Bảo vệ ngao mùa nắng nóng
Những năm gần đây, nghề nuôi ngao đang trở thành thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân, đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng kinh tế của các địa phương ven biển. Tuy nhiên, bước vào mùa nắng nóng, người nuôi ngao gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hiện tượng ngao bị chết do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết, ô nhiễm môi trường.
Người dân cần thường xuyên vệ sinh vây lưới, loại bỏ rác tạp và các đối tượng dịch hại trên bãi nuôi ngao.
Là một trong những hộ nuôi ngao trên diện tích bãi triều, ông Phùng Văn Quán ở thôn Thanh Lâm, xã Đông Minh (Tiền Hải) không khỏi lo lắng trước hiện tượng ngao bị dịch bệnh chết do nắng nóng kéo dài, độ mặn nước biển cao tác động xấu đến môi trường nuôi ngao.
Ông Quán cho biết: Nuôi ngao phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nếu được thiên nhiên ưu đãi con ngao sẽ phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm nhiệt độ cao, bãi nuôi ngao phơi nắng nhiều giờ trong ngày khiến cát bị nóng làm cho con ngao sốc nhiệt và chết. Để bảo vệ ngao, bên cạnh việc áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm nuôi ngao, ngư dân chúng tôi cũng chủ động thực hiện các biện pháp tích cực để phòng bệnh cho ngao theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Năm 2018, diện tích nuôi ngao toàn tỉnh gần 3.000ha. Để bảo đảm cho một vụ nuôi trồng thủy sản đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi ngao, ngay từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn đã chú trọng hướng dẫn phương pháp nuôi ngao, nhất là vào mùa nắng nóng. Bên cạnh những khuyến cáo về việc chuẩn bị bãi nuôi, chọn giống, thả giống, quản lý ao ương và bãi nuôi thì các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường giúp bà con ngư dân chủ động các biện pháp chăm sóc, bảo vệ ngao.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Bước vào mùa nắng nóng năm 2018, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra môi trường, mật độ ngao nuôi bãi triều ven biển huyện Tiền Hải. Kết quả kiểm tra các chỉ số môi trường như độ pH, nhiệt độ, độ mặn... đều nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, khi kiểm tra ngẫu nhiên mật độ nuôi ngao tại một số chân vây cho thấy mật độ nuôi ngao của người dân cao từ 4 - 6 lần so với mật độ cơ quan chuyên môn khuyến cáo (từ 180 - 350 con/m2). Điều này đã làm tăng áp lực về môi trường sống, thức ăn, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi có nắng nóng kết hợp mưa giông, mưa rào với lượng lớn kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng, ngao yếu, tăng nguy cơ xảy ra ngao chết.
Để hạn chế thiệt hại do tác động bất lợi của môi trường, thời tiết ảnh hưởng đến kết quả nuôi ngao, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy hướng dẫn người nuôi ngao trên địa bàn thực hiện các biện pháp:
Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo thời tiết để chủ động có biện pháp phù hợp chăm sóc, bảo vệ ngao; tăng cường kiểm tra ngao nuôi, những vây nuôi ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên tiến hành thu hoạch để hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.
Đối với những vây nuôi ngao chưa đạt kích cỡ thu hoạch, khuyến cáo người dân san thưa mật độ nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; hàng ngày, sau khi thủy triều xuống tiến hành san lấp các vùng trũng đọng nước trên mặt bãi, san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây, vệ sinh vây lưới, loại bỏ rác tạp và các đối tượng dịch hại trên bãi nuôi; định kỳ phun cát bổ sung để tăng lượng thức ăn và tạo môi trường phù hợp cho ngao sinh trưởng.
Khi có hiện tượng ngao chết, thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý; đồng thời, tổ chức thu gom vỏ ngao di chuyển đến nơi quy định, tránh lây lan sang cá thể còn sống.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ