Mô hình kinh tế Tăng Cường Quảng Lý Chất Lượng Thức Ăn Nuôi Trồng Thủy Sản

Tăng Cường Quảng Lý Chất Lượng Thức Ăn Nuôi Trồng Thủy Sản

Ngày đăng 10/11/2013

Tăng Cường Quảng Lý Chất Lượng Thức Ăn Nuôi Trồng Thủy Sản

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này 10 tháng đầu năm đạt 5,37 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện tượng “treo ao” lại diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh nuôi thủy sản trọng điểm, như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, … Tỉnh Sóc Trăng, diện tích “treo ao” hiện đã lên đến 50%, thậm chí ở huyện Kế Sách, vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh này là 70%. Câu trả lời, cũng chính là nỗi lo chung của ngành chăn nuôi, là do “sự nhảy múa” của giá và chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản (TĂNTTS). Giá giống và giá thương phẩm đầu ra bấp bênh gây thua lỗ kéo dài, trong khi người nông dân luôn thiếu vốn và các hỗ trợ, bảo hộ cần thiết khác.

Cũng như ngành chăn nuôi, ngành nuôi trồng thủy sản cũng chịu chung “số phận” lệ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu, trong khi khả năng kiểm soát chất lượng và giá cả thức ăn chăn nuôi nói chung còn nhiều điều bất cập. Mỗi năm, Việt Nam cần đến 4,4 triệu tấn TĂNTTS và tới hơn 80% nguồn cung lại đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện cả nước có 130 nhà máy sản xuất TĂNTTS trên 4.500 tấn sản phẩm và 110 cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung với 311 sản phẩm được lưu hành, tổng sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn/năm. Trên thị trường hiện có khoảng 5.000 loại sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 3.000 loại sản phẩm thức ăn bổ sung và khoảng 3.000 loại chế phẩm xử lý môi trường đang lưu hành. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được khoảng 100 loại sản phẩm.

Điều này có thể giải thích phần lớn về sự gia tăng liên tục số nạn nhân của những sản phẩm thức ăn kém chất lượng. Năm 2012, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu phát hiện tới gần 50% mẫu không đạt trong tổng số mẫu thức ăn, chế phẩm sinh học bán trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, cả nước có ít nhất 20% số lượng mẫu được kiểm tra có vấn đề về chất lượng.

Lấy lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố cắt giảm tối đa các thành phần quan trọng, hoặc thay thế bằng những thành phần kém giá trị dinh dưỡng, khiến vật nuôi chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, hệ số tiêu tốn thức ăn cao, giá thành sản xuất cũng tăng theo, chất lượng sản phẩm cũng chịu ảnh hưởng. Điều này không chỉ làm thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, mà lâu dài còn sản phẩm xuất khẩu của ngành đối mặt với sự bế tắc đầu ra do có thể không vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu khó tính, như Hoa Kỳ, Canada,... Trên thực tế, hạn mức xuất khẩu cũng đang sụt giảm ở các nước như Úc (giảm 4,5%), Ý (giảm 6,3%) và Hàn Quốc (giảm 10,7%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế cho thấy, cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan trong thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT quy định chi tiết một số điều của Nghị định này và nhất là Nghị định số 119/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Đặc biệt, cần sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các loại TĂNTTS; kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh nghiêm túc hoạt động quản lý chất lượng TĂNTTS của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và công tác thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng TĂNTTS của chính các đơn vị quản lý nhà nước về TĂNTTS; tăng cường hoạt động khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định TĂNTTS được thực hiện bởi Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản vừa mới được thành lập vào tháng 7/2013; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.


Nuôi Ghép Cá Chép Cho Hiệu Quả Cao Nuôi Ghép Cá Chép Cho Hiệu Quả Cao Hỗ Trợ Giống Tu Hài Bị Thiệt Hại Do Dịch Bệnh Vẫn Chưa Tháo Gỡ Được Những Khúc Mắc Hỗ Trợ Giống Tu Hài Bị Thiệt Hại…