Mô hình kinh tế Trồng Điên Điển Làm Chơi, Ăn Thiệt

Trồng Điên Điển Làm Chơi, Ăn Thiệt

Ngày đăng 18/10/2014

Trồng Điên Điển Làm Chơi, Ăn Thiệt

Trước đây, muốn ăn bông điên điển phải đợi đến con nước tràn đồng. Còn nay, bất cứ thời điểm nào trong năm, thực khách cần thưởng thức loại bông đặc trưng này đều được đáp ứng nhu cầu.

Điều tưởng chừng khó xảy ra ấy, hiện đã được người dân sống cặp bờ kênh 7 và 8 (xã Bình Long và thị trấn Cái Dầu, Châu Phú, An Giang) từng bước biến thành hiện thực. Trên 2 đoạn kênh này có đến vài chục hộ dân tận dụng hàng ngàn công đất lúa 2 vụ trồng điển điển, mà theo họ, có làm đến 10 công ruộng thì thu nhập và đầu ra cũng khó theo kịp 1 công điên điển.

“Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, điên điển ươm của tôi đã cao gần gang tay. Thế là cứ 2m, tôi trồng xuống 1 - 2 cây, sau đó xả nước vào xăm xắp, rải chút ít phân để kích thích phát triển, qua 4 tháng, khi nước tràn đồng thì điên điển vàng rực cánh đồng.

Đó là lúc gia đình bắt đầu “lượm tiền bỏ túi” gần 4 tháng”. Kể xong, vợ chồng anh Cao Văn Quang (tổ 9, ấp Bình Châu, xã Bình Long) đưa chúng tôi sang những nhà bên cạnh tận dụng mấy bờ hầm nuôi cá kiếm tiền triệu và hàng ngày “đi chợ” thoải mái từ đám cây điên điển trồng chơi. “Trồng điên điển gần như phó thác cho ông trời, không phân, thuốc trừ sâu, không chăm sóc, thăm đồng nhưng lấy tiền ngọt xớt.

Giá bông điên điển đầu mùa 30.000 đồng/kg, nay chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg nhưng bạn hàng vào tận nhà gom hàng, chứ không như chờ bán lúa. Khoảng 2 - 3 giờ sáng, vợ chồng tôi đã treo đèn trên đầu, rồi chống xuồng hái đến sáng được chừng 10kg nhưng “lượm” mỗi ngày trên 200.000 đồng.

Cái khổ của người trồng điên điển là tìm công hái. Lúc đông ken, kêu hái chia đôi sản phẩm cũng không tìm được người. Song, trồng điển điển không sợ ứ hàng, lỡ bán không hết thì làm dưa bán cũng không kịp cung ứng” - anh Cao Văn Quang bộc bạch.

Dọc hai bờ kênh 7 và 8, nhiều hộ trồng đến hàng chục ngàn m2 điên điển như ông tư Thưởng, anh Giàu, anh Tùng, anh Minh…

Đặc biệt, hộ anh Lưu Hồng Trong dù thuê đất 4,5 triệu đồng/công/năm để trồng rẫy, nhưng đã chuyển sang trồng điển điển vì có thu nhập hơn. Anh Trong giải thích: “Điên điển là cây trồng chơi nhưng ăn thiệt. Từ lúc trồng đến 4 tháng là hái bông gần 4 tháng, mà lại bán được giá, không ế hàng. Khi cây cằn cỗi, cứ hạ xuống cách gốc 1m, bón phân dưỡng, sau đó tiếp tục thu hoạch.

Tới đây, với đầu ra ổn định, điển điển sẽ được trồng gối đầu và lúc nào cũng có bông để bán. Bông điển điển bán rất chạy không chỉ ở các chợ, siêu thị, thôn xóm mà được bạn hàng vô bọc xuất bán sang các địa phương, nhất là ở đảo Phú Quốc. Thân cây điên điển phơi khô làm củi đốt, còn hột bán 200.000 đồng/kg nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu”.

Với hiệu quả trên, không chỉ anh Trong, mà nhiều hộ đã trồng điên điển bán đại trà. Với anh Trong, nhờ chuyển đổi mô hình này mà cuộc sống trở nên “dễ thở” hơn, có điều kiện nuôi các con vào đại học. Trong tương lai gần, anh Trong sẽ thực hiện kế hoạch trồng gối đầu loại “hoa đồng nội”, để lúc nào thực khách cần ăn bông điên điển cũng sẽ được đáp ứng nhu cầu.

Việc trồng cây điên điển lấy bông bán cho người tiêu dùng thời gian qua không chỉ giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn, mà còn mở ra kiểu làm ăn hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập từ mảnh đất của mình.


Nông Dân Vĩnh Long Trồng Khoai Lang Tím Nhật Đang Bị Lỗ Nông Dân Vĩnh Long Trồng Khoai Lang Tím… Mô Hình Trồng Chuối Sạch Thành Tỉ Phú Mô Hình Trồng Chuối Sạch Thành Tỉ Phú