Mô hình kinh tế Bao Giờ "Tự Lo" Được Thức Ăn Thủy Sản?

Bao Giờ "Tự Lo" Được Thức Ăn Thủy Sản?

Ngày đăng 11/06/2014

Để nuôi trồng thủy sản mang tính bền vững, vấn đề chủ động SX thức ăn thủy sản trong nước đã đến lúc cần được quan tâm đầu tư...

Việt Nam hiện có khoảng 1,2 triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS), chưa kể diện tích NTTS trên biển; trong đó có trên 660.000 ha nuôi tôm nước lợ và trên 5.000 ha nuôi cá tra. Thức ăn cho 2 đối tượng nuôi nói trên 100% phải sử dụng thức ăn công nghiệp.

Trong khi đó, nguồn thức ăn hầu hết đang lệ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài. Để NTTS mang tính bền vững, vấn đề chủ động SX thức ăn thủy sản trong nước đã đến lúc cần được quan tâm đầu tư...

Tại Festival Thủy sản Việt Nam 2014 được tổ chức tại tỉnh Phú Yên vào cuối tháng 3, TS Ngô Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), cho biết, hiện nay chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành sản phẩm cá tra và tôm nuôi.

“Theo điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chi phí này trong năm 2011 chiếm đến 86% trong giá thành SX cá tra.

Mặc dù hiện nay người dân NTTS có nhiều sự lựa chọn về chủng loại thức ăn, nhưng hoàn toàn bị động về giá cả. Một trong những nguyên nhân khiến giá thành tôm nuôi và cá tra ngày càng tăng là do thức ăn thủy sản ngày càng bị đẩy lên cao.

Theo các kết quả nghiên cứu đã được công bố cho thấy, gía thức ăn tăng khiến giá thành cá tra tăng từ 12.600đ/kg vào năm 2007 tăng lên 15.800đ/kg vào năm 2009, rồi tiếp tục tăng đến 23.000đ/kg vào năm 2013. Muốn 2 loại sản phẩm thủy sản chủ lực nói trên không bị liên tục tăng giá dẫn tới lép vế trong thị trường XK, Việt Nam cần phải chủ động trong SX thức ăn thủy sản”, TS Tuấn nói.

Tuy nhiên, SX thức ăn thủy sản trong những năm qua đang gặp nhiều khó khăn, khó nhất là nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, vì bột đậu nành và nhiều loại bột phụ gia khác hầu hết phải NK. TS Ngô Anh Tuấn cho biết, để giảm lượng đậu nành NK, Việt Nam cần quy hoạch vùng chuyên canh trồng đậu nành có diện tích đủ lớn mới có thể cung ứng đủ cho SX thức ăn thủy sản.

Mặt khác, đậu nành trồng trong nước có chất lượng kém hơn, giá thành lại cao hơn đậu nành NK, dẫn đến ách tắc cung ứng đầu vào từ nguồn nội địa. Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ ép dầu đậu nành cũng chưa được xây dựng ở bất cứ địa phương nào trong cả nước, do đó phải NK 100% khô dầu cho SX thức ăn thủy sản với giá cao và hoàn toàn bị động.

Một loại nguyên liệu đầu vào quan trọng khác dùng để SX thức ăn thủy sản là bột cá, sản phẩm nội địa cũng không thể thay thế nguyên liệu ngoại nhập, dù Việt Nam có sản lượng khai thác hải sản hàng năm rất lớn, và dù giá rẻ hơn nguồn bột cá nhập ngoại.

Nguyên nhân do công nghệ xử lý bột cá của Việt Nam còn kém, sản phẩm bột cá nội địa có độ tươi và độ đạm không cao, chất lượng thua xa loại bột cá NK. Những nguyên nhân nói trên đã khiến ngành SX thức ăn thủy sản trong nước bị vướng mắc.

Hiện nay, 2 ngành hàng tôm và cá tra chiếm đến trên 72% giá trị XK của toàn ngành thủy sản. Vậy mà người nuôi luôn bị động về nguồn thức ăn, nhất là giá cả liên tục tăng đã khiến SX không đạt hiệu quả. Đây là vấn đề mà ngành chức năng cần nghiêm túc đặt ra trong công cuộc tái cơ cấu ngành thủy sản trong thời gian tới!

Trong kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản, đối với các chuỗi sản phẩm tôm nuôi và cá tra, khâu SX thức ăn được xem là vấn đề cấp bách cần tháo gỡ.

Trong giải pháp khoa học công nghệ và môi trường có các hoạt động ưu tiên như: Nghiên cứu khoa học dinh dưỡng, xác lập công thức thức ăn cho từng giai đoạn phát triển của từng đối tượng thủy sản nuôi theo vòng đời sinh học; nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng đối với ngô, đậu tương, sắn và chất lượng SX bột cá; phối hợp quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ SX thức ăn thủy sản...


Có thể bạn quan tâm

cay-sap-tuyet-chung-hoi-sinh-giup-nong-dan-bay-nui-hot-bac Cây Sắp Tuyệt Chủng Hồi… dan-nuoi-tom-keu-khong-lai Dân Nuôi Tôm Kêu Không…