lý/giờ khiến các thuyền viên quần quật đến chín lần thả neo vẫn không “ăn”.

Gần nửa ngày thả neo, đến quá trưa nhìn máy định vị báo vận tốc của tàu “0 hải lý”, thuyền trưởng Bé mới thở phào báo cho các thuyền viên nghỉ ngơi.

“Trước kia không có máy định vị, sóng lớn như vậy tàu gỗ khó xác định tàu đã neo được hay chưa. Giờ cứ nhìn vô màn hình, thả neo rồi mà máy vẫn báo có vận tốc tức là tàu đang trôi theo dòng hải lưu. Khi vận tốc giảm nhanh từ 4 hải lý xuống còn 0,5 rồi 0 hải lý/giờ, tức là yên tâm neo đã “ăn” xuống đáy biển” - thuyền trưởng Bé giải thích.

Lúc này, vị trí tàu Sang Fish 01 cắm neo nằm cách Đà Nẵng 90 hải lý, cách Quảng Bình 110 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên vịnh Bắc bộ.

Đúng 18g, anh Bé bật khóa đề máy nổ, chong đèn dụ cá. Trên cabin, bốn chiếc máy gồm rađa, hai máy định vị tọa độ và máy dò cá được khởi động. Chiếc máy dò cá liên tục phát tín hiệu báo cá.

Nhìn chăm chú vào màn hình máy dò cá, anh Bé liên tục điều chỉnh các chế độ để kiểm tra, rồi thốt lên: “Quả này trúng lớn rồi, máy báo có chừng 15-20 tấn cá, chín phần là cá nục gai loại 15-17 con mỗi ký. Cá nằm ở tầng từ 45-37m so với mặt nước”.

Tuy nhiên, thời tiết chưa thuận lợi, máy định vị báo vận tốc nước 2,2 hải lý/giờ, gió cấp 3. Anh Bé đánh giá nước chảy như vậy khó đánh lưới nên sẽ chờ gió giảm, dòng hải lưu đạt chừng 1,5-1,7 hải lý/giờ sẽ đánh lưới.

Thả lưới, và sự cố...

23g, mặt biển tối đen. Thuyền trưởng Phan Bé xem lại lượng cá trên máy dò, cá vẫn còn nguyên và anh quyết định đánh mẻ lưới đầu tiên. Dưới boong tàu, thuyền phó Sang tay cầm bộ đàm chỉ huy các thuyền viên đứng vào vị trí. 23 thuyền viên đều đã trong tư thế sẵn sàng cho mẻ cá đầu tiên này.

“Kéo còi” - anh Sang nói qua bộ đàm. Thuyền trưởng Bé lập tức kéo còi rồi hét vang “thả lưới!”, đồng thời nhấn ga quây một vòng tròn quanh tâm là chiếc thuyền thúng của ngư dân Trần Văn Hải đang thả đèn tụ cá.

Gần 1.000m2 lưới đã thả xuống biển, các thuyền viên bắt đầu quấn dây vào hai đầu tời rút chì gom cá. Đang rút chì thì chiếc tời đột nhiên trật ra khỏi trục và trả lưới ngược lại biển. Anh Sang chạy lại trụ tời hét lên: “Hỏng hết cả lưới rồi”.

Từ trên cabin, anh Bé lao xuống chỉ đạo: “Khắc phục ngay”. Máy trưởng Tống Văn Tương vác thùng đồ nghề tháo vỏ trục kiểm tra. “Trục ống tời bị trật, các khớp nối yếu không tải được sức nặng của chì” - anh Tương vừa nói vừa hì hục khắc phục.

Sau hơn hai giờ khắc phục, tời hoạt động trở lại, anh Sang chỉ huy thuyền viên “cứu lưới”. Đến 5g, toàn bộ lưới đã được đưa lên boong tàu. Anh Bé thở phào: “May quá, chì không “ăn” xuống đáy, không có bạn tàu lành nghề kéo lưới thì quăng tiền tỉ xuống biển rồi”.

Chập choạng tối 14-8, máy dò cá lại báo cá đã ăn đèn dưới thân tàu. Thuyền trưởng Bé phán đoán mẻ này phải trên 15 tấn, nhưng phải đợi đến khuya nước lặng mới vây được.

Đúng 22g, khi vận tốc tàu giảm còn 1,6 hải lý/giờ, thuyền trưởng Bé hụ còi vây lưới. Rút chì, kéo lưới suôn sẻ, 2/3 lưới đã kéo lên thuyền thì bất ngờ gãy các đăng. Cả tàu ngẩn ra, mọi người lại lao vào sửa chữa.

Trọn một đêm lao động nhưng các thuyền viên chỉ thu về vỏn vẹn hơn 2 tạ cá. Đến đêm 21-8, khi đang rút chì đột nhiên tời lại bứt ra, hơn 1/3 lưới bị xé toạc theo chì chìm nghỉm xuống đáy biển. Thuyền trưởng Bé quyết định quay đầu tàu về lại Đà Nẵng để khắc phục triệt để các sự cố kỹ thuật.


Trái Sơ Ri Đi Nhật Trái Sơ Ri Đi Nhật Rau Xanh Tăng Giá Mạnh Rau Xanh Tăng Giá Mạnh