Mô hình kinh tế Cây Sắp Tuyệt Chủng Hồi Sinh Giúp Nông Dân Bảy Núi Hốt Bạc

Cây Sắp Tuyệt Chủng Hồi Sinh Giúp Nông Dân Bảy Núi Hốt Bạc

Ngày đăng 11/06/2014

Chúc chỉ cho trái mỗi năm một lần vào mùa mưa với số lượng khiêm tốn, nên loại đặc sản này có giá bán cao (gấp 5-6 lần cây cùng họ là chanh), cho thu nhập hàng triệu đồng mỗi cây.

Trái chúc được xem là đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang, trồng nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Hiện nay, trái này có giá cao gấp 5-6 lần chanh.

Cùng họ với chanh nhưng chúc lại có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu. Tiếng Khmer gọi là Kôt–sôt, một loài cây đặc hữu của các huyện miền núi.

Hiện trái chúc bước vào mùa thu hoạch rộ nên giá bán chỉ từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Còn vào thời điểm nghịch vụ, những tháng nắng, giá lên 130.000 đến 140.000 đồng/kg.

Chúc rất dễ trồng, không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt. Đây là cây có múi thích nghi tốt trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nhiệt. Cây chúc trồng từ 5-8 năm mới thu hoạch, và mỗi năm chỉ cho trái 1 lần vào mùa mưa, với năng suất khoảng 30 đến 50kg/cây (khoảng 8-10 trái/kg). Cây chúc càng lâu năm trái càng sai.

Chị Lê Thị Lụa, ở ấp Chân Cô, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, chủ vườn chúc 15 năm tuổi, cho biết, cứ vào mùa mưa cây bắt đầu ra hoa và cho trái rất sai. Bình quân mỗi cây chị thu 40 kg trái, tương đương gần 3 triệu đồng.

Theo chị Lụa, ngoài việc bán trái, lá chúc cũng được săn mua, với giá 220.000 đến 250.000 đồng/kg. Những cây chúc loại cổ thụ trên 10 năm cũng được giới chơi kiểng săn mua, giá từ 5 đến 10 triệu đồng, loại 2 năm tuổi giá dao động khoảng 300.000 đến 600.000 đồng/cây.

Ông Chau Seul, ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, trồng 30 gốc chúc đang thu hoạch, cho biết cây này hợp với đất đồi núi và không phải chăm sóc nhiều. Vụ này, ông bán được 50 triệu đồng,

Cây chúc thường được người dân Bảy Núi trồng phía trước nhà, vừa lấy lá để chế biến món ăn, vừa xua đuổi, tránh rắn bò vào nhà. Trái chúc ngoài giải khát còn nằm trong 4 vị thuốc để trị rắn cắn. Đây đang là cây được nhiều công ty ở TP.HCM và Đồng Tháp đến xin bao tiêu lá và trái để sản xuất dược liệu.

Ngoài ra, phụ nữ vùng này vẫn lấy trái chúc gội đầu cho mượt tóc.

Đặc biệt, với trâu bò bệnh, không ăn được thì trái này sẽ được vắt nước vào miệng trị bệnh rất hiệu quả. Những người nuôi cá cũng sử dụng lá giã nát rồi cho xuống đáy ao hồ để cho cá khoẻ mạnh, chóng lớn.

Cây đặc sản vùng biên này còn chế biến rất nhiều món ăn, như cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Chính nhờ vậy mà cây chúc, vốn là một loài cây rừng sắp tuyệt chủng lại có dịp hồi sinh và ngày càng được nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hải ở vùng Bảy Núi mỗi năm ươm giống bán ra hàng ngàn cây, với giá từ 15.000 – 30.000đ/cây.

Ông Trần Văn Cường, Trường phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết,  huyện đã triển khai dự án trồng, bảo tồn và phát triển trước mắt 11 loại thảo dược trên tổng số 155 loài tại vùng Bảy Núi với qui mô rộng khắp, trong đó có chúc.

Ngoài ra, thân cây chúc có nhiều gai và khỏe, được Viện cây ăn quả miền Nam khảo sát và đánh giá là một loài cây chịu hạn rất tốt nên chọn làm gốc ghép cho các loại cây có múi khác. 

Theo quan niệm từ xa xưa, người Khmer thường trồng chúc để ăn trái xua rắn và lấy lá làm thuốc. Ngày nay, loại cây này được trồng để làm giàu cho gia đình.


Có thể bạn quan tâm

da-co-gao-hoa-lua-chat-luong-cao Đã Có Gạo Hoa Lúa… bao-gio-tu-lo-duoc-thuc-an-thuy-san Bao Giờ "Tự Lo" Được…