Lựa chọn chất độn chuồng thích hợp với trại gà?
Có rất nhiều yếu tố đóng góp nên sự thành công trong chăn nuôi gà, mỗi yếu tố lại có một vai trò và tầm quan trọng khác nhau.
Tùy thuộc giống gà sẽ chăn nuôi mà chọn loại vật liệu cho phù hợp
Ví dụ như lớp chất độn chuồng chẳng hạn, nhiều người chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng và giá trị của nó đến thành công trong chăn nuôi nên còn chưa chú trọng nhiều đến việc này.
Lớp chất độn chuồng phù hợp, đạt tiêu chuẩn là 1 trong những yếu tố giúp chăn nuôi thành công.
Bài viết dưới đây của VietDVM.com sẽ cung cấp thêm một số thông tin xung quanh vai trò cũng như tiêu chuẩn của 1 lớp chất độn chuồng bất kỳ hy vọng có thể giúp quý độc giả và bà con hoàn thiện thêm góc nhìn của bản thân trong vấn đề này, đồng thời biết cách lựa chọn lớp chất độn chuồng nào cho phù hợp với tình hình thực tế của trang trại mình nhất.
Vậy lớp chất độn chuồng có vai trò như thế nào trong chăn nuôi gà?
Lớp chất độn chuồng là 1 hỗn hợp được phối trộn theo công thức nhất định để tạo thành nền chuồng dùng trong chăn nuôi với các tác dụng như sau:
- Giúp phân giải và hấp thu lượng nước dư thừa từ nước tiểu, phân thải của động vật. Thúc đẩy quá trình làm khô nền chuồng bằng cách tăng diện tích bề mặt sàn.
- Giúp “pha loãng” phân → hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa phân và gà.
- Tự tỏa ra nhiệt giữ ấm cho vật nuôi.
- Ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại → giảm tỷ lệ bệnh → giảm công sức và chi phí chăm sóc, điều trị bệnh đồng thời tăng chất lượng vật nuôi, chất lượng sản phẩm.
- Có lớp chất độn chuồng, gà sẽ ít bị thối bàn chân và què; lông gà tơi, mượt và sạch hơn; thịt chắc hơn, tồn dư kháng sinh ít hơn.
- Hạn chế khí hôi, thối; giảm khí độc trong chuồng nuôi.
- Cải thiện môi trường sống cho gà và người lao động.
- Giúp giảm công lao động, tiết kiệm điện nước và tiết kiệm chi phí chăn nuôi nói chung do không phải dọn phân, rửa chuồng nhiều; không mất thêm chi phí thay lót chuồng thường xuyên.
Như vậy, nếu chuẩn bị lớp chất độn chuồng đạt yêu cầu đồng thời sử dụng, bảo quản hợp lý trong quá trình chăn nuôi không những sẽ giúp các trang trại chăn nuôi gà bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động mà quan trọng hơn nữa là giúp tiết kiệm được chi phí và tăng tối đa mức lợi nhuận trong chăn nuôi.
Chuẩn bị tốt lớp chất độn chuồng giúp tăng tối đa lợi nhuận của trang trại.
Một lớp chất độn chuồng đạt chuẩn phải đạt các chỉ tiêu nào?
Để biết nên chọn loại lớp chất độn chuồng nào cho trại mình thì ta cần biết yêu cầu cần có của 1 lớp chất độn chuồng đạt chuẩn là như thế nào.
Với các vai trò, tác dụng như trên thì một lớp chất độn chuồng chỉ đạt chuẩn khi đạt các chỉ tiêu như sau:
– Có khả năng hấp thụ nước tốt.
– Có khối lượng nhẹ.
– Giá thành nguyên liệu tạo nên lớp chất độn chuồng hợp lý, không tốn kém nhiều chi phí.
– Không độc hại với gà và người
– Tốt hơn nữa, nó nên là loại nguyên liệu thích hợp để làm phân bón sau khi kết thúc quá trình chăn nuôi.
Có những loại lớp chất độn chuồng nào? Ưu nhược từng loại?
Ngoài ra, để có thể đưa ra lựa chọn một loại chất chất độn chuồng phù hợp với trang trại của mình thì chúng ta cũng cần phải nắm rõ có tất cả bao nhiêu loại vật liệu làm chất độn chuồng và ưu, nhược điểm của từng loại vật liệu đó như thế nào?
Bảng 1. Những ưu và nhược điểm của các loại vật liệu khác nhau
Vỏ trấu | Là 1 loại vật liệu khá phổ biến ở Việt Nam, có tác dụng tốt và phù hợp để làm chất độn chuồng nếu mức giá cạnh tranh |
Gỗ xẻ cứng và mùn cưa | Thường có độ ẩm cao và dễ bị nấm mốc nếu được bảo quản không đúng cách trước khi sử dụng. |
Vỏ bào gỗ | Được sử dụng khá nhiều ở các nước Châu Âu và cho kết quả cũng khá khả quan nhưng nhược điểm của loại lớp chất độn chuồng này là có thể làm tăng tỷ lệ viêm miệng khi quá ướt |
Vải thông và mùn cưa | Hấp thu nước khá tốt nhưng nhược điểm là giá thành cao. |
Vỏ đậu phộng | – Ưu: chi phí hợp lý trong các vùng sản xuất đậu phộng. – Nhược: hay bị vón cục lại với nhau nhưng có thể khắc phục được nếu quản lý tốt. Mẫn cảm với sự phát triển của nấm mốc. Một số trường hợp trong quá khứ phát hiện nhiễm chất trừ sâu → không an toàn. |
Cát | Các thử nghiệm trên thực tế cho thấy hiệu quả tương đương với vỏ trấu. Chỉ cần khử trùng tốt là có thể tái sử dụng lại được rất nhiều lần. Nhược điểm của cát là khó khăn trong việc duy trì nhiệt độ sàn thích hợp trong thời tiết lạnh. Cần được xử lý cho khô ráo trước khi sử dụng. |
Lõi bắp ngô nghiền | Số lượng có hạn. Thường gây viêm sưng vùng ngực, bụng gà |
Rơm, cỏ khô hay thân cây ngô khô vụn | Thường bị đóng vón lại và là môi trường cho nấm mốc dễ phát triển |
Giấy đã qua xử lý | Nhiều loại giấy đã qua xử lý đã chứng minh là chất liệu rất tốt cho việc nghiên cứu và các trại chăn nuôi thương mại. Nhược điểm là nếu chất liệu giấy không tốt sẽ dễ bị đóng vón thành cục lớn |
Làm thế nào để chọn được lớp chất độn chuồng thích hợp với trại gà nhà mình?
Cuối cùng, để chọn được loại chất độn chuồng nào phù hợp với trang trại chăn nuôi gà nhà mình, ta còn cần căn cứ vào đặc điểm riêng của từng trại cũng như mục tiêu chăn nuôi của chủ trại ví dụ như việc hỗ trợ sự phát triển của đường ruột. CỤ thể cần căn cứ vào một số yếu tố như sau:
– Các vật liệu thô cứng như vỏ bào gỗ đã được chứng minh là giúp cải thiện sự phát triển của dạ dày cơ và tăng hiệu quả chuyển đổi thức ăn tốt hơn (mà không ảnh hưởng đến lượng thức ăn ăn vào và cân nặng của gà) so với các loại vật liệu khác.
Vật liệu vỏ bào gỗ ngoài tác dụng như chất độn chuồng bình thường còn có tác dụng giúp kích thích sự phát triển đường ruột của gà
– Theo các nhà khoa học, những vật liệu này còn có tác dụng kích thích sự phát triển đường ruột, cải thiện khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng và làm thay đổi thành phần của vi khuẩn đường ruột khi gà ăn vào.
– Thời tiết khí hậu địa phương: nếu địa phương hoặc trang trại mình nằm trong vùng thời tiết khí hậu ẩm ướt thì ta nên chọn những loại chất độn chuồng nhanh khô (ví dụ như trấu hơn mùn cưa).
– Loại vật liệu nào sẵn có ở địa phương mình?
– Giá thành của loại vật liệu nào mà quy mô trang trại của mình có thể chấp nhận đầu tư?
– Giống gà: với những giống gà có sức đề kháng kém nếu lớp chất độn chuồng quá nhiều bụi sẽ làm cho gà dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Tóm lại, chăn nuôi gà nếu muốn thành công, chúng ta không thể không để ý đến vai trò của lớp chất độn chuồng. Hơn nữa, để chọn được loại vật liệu phù hợp làm lớp chất độn chuồng cho trang trại của mình, ngoài việc căn cứ vào tiêu chuẩn cơ bản của một lớp chất độn chuồng và đặc điểm của từng loại vật liệu ra thì bạn còn cần phải nắm rõ những đặc điểm riêng của trại mình như khí hậu, độ sẵn có và giá thành của vật liệu…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ