Tin nông nghiệp Xử lý bọ đa nhỏ hại cây có múi

Xử lý bọ đa nhỏ hại cây có múi

Tác giả Minh Tuấn, ngày đăng 23/05/2018

Xử lý bọ đa nhỏ hại cây có múi

Theo Cục bảo vệ thực vật, vườn cây có múi ở các tỉnh phía Bắc thường có 3 loài bọ cánh cứng tàn phá lá, đó là bọ đa nhỏ, bọ đa và cánh cam. Gần đây, bọ đa nhỏ phát triển mạnh ở nhiều nơi, phá nhiều loại cây trồng khác, không riêng gì cam, bưởi. Bọ đa nhỏ trưởng thành xuất hiện vào tháng 2 đến đầu tháng 4; còn bọ đa trưởng thành xuất hiện vào giữa tháng 3, đầu tháng 4; tồn tại trên vườn đến tháng 6 và bọ cánh cam xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 8.

Mức độ phát sinh gây hại của bọ cánh cứng có liên quan với một số yếu tố thời tiết như nắng, mưa sớm, muộn. Năm nào nhiệt độ ở đầu mùa cao (ấm), mưa sớm thì bọ cánh cứng trưởng thành xuất hiện sớm và dự báo chúng có thể gây hại nặng. Mật độ xuất hiện của bọ đa nhỏ rất dày đặc và giao phối nhiều lần, bọ cánh cam khá thưa và rất thưa ở loài bọ đa lớn, tương ứng với sự phá hoại của từng loại.

Bọ cánh cứng trưởng thành thường xuất hiện trên vườn cam (cây nhỏ dễ quan sát) vào 6 - 8 giờ tối và hành vi phá hoại là cắn lá non làm thức ăn. Lá bị lỗ loang lổ và đôi khi những mảng lá lớn bị rơi xuống hoặc héo khô vào ngày hôm sau. Thời gian sống của bọ cánh cứng trưởng thành từ 20 - 30 ngày, một cá thể đẻ từ 15 - 60 trứng và hoạt động trong bán kính 1,5 - 2 km, lại có tính “bắt đèn” (bay đến những nơi có ánh đèn) nên khả năng xuất hiện trên các khu vườn khó dự đoán.

Ngoài cắn phá lá của bọ cánh cứng trưởng thành trong 20 - 30 ngày, sự phá hoại của ấu trùng ở dưới mặt đất trong 9 - 10 tháng còn ghê gớm hơn. Đó là việc ấu trùng bọ cánh cứng (còn gọi sùng, sâu/bọ đất) cắn rễ non và hút dịch làm thức ăn trong nhiều tháng, khiến cây còi cọc và cây dễ nhiễm tuyến trùng, nấm bệnh qua vết thương ở rễ cây.

Việc tiêu diệt bọ cánh cứng trưởng thành là rất cần, không những có tác dụng bảo vệ bộ lá cam hiện hữu mà còn ngăn ngừa chúng tái sản xuất đàn với mật số nhiều hơn vào các năm sau. Biện pháp phòng trừ đối với bọ cánh cứng trưởng thành gồm các giải pháp sau: 

Dùng thuốc hóa học không mùi, không vị, có độc, pha theo liều lượng xịt lên tán lá cây trong khoảng 6 - 8 giờ tối (đối với vườn nhiễm nặng), bọ cắn lá, ăn phải sẽ chết. Các loại thuốc Polytrin C 440EC/ND; Polytrin P 440EC/ND; Visher 25ND; Sherpa 10EC/25EC; Padan 95SP; Sevin 85WP; SecSaigon; Pyrinex; Gà nòi; Sago Super; Dragon (mỗi lần xịt nên đổi thuốc) có khả năng diệt bọ cánh cứng. Việc xịt thuốc phải được lặp lại sau 7 ngày, 3 - 4 lần để diệt nhiều thế hệ bọ cánh cứng trưởng thành vào nhiều thời điểm.

Sử dụng biện pháp thủ công là tối ưu, dễ làm và an toàn: treo bóng đèn có ánh sáng mạnh trước tấm tôn sáng bóng từ 6 giờ tối, ở dưới đặt thau chứa nước, bọ cánh cứng bay đến, chạm vào tấm tôn (sáng và bóng) sẽ rơi xuống thau nước. Dùng thau, thúng hứng rồi rung cây, bọ cánh cứng giả chết rơi vào thau, ta gom lại đem tiêu hủy. Biện pháp mang lại hiệu quả phòng trừ cao nếu phát huy tính cộng đồng, mọi nhà đều bắt thì bọ cánh cứng sẽ giảm. 

Biện pháp phòng trừ đối với bọ cánh cứng ấu trùng mới là việc căn cơ. Cụ thể là sau thời gian ăn lá và hoàn thiện sinh lý, bọ trưởng thành giao phối, đẻ trứng ở trong đất, nơi có xác bã hữu cơ, cỏ hoai mục, trứng nở ra ấu trùng (nhiều nơi gọi là sùng, sâu đất) sống ở dưới đất ăn rễ 8 - 10 tháng. Trước khi trồng, đặc biệt ở những vùng đã bị bọ cánh cứng gây hại (dứa, khoai mì...) hoặc phát hiện sâu đất nhiều cần cày sâu, làm đất kỹ, nhặt sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng để hạn chế sự tồn tại của ấu trùng bọ cánh cứng. Xử lý đất và khi số lượng bọ cánh cứng trưởng thành nhiều, dùng các thuốc trừ sâu dạng hạt như Vibasu 10GR, Diazan 10GR, Regent 0.3GR, Diaphos 10G, Gà nòi 4G, Sago-Super 3G rải quanh gốc, liều lượng ghi trên vỏ bao, tưới nước dẫn thuốc xuống, nhằm làm hư trứng, diệt ấu trùng. Đối với những vườn có điều kiện, tháo nước vào ngâm 1 - 2 ngày sau đó tháo nước ra để diệt trứng và sâu non.


Nhện hại cây có múi Nhện hại cây có múi Bón phân hợp lý để ứng phó với biến đổi khí hậu Bón phân hợp lý để ứng phó với…