Thận Trọng Khi Độc Canh Cây Keo
Thời gian gần đây, keo có giá nên nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đổ xô trồng keo. Tuy nhiên, độc canh cây keo sẽ gặp nhiều bất lợi bởi thời gian thu hoạch keo kéo dài tới 4 năm, trong thời gian đó bà con có nguy cơ thiếu đói.
Đổ xô trồng keo
Nhà ông Cao Na (tổ 3 thị trấn Khánh Vĩnh) có 8 người, sống nhờ vào 2ha đất rẫy. Trước đây, hộ ông Na luân canh trồng các loại bắp, mì, đậu và thêm cây điều nên tuy thu nhập không nhiều nhưng vẫn có cái ăn. Năm qua, thấy mì, bắp bị sâu bệnh lại mất giá, trong khi keo có giá nên ông Na chuyển toàn bộ đất sản xuất sang trồng keo.
Vụ đầu, keo còn nhỏ, ông tỉa bắp xen vào để có thu nhập. Nhưng đất rẫy có độ dốc cao, một thời gian dài không được cải tạo nên hoa màu phát triển kém, cả rẫy chỉ thu được 1 gùi bắp. Nhìn rẫy keo xanh tốt nhưng ông Na lòng dạ không yên, bởi không biết xoay xở thế nào khi 4 năm nữa mới thu hoạch. “Nhà tôi giờ khó khăn lắm, bắp, mì mất mùa, keo thì quá nhỏ.
Làm thuê cũng chẳng ai kêu, đành vào rừng chặt lồ ô về chẻ tăm nhang bán. Mỗi ngày cả nhà làm tăm nhang chỉ đủ mua gạo, mắm”, ông Na cho biết.
Tương tự ông Na, chị Cao Thị Tình (tổ 4 thị trấn Khánh Vĩnh) cũng tập trung quỹ đất để độc canh cây keo. Hiện gia đình chị đang thiếu việc làm, thu nhập thấp. Chị Tình phân trần: “Vụ này cây bắp, mì đều rớt giá, trong khi tiền đầu tư, chăm sóc khá cao nên chẳng còn lãi. Thấy keo có giá, thu bắp vụ lỡ xong, tôi đánh liều đưa 2ha đất vào trồng keo. Nhưng trồng keo chậm thu hoạch, không biết lấy gì ăn, giờ ai kêu gì làm đó, sống qua ngày”.
Gia đình chị Ca Thị Mai ở thôn Đá Bàn (xã Cầu Bà) chỉ có 5 sào đất rẫy cũng đưa hết vào trồng keo. Chị cho rằng đất rẫy trồng keo là phù hợp. Khi được hỏi lấy gì để ăn từ nay đến lúc thu hoạch, chị cười: “Chắc thay nhau đi làm mướn, làm thuê”.
Cần định hướng cho người dân
Đến thời điểm này, diện tích cây keo ở Khánh Vĩnh phát triển lên 4.000ha; trong đó 1/2 diện tích keo dưới 1 năm tuổi. Vào mùa trồng rừng, cảnh mua giống trồng keo diễn ra tấp nập.
Việc người dân Khánh Vĩnh đua nhau trồng keo đã thay đổi cảnh quan các vùng đất rẫy, đồi núi dốc, xưa chỉ có cây bắp, cây mì, nay phủ xanh bởi cây keo. Keo làm cho nhiều hộ ở Khánh Vĩnh đổi đời, trở thành hộ khá giàu. Nhưng không phải ai trồng keo cũng giàu.
Nhiều người cho rằng, keo, mía là cây dành cho những người có tiềm năng kinh tế, có vốn liếng, đất đai..., đặc biệt, quỹ đất sản xuất phải dồi dào. Với những hộ ít đất, cần cân nhắc, tính toán kỹ, cân bằng cơ cấu cây trồng theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” mới hy vọng thoát nghèo bền vững.
Thực tế vốn đầu tư trồng keo không cao, kỹ thuật đơn giản, các loại đất đều trồng được, lại phù hợp với trình độ sản xuất của bà con dân tộc thiểu số. Nhưng nếu không biết đầu tư đúng cách, cân đối, hài hòa, có bao nhiêu quỹ đất đều đưa vào trồng keo thì nguy cơ thiếu đói rất cao.
Nông dân không có thu nhập ngắn hạn khó tránh cảnh thiếu hụt lương thực, đồng thời thị trường lao động cũng sẽ gay gắt hơn do áp lực thiếu việc làm. Tình trạng thiếu cái ăn sẽ buộc người dân phải vào rừng, phá rừng, thậm chí quay lại bán keo non. Và như thế, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ tiếp diễn.
Vẫn biết lựa chọn cây trồng để đầu tư là quyền của nông dân. Nhưng trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, nên rất cần sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, các ngành chức năng, đoàn thể trong việc tư vấn, định hướng cho bà con. Trước mắt, khuyến cáo bà con không nên sản xuất theo phong trào, độc canh cây trồng, vì như vậy dễ dẫn đến cảnh “được mùa, mất giá”, cây chưa thu hoạch nhưng cái đói thì đã hiển hiện.
Ông Cao Xuân Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh: Thời gian gần đây keo có giá, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, nhiều hộ đồng bào, nhất là khu vực phía Tây Khánh Vĩnh, đất sản xuất ít nhưng đưa hết vào trồng keo là không nên. Tôi khuyến cáo bà con nếu có 5 sào đất trở xuống thì đừng trồng keo.
Từ 1 hoặc 2ha đất rẫy thì chỉ trồng 1/2 keo, còn lại trồng bắp, đậu, rau màu ngắn ngày để có thu nhập. Đất Khánh Vĩnh là đất rẫy, đất dốc trồng bắp, mì năng suất không cao nên trồng keo là phù hợp. Nhưng trồng thế nào để có lãi, có cái ăn thì bà con phải tính toán, cân nhắc…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ