Sò huyết Sục khí nước trồi trong sản xuất giống sò huyết

Sục khí nước trồi trong sản xuất giống sò huyết

Tác giả NH Tổng Hợp, ngày đăng 11/04/2020

Sục khí nước trồi trong sản xuất giống sò huyết

Hệ thống nền đáy bùn sục khí trồi trong quá trình ương nuôi sò huyết đã mở ra hướng đi mới trong quá trình sản xuất giống sò huyết nhân tạo.

Sò huyết tên khoa học là Anadara granosa là loại nhuyễn thể hai mảnh sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá... ở độ sâu 1-2 mét so với mặt nước. Sò huyết là một trong những loài động vật thân mềm rất có giá trị kinh tế, hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn so với các động vật thân mềm khác như vẹm vỏ xanh, sò lông...Giá trị kinh tế của sò huyết có thể so sánh ngang hàng với một số đối tượng hải sản xuất khẩu như tôm biển, cá thu. Vì thế, nhu cầu tiêu thụ sò huyết trong nước ngày càng cao. 

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nghề nuôi thương phẩm sò huyết  phát  triển  và  hiện  nay  diện  tích  nuôi  sò  đang  ngày  càng  được  mở  rộng. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, sò huyết thường được nuôi trên bãi triều cửa sông, kênh dẫn nước mặn hoặc nuôi kết hợp với tôm sú. 

Hiện nay trên thế giới, hệ thống sục nước trồi lên (up-welling) đã được sử dụng phổ biến trong quá trình ương giống động vật thân mềm hai mảnh vỏ (FAO, 2005). Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ngô Thị Thu Thảo và Trương Trọng Nghĩa (2001) đã sử dụng hệ thống nước trồi để nghiên cứu ảnh hưởng của độ mặn đến sò huyết giai đoạn giống với tỷ lệ sống đạt từ 92,2 đến 100% sau 28 ngày nuôi ở các độ mặn khác nhau. 

Hệ thống ương là một trong những yếu tố kỹ thuật quan trọng trong thực tế sản xuất giống sò huyết (Anadara granosa). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của các hệ thống ương khác nhau (nước trồi và nước tĩnh, có nền đáy và không có nền đáy) đến tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của sò huyết ở giai đoạn giống. 

Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm gồm có 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức có 3 lần lặp lại: 

- Nghiệm thức 1: Nền đáy bùn kết hợp sục khí bình thường (B-BT),

- Nghiệm thức 2: Không có nền đáy kết hợp sục khí bình thường (KB-BT)

- Nghiệm thức 3: Nền đáy bùn kết hợp sục khí nước trồi (B-T)

- Nghiệm thức 4: Không có nền đáy kết hợp sục khí nước trồi (KB-T).

Các hệ thống thí nghiệm (A: Sục khí bình thường; B: Sục khí nước trồi) 

Bể thí nghiệm bằng chất liệu nhựa tổng hợp, có kích thước là 80×60 cm, nền đáy bùn mềm với độ dày 10 cm được bố trí vào các nghiệm thức có bùn đáy và chiều cao cột nước được duy trì thường xuyên ở mức 20 cm. 

Thức ăn trong quá trình nuôi sò huyết là tảo xanh Chlorella được thu từ hệ thống cá rô phi-nước xanh (mật độ cho ăn từ 3,0-5,0 triệu tb/L nước trong bể nuôi) kết hợp với thức ăn công nghiệp Lansy (ZM, liều lượng 2 mg/bể/ngày) được lọc qua lưới có kích thước mắt lưới 50 mm  trước khi cho ăn. 

Kết quả

Kết quả sau 60 ngày ương cho thấy, tốc độ tăng trưởng của sò huyết ở nghiệm thức có nền đáy bùn cao hơn và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức nền đáy không bùn. Khối lượng của sò huyết trong nghiệm thức B-BT (77,8±0,60 mg) khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) so với nghiệm thức B-T (76,0±1,25 mg). Tỷ lệ sống của sò huyết đạt cao nhất ở nghiệm thức B-T (82,9±4,44 %) và khác biệt so với nghiệm thức KB-BT (67,0±3,84 %). Nghiên cứu này cho thấy sò huyết giống với chiều dài 4,88 mm và khối lượng 30 mg ương trong hệ nước trồi đạt tỷ lệ sống cao, tuy nhiên cần có nền đáy bùn để đạt tăng trưởng tốt hơn.

Kết quả của đề tài góp phần cung cấp các thông tin về đặc điểm sinh học của sò huyết, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đạt kết quả cao trong quá trình ương giống.

Theo Ngô Thị Thu Thảo, Bùi Nhựt Thành và Lê Văn Bình.


Kỹ thuật nuôi sò huyết trong ao cho lãi cao Kỹ thuật nuôi sò huyết trong ao cho… Glucose tăng tỷ lệ sống cho sò huyết giống Glucose tăng tỷ lệ sống cho sò huyết…