Nuôi gà Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ấp nở trứng gà

Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ấp nở trứng gà

Tác giả Diệu Linh - Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam, ngày đăng 22/11/2018

Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ấp nở trứng gà

Ấp trứng là khâu quan trọng cuối cùng trong quá trình sản xuất gia cầm giống, ảnh hưởng lớn đến số lượng và chất lượng gia cầm con trong tương lai. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ấp nở bao gồm giống, chất lượng đàn bố mẹ, chất lượng trứng, chuẩn bị trứng ấp, chế độ ấp.

Đã có một số công trình nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả ấp nở trứng gà Ác Việt Nam và trứng đà điểu. Tuy nhiên các công trình trên chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ảnh hưởng của máy ấp, nhiệt độ, độ ẩm, chế độ đảo trứng và làm lạnh trứng… mà chưa đề cập đến các yếu tố như thời gian bảo quản, khối lượng trứng, thời điểm đẻ trứng trong ngày, hình thái trứng. GV. Nguyễn Thị Tú – Khoa Chăn nuôi cùng cộng sự đã có đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố đó đến kết quả ấp nở trứng gà nhằm góp phần hoàn thiện quy trình ấp trứng gà.

Thí nghiệm được tiến hành trên trứng gà Lương Phượng bằng phương tiện là máy ấp đa kỳ với các chế độ ấp khác nhau. Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp phân lô so sánh ngẫu nhiên hoàn toàn lần lượt gồm: ảnh hưởng của thời gian bảo quản trứng; thời điểm đẻ trứng trong ngày; tuần tuổi đẻ trứng; khối lượng trứng; chỉ số hình dạng; thuốc khử trùng. Các chỉ tiêu nghiên cứu bao gồm: Số lượng, tỷ lệ trứng có phôi xác định tại thời điểm soi trứng; Số lượng và tỷ lệ nở/ trứng có phôi được xác định sau khi ra gà tại trại ấp; Phương pháp tính tỷ lệ trứng có phôi và tỷ lệ nở theo trứng có phôi áp dụng theo phương pháp thường quy dùng trong nghiên cứu gia cầm.

Nghiên cứu cho thấy thời gian bảo quản ảnh hưởng đến tỷ lệ trứng có phôi còn sống. Thời gian bảo quản càng dài thì số lượng và tỷ lệ trứng có phôi càng giảm, số lượng và tỷ lệ trứng chết phôi càng tăng. Vì vậy, chỉ nên bảo quản trứng ấp trong 7 ngày, không nên bảo quản trứng quá một tuần sẽ làm tăng tỷ lệ trứng chết phôi và giảm tỷ lệ ấp nở. Thời gian đẻ trứng trong ngày cũng ảnh hưởng đến kết quả ấp nở.

Cụ thể tỷ lệ trứng có phôi thấp nhất ở lô trứng đẻ trước 7 giờ sáng. Các thời điểm đẻ trứng tiếp theo tỷ lệ trứng có phôi tăng dần và đạt cao nhất ở lô trứng đẻ vào thời điểm 11-13 giờ. Tỷ lệ trứng có phôi giảm dần tại thời điểm đẻ từ 13- 15 giờ. Tương tự như vậy, tỷ lệ nở/ trứng có phôi đạt thấp nhất ở lô trứng đẻ trước 7 giờ sáng và tăng dần ở các thời điểm sau. Bên cạnh đó, yếu tố tuần tuổi cũng ảnh hưởng đến kết quả ấp nở. Tỷ lệ nở/ trứng có phôi thấp nhất ở tuần 27, từ tuần 33-36 tỷ lệ nở/ trứng có phôi đạt rất cao, sau đó có xu hướng giảm dần ở các tuần tiếp.

Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy đối với trứng gà Lương Phượng, kết quả ấp nở đạt cao nhất ở những lô trứng có khối lượng 52-56g. Trứng có chỉ số hình dạng 1,31-1,35 cho kết quả ấp nở cao hơn trứng có chỉ số hình dạng <1,31 hoặc >1,35. Khử trùng trứng bằng hơi formaldehyt cho kết quả ấp nở cao hơn khử trùng trứng bằng nebutol.

Trong thời gian tới các nhà nghiên cứu tiếp tục thí nghiệm trên trứng của các giống gà khác nhau để hoàn thiện quy trình ấp trứng.


Khả năng sinh trưởng và phát triển của gà H’Mông nuôi bán chăn thả Khả năng sinh trưởng và phát triển của… Thiến và vỗ béo gà trống đúng cách Thiến và vỗ béo gà trống đúng cách