Nuôi gà Bệnh đậu gà và cách phòng trị

Bệnh đậu gà và cách phòng trị

Tác giả BSTY Hoàng Thị Nguyệt (Trạm Thú y Nam Sách), ngày đăng 23/08/2018

Hiện nay, thời tiết khô hanh, trên đàn gà xuất hiện các mụn bằng hạt đỗ mọc ở mào, xung quanh mắt… Đây là triệu chứng điển hình của bệnh đậu gà.

Đậu gà là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Gà mắc bệnh ăn uống kém và là nguyên nhân sinh ra các bệnh khác, làm bệnh trở nên nặng hơn, có thể làm gà bị chết. Để giúp người chăn nuôi nhận biết, phòng trị bệnh hiệu quả, xin nêu ra một số vấn đề sau:

Triệu chứng:

Gà bị bệnh thường ở 1 trong 2 thể sau:

– Thể ngoài da: Mụn đậu mọc ở những vùng da không lông như mào, mép, xung quanh mắt…  và đôi khi ở cả chân, hậu môn, phần da bên trong cánh. Mụn ở khóe mắt làm cho gà viêm kết mạc mắt, không mở mắt được gây khó nhìn. Nếu ở khóe miệng làm gà khó lấy thức ăn.

Mụn đậu mới xuất hiện là những nốt sần nhỏ, có màu nâu xám hay xám đỏ, sau đó to dần như hạt đậu, da sần sùi. Nốt đậu từ từ chuyển sang màu vàng, mềm, vỡ ra có mủ giống như kem. Mụn đậu khô đóng vẩy màu nâu sẫm, dần dần tróc đi để lại sẹo. Gà mắc ở thể này có thể vẫn ăn uống bình thường.

– Thể niêm mạc (màng giả, thường xảy ra ở gà con): Trong niêm mạc, hầu họng, khoé miệng, thanh quản phủ lớp màng giả màu trắng hoặc vàng, khi gạt lớp màng đi để lại các nốt loét màu đỏ ở tầng niêm mạc. Gà khó thở, ăn uống kém, từ miệng chảy ra chất nhờn lẫn mủ và màng giả.

Đôi khi gà bị cả hai thể kết hợp làm bệnh tiến triển nhanh hơn và dễ chết hơn.

Phòng bệnh: 

– Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho gà, bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Bổ sung thường xuyên các loại vitamin, chất khoáng, điện giải… để tăng cường sức đề kháng cho gà.

– Hằng ngày vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, máng uống… tránh gió lùa, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

– Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu chăn nuôi (ít nhất 1 tuần/lần) để tiêu diệt mầm bệnh.

– Dùng vaccin phòng bệnh cho gà từ 7-10 ngày tuổi.

Pha viên vaccin đông khô vào dung dịch pha vaccin hoặc dung dịch nước sinh lý 0,9%, lắc đều, dùng kim khâu hoặc ngòi bút nhúng ngập, sau đó chích vào vùng dưới da mỏng của mặt trong cánh gà.

Bệnh đậu gà thường lây truyền từ muỗi và các loài côn trùng ký sinh khác khi di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ kia, chẳng hạn như bét đỏ (red mite). Nó cũng có thể lây lan trong bầy từ con mang mầm bệnh sang con lành hay từ gà đã khỏi bệnh truyền virus (qua không khí) hay gián tiếp qua thực phẩm và nguồn nước ô nhiễm nơi gà bệnh truyền sang. Virus đậu gà có thể chịu đựng tốt trong điều kiện khô ráo và có thể tồn tại trong môi trường từ nhiều tháng cho đến cả năm qua những vảy khô và vụn lông gà.

Bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy chỉ điều trị triệu chứng, dùng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm.

Các mụn đậu ngoài da thì dùng bông thấm nước muối pha loãng rửa sạch, rồi bôi các thuốc sát trùng nhẹ như Xanhmethylen 2% hoặc cồn Iod 1-2%, ngày 1-2 lần, bôi liên tục 3-4 ngày. Nếu mụn quá to thì dùng dao sắc gọt cắt, sau đó bôi thuốc. Nếu gà bị đau mắt thì dùng thuốc nhỏ mắt (sử dụng thuốc nhỏ mắt của người). Dùng các thuốc kháng sinh chống bội nhiễm như Amoxycol, Genta- costrim, Ampicol… pha vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn cho gà, ngày 2 lần, dùng liên tục từ 3-5 ngày.

Ngoài ra, dùng thuốc trợ sức, trợ lực để tăng sức đề kháng cho gà  như B Complex, vitamin C, đặc biệt là vitamin A… pha thuốc vào nước cho gà uống trong quá trình điều trị.


Có thể bạn quan tâm

lua-chon-chat-don-chuong-thich-hop-voi-trai-ga Lựa chọn chất độn chuồng… anh-huong-cua-nguyen-lieu-lam-dem-lot-den-nang-suat-va-moi-truong-nuoi-ga Ảnh hưởng của nguyên liệu…